Thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn đem lại đóng góp tích cực cho công nghiệp văn hóa

Báo Tổ quốcBáo Tổ quốc11/02/2025

(Tổ Quốc) - Sáng 11/2, tại Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì buổi làm việc về các nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) và hoạt động của các Nhà hát thuộc Bộ năm 2025. Cùng dự buổi làm việc có các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Hồ An Phong.


Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), Cục Du lịch quốc gia, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Hợp tác quốc tế, Cục Điện ảnh, Ban Quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam, lãnh đạo các Nhà hát thuộc Bộ và các Cục, Vụ liên quan.

Những thành tựu vượt bậc của NTBD

Phát biểu định hướng buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2024, nghệ thuật biểu diễn là lĩnh vực có nhiều khởi sắc, được truyền thông đánh giá là điểm sáng của văn hóa nghệ thuật nước nhà nhiều hoạt động 'bùng nổ" góp phần khơi dậy, đưa ngành NTBD trở thành ngành CNVH quan trọng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn đem lại đóng góp tích cực cho công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Theo Bộ trưởng, trong năm 2025, để đạt được yêu cầu phát triển CNVH, góp phần đưa tăng trưởng lên 8% trong đó, CNVH NTBD phải hoàn thiện thể chế, tổ chức các sự kiện, thông qua NTBD hoàn thiện đề án quốc tế hóa văn hóa Việt Nam.

"Trong bối cảnh chung là sắp xếp bộ máy sao cho hoạt động hiệu năng, hiệu quả, nâng cao chất lượng nghệ sĩ, tất cả các đơn vị phải sắp xếp lại, tự chủ, tinh gọn, chúng ta phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận. Các đơn vị nghệ thuật phải làm gì, tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị, nhà hát phải hiến kế, đề xuất ý tưởng để nghệ thuật biểu diễn thực sự có những đóng góp hiệu quả, đem lại doanh thu"- Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ trưởng cũng yêu cầu, trên cơ sở khai thác nguồn lực từ kinh phí đặt hàng và Quỹ phát triển du lịch, cần đưa NTBD thành sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch.

Theo báo cáo của Cục Bản quyền tác giả, thời gian qua, CNVH đã mang lại giá trị gia tăng, đóng góp cho nền kinh tế, thể hiện là nhóm ngành có lợi thế quốc gia của Việt Nam, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới.

Đặc biệt trong nghệ thuật biểu diễn, các hoạt động biểu diễn đang từng bước được đổi mới, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân, ngày càng có nhiều chương trình được sản xuất dựa trên việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống.

Góp vào bức tranh tươi sáng của NTBD trong năm 2024 có thành tựu không nhỏ của các Nhà hát thuộc Bộ VHTTDL. Theo đại diện các nhà hát thông tin, thông qua biểu diễn, hợp tác, bán vé, Nhà hát Tuổi trẻ thu về khoảng 8,5 tỷ đồng; Liên đoàn Xiếc Việt Nam 14 tỷ đồng; Nhà hát Múa rối Việt Nam 16 tỷ đồng; Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam 25 tỷ đồng; Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam có doanh thu 30 tỷ đồng…

Cùng với đó, các chương trình âm nhạc với quy mô lớn và ngày được đầu tư, tổ chức định kỳ. Những thành phố mơ màng, Genfest, HAY Glamping Music Festival, Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô, các show của các nghệ sĩ nổi tiếng như Hà Anh Tuấn, Đen Vâu, Vũ... đã mang những sản phẩm âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn chất lượng đến công chúng.

Trong năm 2023 - 2024, các chương trình như Chị đẹp đạp gió, rẽ sóng; Chị đẹp đạp gió; Anh trai vượt ngàn chông gai; Anh trai say hi được đánh giá là các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc thay đổi xu hướng giải trí của khán giả Việt.

Sau khi phát sóng, hiệu ứng của chương trình bùng nổ khiến nhiều người choáng ngợp, tạo ra trào lưu yêu thích và ủng hộ các "thần tượng nội địa". Nhiều concert với quy mô lớn do người Việt đầu tư, sản xuất và dàn dựng được tổ chức, thu hút hàng nghìn khán giả, mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng; đánh dấu bước đột phá của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nói chung, lĩnh vực âm nhạc nói riêng.

Các loại hình mới như chương trình biểu diễn thực cảnh, tái hiện lại nét văn hóa hoặc một giai đoạn lịch sử đã góp phần đưa văn hóa Việt đến gần hơn với thế giới; phát huy tối đa giá trị văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc; tạo thêm sản phẩm đặc sắc cho du lịch văn hóa của các địa phương.

Các ngành CNVH Việt Nam sẽ phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát triển các ngành CNVH nằm trong tổng thể các chiến lược, quy hoạch quốc gia.

Phát triển các ngành CNVH góp phần tăng cường sức mạnh mềm quốc gia, xây dựng và khẳng định thương hiệu đối với các sản phẩm CNVH chất lượng cao và mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Huy động hiệu quả nguồn xã hội hóa để thúc đẩy sự phát triển của các ngành CNVH.

Cùng với đó, giai đoạn đến năm 2030, các sản phẩm CNVH của Việt Nam phải đáp ứng thị trường tiêu dùng trong nước, tăng trải nghiệm, tiêu dùng của người dân, xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Giai đoạn đến năm 2045, tăng cường xuất khẩu các sản phẩm CNVH của Việt Nam ra thế giới, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm CNVH Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn đem lại đóng góp tích cực cho công nghiệp văn hóa - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi làm việc

Đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, định hướng ưu tiên được đưa ra là phát triển loại hình âm nhạc trẻ, đương đại và một số loại hình nghệ thuật truyền thống phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của công chúng. Ứng dụng công nghệ hiện đại trong âm nhạc và một số loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống để tăng giá trị trải nghiệm cho công chúng, khách du lịch trong nước và quốc tế.

Đồng thời, nâng cao chất lượng, số lượng và quy mô các chương trình biểu diễn âm nhạc đáp ứng nhu cầu của thị trường, từng bước tạo dựng thương hiệu trong khu vực và trên thế giới.

Hình thành cộng đồng công chúng yêu nhạc văn minh; nghệ sĩ có trách nhiệm với nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm đối với các sản phẩm sáng tạo để tôn vinh các giá trị văn hóa Việt Nam.

Tại buổi làm việc, các đơn vị nêu những nhiệm vụ cần làm trong năm 2025 đồng thời cam kết trách nhiệm thực hiện với Bộ trưởng. Theo đó, phải chủ động, tích cực, nâng cao chất lượng các tác phẩm nghệ thuật, đưa các tác phẩm thành sản phẩm du lịch. Cùng với đó là chủ động kết nối, mở rộng thị trường, xuất khẩu sản phẩm văn hóa, đem lại nguồn thu.

Sau khi lắng nghe các đơn vị liên quan cùng khối nhà hát trình bày báo cáo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đánh giá thời gian qua, các nhà hát thuộc Bộ đã chủ động khắc phục một số khó khăn, phát triển các chương trình nghệ thuật biểu diễn nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của người dân, du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng chỉ rõ, các nhà hát đang đối mặt với việc bị "gãy" một số khâu, trong đó có việc thiếu nhân lực trẻ, đội ngũ sáng tạo, kỹ thuật.

Thứ trưởng đề nghị các nhà hát phải chủ động, tích cực tham mưu trong tháo gỡ khó khăn; đổi mới tư duy khi đưa các sản phẩm nghệ thuật đến với du khách, đặc biệt là du khách quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn đem lại đóng góp tích cực cho công nghiệp văn hóa - Ảnh 3.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại buổi làm việc

Thứ trưởng nêu rõ, muốn có các sản phẩm nghệ thuật chất lượng, rất cần có thêm "vốn mồi" để tăng chất lượng khâu dàn dựng, rồi mới tính đến "bán" sản phẩm. Do đó, Thứ trưởng mong muốn sẽ có thêm nhiều nguồn lực để thúc đẩy hợp tác giữa ngành nghệ thuật biểu diễn và du lịch.

Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, nghệ thuật biểu diễn đang hỗ trợ đắc lực cho phát triển CNVH Việt Nam. Với phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn và CNVH, phải chú trọng đến những từ khóa tư duy, cách làm, sản phẩm văn hóa và xuất khẩu văn hóa.

Các đơn vị cần hỗ trợ nhau, họp bàn để đưa ra các giải pháp đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, xuất khẩu văn hóa, bảo vệ bản quyền; coi các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch, đem lại các lợi ích về phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội.

Đưa sản phẩm văn hóa thành sản phẩm du lịch

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá, năm 2024 được coi là năm "bùng nổ" của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Nghệ thuật biểu diễn phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị; được truyền thông rộng rãi, đóng góp quan trọng vào phát triển CNVH.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng nhấn mạnh ngành nghệ thuật biểu diễn cần tiếp tục là một trong những ngành chủ lực, giúp CNVH tăng trưởng; phấn đấu các ngành CNVH đóng góp 8% GDP của cả nước theo Nghị quyết của Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn đem lại đóng góp tích cực cho công nghiệp văn hóa - Ảnh 4.

Thứ trưởng Hồ An Phong phát biểu tại buổi làm việc

Để làm được điều này, Bộ trưởng chỉ rõ phải sớm hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và CNVH. Hiện nay, nghệ thuật biểu diễn chưa có luật điều chỉnh mà chỉ có nghị định. Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm năm 2045 cũng đang trong giai đoạn xây dựng, lấy ý kiến và hoàn thiện. Việc hoàn thiện thể chế sẽ giúp khơi thông điểm nghẽn, kiến tạo sự phát triển bền vững.

Sau khi hoàn thiện thể chế, chiến lược, Bộ trưởng yêu cầu phải có kế hoạch hành động. Hành động phải quyết liệt, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", có sự đổi mới về tư duy và cách tiếp cận vấn đề. Các giải pháp phát triển phải thu về được những kết quả cụ thể. Khi có nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, phải phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển các lĩnh vực nêu trên.

Cùng với đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị phải huy động nguồn lực, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đoàn nghệ thuật, công ty tổ chức sự kiện tư nhân tham gia vào quá trình nghiên cứu, hướng tới xuất khẩu văn hóa, đặc biệt ở các loại hình nghệ thuật như xiếc và múa rối. Những chương trình nghệ thuật khi biểu diễn ở nước ngoài phải mang đậm bản sắc, có sự tính toán kỹ về thị trường.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn đem lại đóng góp tích cực cho công nghiệp văn hóa - Ảnh 5.

Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Xuân Bắc phát biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn đem lại đóng góp tích cực cho công nghiệp văn hóa - Ảnh 6.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu phát biểu tại buổi làm việc

Trước mắt, Bộ trưởng gợi mở phải tập trung vào những thị trường có đông người Việt Nam sinh sống, tổ chức ở các quốc gia Việt Nam đã ký kết văn kiện hợp tác về văn hóa; tổ chức đàm phán với các nước trên tinh thần có qua, có lại, hài hòa về lợi ích; quốc tế hóa văn hóa Việt Nam đi đôi với bảo tồn văn hóa truyền thống thông qua các chương trình nghệ thuật chất lượng.

Trong hợp tác giữa nghệ thuật và du lịch, Bộ trưởng cho hay, mỗi nhà hát phải lựa chọn sản phẩm tinh túy nhất, sâu sắc, trở thành điểm mới trong năm. Chủ động hợp tác với các đơn vị để đưa sản phẩm văn hóa thành sản phẩm du lịch.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn đem lại đóng góp tích cực cho công nghiệp văn hóa - Ảnh 7.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang- Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn đem lại đóng góp tích cực cho công nghiệp văn hóa - Ảnh 8.

Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam Tống Toàn Thắng chia sẻ về các dự án trong năm 2025

"Chúng ta phải có được các chương trình nghệ thuật, vở diễn đặc sắc để biểu diễn thường xuyên tại các điểm đến du lịch được du khách ưa thích như Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam; phối hợp với các tập đoàn có điểm đến du lịch để đưa những sản phẩm văn hóa đến những địa chỉ này, nâng cao trải nghiệm cho du khách", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Về thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII liên quan đến "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", Bộ trưởng yêu cầu các nhà hát phải tinh gọn bộ máy theo hướng hiệu lực, hiệu quả, khơi dậy tinh thần cống hiến của văn nghệ sĩ.

Mượn lời tựa trong cuốn sách mà Tổng Bí thư Tô Lâm tặng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: "Tổng Bí thư Tô Lâm viết, nghệ thuật khơi dậy những sáng tạo và khát vọng cao đẹp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội"- tôi muốn nói hãy khơi dậy những khát vọng cao đẹp để đóng góp vào sự phát triển của ngành CNVH. Hãy lay động trái trim của văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ cũng phải thấy được trách nhiệm của mình để đóng góp vào sự nghiệp phát triển nghệ thuật biểu diễn cũng như CNVH".

Bộ trưởng cũng yêu cầu, cuối tháng 2/2025, Cục NTBD phải chủ trì Hội nghị báo cáo tổng thể về kế hoạch triển khai, phân bố nguồn lực, thúc đẩy NTBD đóng góp vào CNVH./.



Nguồn: https://toquoc.vn/bo-truong-nguyen-van-hung-thuc-day-nghe-thuat-bieu-dien-dem-lai-dong-gop-tich-cuc-cho-cong-nghiep-van-hoa-20250211153846119.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available