Khách hàng không còn “vung tay” mua sắm
Chia sẻ với PV Lao Động, chị Lê Phương Anh – quản lý của một cửa hàng mỹ phẩm trên phố Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa, Hà Nội) – đang trăn trở về doanh số bán hàng sau đợt giảm giá Black Friday vừa qua.
Theo đó, doanh thu và lượng khách ở cửa hàng chị làm việc có tăng nhưng không quá đột phá.
“Năm nay, tình hình buôn bán ảm đạm hơn. Do thương hiệu có nhiều năm hoạt động, chúng tôi dựa phần nhiều vào tệp khách quen trước đó. Có một điểm đặc biệt là lượng hàng bán qua kênh online vượt trội hơn hẳn so với khách mua trực tiếp” – chị Phương Anh nói.
Theo ghi nhận của PV, đến ngày 28.11, dù đã qua ngày hội Black Friday, nhiều cửa hàng vẫn treo biển, tiếp tục áp dụng chương trình giảm giá sâu từ 50-80%.
Chị Kiều Ngân – một người dân ở quận Đống Đa – cho biết, xu hướng mua sắm hiện nay là muốn tìm sản phẩm vừa phù hợp, vừa giá cả phải chăng: “Ai cũng muốn tranh thủ đợt giảm giá để mua những món đồ thích hợp.
Những món mình thấy thích, thấy cần thì ít giảm giá; ngược lại các mẫu giảm giá phần nhiều là hàng lẻ size hoặc tồn kho từ mùa trước, không hợp thị hiếu đa số khách hàng”.
Trên thực tế, dù là ngày hội lớn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, nhưng tình hình kinh doanh Black Friday năm nay không thực sự sôi động.
Lý do được nhiều người mua chia sẻ là vì tình hình kinh tế chung đang khó khăn hơn, bản thân họ cần tiết kiệm trong chi tiêu.
Chương trình khuyến mãi kéo dài cả tháng
Trao đổi với PV, chị Vương Minh Anh (quận Cầu Giấy) chia sẻ kinh nghiệm, với các đợt giảm giá lớn, cửa hàng thường để chương trình áp dụng ít nhất cả tuần nên người mua cũng linh hoạt hơn, không nhất thiết phải đi đúng ngày.
“Black Friday vừa qua vào thứ 6, vẫn là ngày trong tuần nên nhiều người có thể không đi mua sắm được. Mình thấy các cửa hàng tiếp tục để khuyến mãi sang các ngày tiếp theo giúp người mua thoải mái thời gian hơn là một lựa chọn hợp lý” – chị Minh Anh nói.
Thực chất, theo tìm hiệu, đợt giảm giá của nhiều cửa hàng đã bắt đầu từ sớm, có khi là cả tháng, cả tuần trước khi ngày hội Black Friday.
Chị Phương Mai – người bán hàng cho một thương hiệu trong trung tâm thương mại ở đường Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) – cho biết: “Mỗi một gian hàng lại có một cách chạy chương trình giảm giá khác nhau. Đặc biệt, nhiều thương hiệu giữ nguyên mức giá giảm sâu xuyên suốt nhiều tháng, thường thì chỉ thay đổi tên chương trình”.
Ngoài hoạt động giảm giá, các thương hiệu và cửa hàng cũng đang nỗ lực nhiều hơn để thu hút khách hàng, nhất là trong dịp cuối năm. Chương trình giảm giá lớn được thông báo qua banner, màn hình và loa tại cửa hàng. Bên cạnh đó, không thể thiếu là hoạt động truyền thông trên mạng xã hội.
Chị Lê Phương Anh chia sẻ thêm: “Chúng tôi luôn phải phát thông báo trên mạng xã hội và cho khách quen trước về chương trình giảm giá, tập hợp nhân viên vào ca tối, thời điểm đông khách nhất. Đồng thời, cửa hàng chú trọng cải thiện chất lượng tư vấn, chăm sóc để giữ chân khách hàng”.
Bằng nhiều nỗ lực, các thương hiệu và cửa hàng vẫn hy vọng rằng, trong thời điểm cuối năm, lượng khách hàng sẽ tăng lên, giúp kích cầu mua sắm và đem lại sự phục hồi cho hoạt động buôn bán.