Cơ hội cho nhà đầu tư ở thị trường Tây Nam Bộ, ngày càng nhiều người nước ngoài muốn mua nhà tại Việt Nam, nhiều “ông lớn” đổ bộ Móng Cái (Quảng Ninh)… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Bất động sản mới nhất: Một trong những dự án trọng điểm trên địa bàn các huyện Bến Lức và Đức Hòa, tỉnh Long An. (Nguồn: TTXVN) |
Dư địa lớn phát triển thị trường Tây Nam Bộ
Năm 2023 được xem là động lực phát triển kinh tế-xã hội mới của vùng kinh tế Tây Nam Bộ khi những dự án giao thông tTrọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long về đích.
Đây cũng là tiềm năng lớn, tạo cơ hội cho các chủ đầu tư từ khắp nơi về phát triển các dự án BĐS Tây Nam Bộ, đáp ứng nhu cầu ở cho cư dân các địa phương trong vùng vốn đang rất dồi dào.
Theo các chuyên gia, thị trường BĐS Tây Nam Bộ có nhiều tiềm năng khi sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên, khí hậu. Nơi đây không chỉ phát huy năng lực tăng trưởng nông nghiệp, xuất khẩu thủy hải sản mà còn thu hút mạnh dòng vốn FDI lĩnh vực công nghiệp, năng lượng sạch, logistics…
Giám đốc chiến lược Batdongsan.com.vn Lê Bảo Long đánh giá cao tiềm năng đầu tư BĐS Tây Nam Bộ nhờ quy hoạch hạ tầng và dư địa tăng trưởng.
Theo dự tính, vùng Tây Nam Bộ sẽ có nhiều tuyến cao tốc và cầu mới với tổng số vốn khoảng hơn 20.000 tỷ đồng.
Năm 2030, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 760km đường cao tốc, đến năm 2050 quy hoạch lên 1.180km. Tiếp tục trong vòng bốn năm nữa, cả vùng sẽ có các cầu Rạch Miễu 2 và Mỹ Thuận 2, cầu Đình Khao và cầu Đại Ngãi nối liền hai bờ sông Hậu.
Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã đầu tư và hoàn thành các tuyến cao tốc gồm Bến Lức-Trung Lương, Trung Lương-Mỹ Thuận, Cao Lãnh-Lộ Tẻ và Lộ Tẻ-Rạch Sỏi. Tất cả những tuyến cao tốc trên ngoài giúp ngành giao thông phát triển còn góp phần kích thích thị trường nhà đất của các địa phương miền Tây.
Theo ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, các dự án về đích năm 2023 tại Đồng bằng sông Cửu Long gồm cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thành phố Cà Mau, dự án nâng cấp luồng cho tàu lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2); dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2).
Riêng đối với dự án đường bộ Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 (2021-2025) đoạn Cần Thơ-Hậu Giang-Cà Mau sẽ về đích năm 2025.
Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ dài 23km được xem là gạch nối quan trọng của tuyến cao tốc hơn 120km từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ. Tuyến đường khi hoàn thành sẽ chia tải rất lớn cho Quốc lộ 1, rút ngắn thời gian lưu thông từ Thành phố Hồ Chí Minh về các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long chỉ còn hơn hai tiếng đồng hồ, thay vì gần bốn tiếng như hiện nay.
Ngoài ra, dự án kênh Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) là tuyến giao thông thủy huyết mạch nối liền các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long với khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Khi hoàn thành sẽ giúp nâng cao năng lực vận tải đường thủy khi phương tiện thủy có trọng tải lớn từ 2.000-3.000 tấn có thể lưu thông thuận lợi qua kênh.
Đồng thời, dự án luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2) cũng sẽ hoàn thành trong năm 2023, đáp ứng cho các tàu có tải trọng đến 20.000 tấn đầy tải lưu thông thường xuyên trên tuyến, đáp ứng lượng hàng hóa thông qua từ 21-22 triệu tấn/năm và hàng container 450.000-500.000 TEU/năm. Từ đó, mở ra hướng phát triển kinh tế hàng hải hơn nữa cho vùng kinh tế Tây Nam Bộ.
Chuyên gia Đặng Hùng Võ chia sẻ, Tây Nam Bộ là vùng có tiềm năng lớn về nông nghiệp, cần có các đô thị nông nghiệp, BĐS gắn với hệ sinh thái nông nghiệp. Đồng thời, tạo cấu trúc đô thị nông nghiệp gắn với du lịch theo triết lý xanh và thông minh. Những đặc trưng nông nghiệp là điểm thu hút cư dân các nơi, kể cả nước ngoài tới sinh sống và lập nghiệp, từ đó có lợi thế về chất lượng cư dân, lao động,…
Cơ hội cho nhà đầu tư
Ngay từ đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm thúc đẩy và tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Một số dự án đã cơ bản tháo gỡ được những vướng mắc, nhiều dự án được tái khởi động.
Tín dụng BĐS 4 tháng đầu năm 2023 tăng tới 9,78%, gấp 3 lần tín dụng chung của nền kinh tế. Diễn biến trên thị trường cũng cho thấy, BĐS đang dần hồi phục, dù còn chậm.
Thực tế, vùng Tây Nam Bộ cũng đang nhận được sự quan tâm của Chính phủ trong việc quy hoạch phát triển. Cuối tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các tỉnh, thành trong vùng sẽ trở thành động lực tăng cường kết nối thông thương nội vùng và giữa vùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ và cả nước. Đây là cơ hội cho vùng nâng cao chất lượng sống của người dân, vừa là cơ hội cho các chủ đầu tư về phát triển các dự án BĐS Tây Nam Bộ đáp ứng nhu cầu ở cho người dân.
Theo các chuyên gia, hiện thị trường Tây Nam Bộ liên tục thu hút nguồn vốn từ nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, với nguồn vốn dự kiến giai đoạn 2021-2025 tăng lên khoảng 23,3%.
Dự đoán trong khoảng thời gian tới từ 2023-2030, thị trường này sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư do có tiềm năng phát triển BĐS rất lớn nhờ vào giá cả hợp lý và quỹ đất phong phú.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố Cần Thơ, ông Dương Quốc Thủy cho rằng, cơ hội dành cho nhà đầu tư BĐS Tây Nam Bộ là vô cùng rộng mở. Hiện tại, cả vùng chưa có quá nhiều các doanh nghiệp lớn về khai thác thì dư địa cho các chủ đầu tư về phát triển dự án còn rất lớn.
Làm sao giữ chân người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam?
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, có khoảng 4 triệu người muốn mua nhà ở Việt Nam trong tương lai, bao gồm người nước ngoài và Việt kiều.
Xu hướng ngày càng nhiều người nước ngoài muốn mua nhà tại Việt Nam và đây là một tín hiệu tốt, phản ánh tiềm năng của nền kinh tế đang phát triển tích cực.
Các chuyên gia nhận xét thời gian tới, Luật Nhà ở cần được sửa đổi theo hướng minh bạch, chặt chẽ và phù hợp với quy định, thực tiễn.
Đặc biệt, quy định liên quan đến việc bán nhà cho người nước ngoài cần mở và cụ thể hơn thay vì gia tăng các rào cản.
Đồng thời, việc sửa đổi này phải đồng bộ các quy định của Luật Đất đai và Luật Kinh doanh BĐS.
Ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) – cho biết kể từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực cho đến nay, số lượng cá nhân, tổ chức nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể.
Qua đó cho thấy Luật Nhà ở quy định cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở với các điều kiện được mở rộng về phạm vi, đối tượng, loại nhà, số lượng nhà ở được mua… đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút và thúc đẩy phát triển đầu tư, du lịch và dịch vụ, phát triển thị trường BĐS, phù hợp với thông lệ quốc tế, thu hút dòng vốn FDI.
Dữ liệu thống kê của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, kể từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực đến nay, đã có khoảng 3.035 người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, chủ yếu là các căn hộ chung cư ở dự án nhà thương mại.
Các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu…
Phần lớn các đối tượng này đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Malaysia.
Tuy nhiên, Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận xét tổng số người nước ngoài đã mua nhà tại Việt Nam vẫn còn rất ít so với nhu cầu.
Cụ thể, theo tính toán của VARS, số lượng nhà ở được người nước ngoài mua tại Việt Nam kể từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực chỉ chiếm khoảng 0,53% tổng lượng nhà ở trong cả nước giai đoạn 2018-2022.
Trong khi đó, nhu cầu mua nhà của người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, bao gồm nhu cầu sở hữu nhà để ở và nhu cầu kinh doanh là rất lớn.
Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2005, số lượng lao động nước ngoài ở Việt Nam là 12.000 người nhưng đến năm 2019 là 117.800 người. Cùng đó, số lao động nước ngoài được cấp phép làm việc tại Việt Nam tính đến tháng 3/2022 là 100.000 người, tăng gấp gần 10 lần so với năm 2005.
Chủ tịch VARS Nguyễn Văn Đính nhận xét, việc làm ăn lâu dài cũng như nhu cầu đầu tư trước sức hút từ tiềm năng đầu tư BĐS tại Việt Nam chắc chắn sẽ nảy sinh nhu cầu sở hữu nhà ở, căn hộ.
Bên cạnh đó, sự lựa chọn của giới nhà giàu nước ngoài khi mà giá nhà ở một số quốc gia đã quá cao hay việc siết các quy định nhập cư ở một số nước… cũng sẽ khiến nhu cầu sở hữu nhà tại Việt Nam ngày càng tăng lên.
VARS dẫn chứng Báo cáo của Hãng địa ốc Juwai IQI nửa đầu năm 2023 cho thấy Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đang nổi lên là điểm đến ưa thích cho người giàu các nước châu Á.
Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ cho phép giữ nguyên như dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về việc cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (bao gồm cả nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư).
Đồng thời, Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất thuê.
Luật hóa các quy định là cần thiết, đặc biệt là theo hướng minh bạch, cởi mở và vẫn đảm bảo các yếu tố an ninh quốc phòng, kinh tế…
Tuy nhiên, cần đồng bộ giữa các luật liên quan để yếu tố pháp lý không trở thành rào cản.
BĐS Móng Cái phát lộ tiềm năng lớn
Nắm vai trò chiến lược quan trọng trên bản đồ kinh tế – xã hội quốc gia, đi kèm những cú hích về hạ tầng và giao thông, Móng Cái (Quảng Ninh) đang sở hữu nhiều cơ hội bứt phá trở thành một trong những đô thị sầm uất nhất nước.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam đánh giá, nhiều thông tin đang tác động tích cực tới thị trường BĐS cả nước.
Lãi suất cho vay trong thời gian qua hạ nhiệt và giảm đáng kể, giúp giảm gánh nặng cho người vay, đồng thời hướng dòng tiền chảy về lĩnh vực BĐS. Trong bối cảnh này, những sản phẩm đáp ứng giá trị thật, pháp lý tốt, tiến độ đảm bảo đến từ chủ đầu tư có tiềm lực luôn được khách hàng “săn lùng”, đặc biệt ở những khu vực, địa phương có sự phát triển mạnh về hạ tầng và tốc độ đô thị hóa cao.
Phối cảnh dự án Vinhomes Golden Avenue tại Móng Cái, Quảng Ninh. (Nguồn: Vinhomes) |
Đơn cử như ở Móng Cái, thành phố biên mậu với các tiềm năng nổi trội từ vị trí, cơ sở hạ tầng giao thông, cũng như sự đầu tư chiến lược, từ giữa năm 2021 đến nay đã ghi nhận sự đổ bộ của các “người khổng lồ” Vingroup, Sun Group, Ecopark, Vinaconex… Sự xuất hiện của các doanh nghiệp lớn cùng những dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đã khẳng định tiềm năng vượt trội của vùng đất này.
Những lực đẩy này đã tạo nên sự sôi động của thị trường, biến Móng Cái trở thành nơi có dư địa tăng trưởng vượt bậc đi kèm khả năng thanh khoản mạnh mẽ. Trên thực tế, theo trang Batdongsan.com, giữa năm 2022 đất nền Móng Cái ghi nhận mức tăng 10-20% so với cuối năm 2021 với mặt bằng giá mới được thiết lập .
Nổi bật giữa những “ông lớn” BĐS, mới đây nhất, khu đô thị cửa khẩu Vinhomes Golden Avenue tọa lạc tại Bắc Luân 2, TP. Móng Cái, do Vinhomes đầu tư và phát triển đã chính thức ra mắt. Dự án được giới chuyên gia đánh giá đã tạo cú hích cho thị trường BĐS nói riêng và đà tăng trưởng của thành phố biên mậu lớn nhất nước nói chung.
Dư địa tăng trưởng của Vinhomes Golden Avenue trước tiên phải kể đến sức sống nội sinh của dự án với hệ cảnh quan và tiện ích sống đẳng cấp 5 sao được vận hành đồng bộ, từ đó thu hút cộng đồng cư dân.
Dự án là khu đô thị cửa khẩu quốc tế đầu tiên ở Móng Cái, được quy hoạch kết hợp giữa ở và kinh doanh, đáp ứng nhu cầu sống, nghỉ dưỡng cao cấp, học tập, y tế chất lượng cao đến mua sắm, kinh doanh sôi động. Mô hình khu đô thị này tối ưu không gian và thời gian, khi dành gần 30% trong 116 ha cho xây dựng, còn lại là các công viên, hồ nước, cây xanh, bể bơi, vườn dưỡng sinh, đường chạy bộ, khu tập gym, khu vui chơi giải trí dành cho mọi lứa tuổi…
Hệ cảnh quan đẳng cấp tại dự án hứa hẹn tạo nên chất sống nghỉ dưỡng có một không hai cho cư dân, là địa điểm lý tưởng để mọi người tập luyện thể thao, tận hưởng bầu không khí trong lành cùng những khoảnh khắc bình yên.