Các thống đốc ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính từ các nền kinh tế mới nổi sẽ nhóm họp tại AlUla, Saudi Arabia, để thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô khu vực và toàn cầu. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm gia tăng bất ổn trong thương mại quốc tế.
|
Hội nghị các nền kinh tế mới nổi, do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Bộ Tài chính Saudi Arabia phối hợp tổ chức, sẽ diễn ra trong hai ngày 16-17/2, với một loạt chủ đề bao gồm thách thức chính sách, củng cố tài khóa và hạn chế nợ, khả năng chống chịu trong hệ thống tài chính, và đối phó với căng thẳng thương mại. Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva và Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia, Mohammed Al Jadaan, dự kiến phát biểu khai mạc và bế mạc hội nghị.
Hội nghị các nền kinh tế thị trường mới nổi là sự kiện thứ ba mà bà Georgieva tham dự ở Trung Đông trong những tuần gần đây, sau khi bà phát biểu tại Diễn đàn Tài chính Arab và Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ thế giới ở Dubai. Tổng giám đốc IMF đã nhân sự kiện ở Dubai để đưa ra một thông điệp mà bà đã nhắc lại trong những tháng gần đây: nền kinh tế thế giới đang đối mặt với một giai đoạn tăng trưởng thấp và nợ cao trong trung hạn. Trong báo cáo mới nhất, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Đông - Bắc Phi (MENA) sẽ đạt 3,6% trong năm nay, và khu vực này đang phải đối mặt với triển vọng ảm đạm hơn trong trung hạn.
Phát biểu tại Diễn đàn Tài chính Arab lần thứ 210 diễn ra mới đây ở Dubai, bà Georgieva lưu ý: "Nhiều quốc gia ở MENA đang phải đối mặt với những áp lực tương tự, với mức nợ vượt quá 70% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Điều này khiến các nền kinh tế trong khu vực có nguy cơ mắc kẹt trong viễn cảnh tăng trưởng thấp-nợ cao".
Chính sách thuế quan của chính quyền Trump được cho là sẽ đưa đến mức độ không chắc chắn cao đối với triển vọng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là thương mại. Ông Trump đã công bố một loạt mức thuế quan mà ông đe dọa áp đặt đối với các đối tác thương mại để giải quyết vấn đề mà ông gọi là các hoạt động thương mại không công bằng. Một số nền kinh tế mới nổi sẽ chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế của Mỹ, trong đó có cả Brazil và Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gặp ông Trump hôm 13/2 để thảo luận về vấn đề này.
Phát biểu từ Nhà Trắng ngày 13/2, ông Trump cho biết ông và Thủ tướng Ấn Độ đã nhất trí tổ chức các cuộc đàm phán để "giải quyết sự chênh lệch kéo dài" giữa hai nước. Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, trong khi Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ. Năm 2024, xuất khẩu của Ấn Độ vào Mỹ đạt 77,5 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của Mỹ sang Ấn Độ đạt 40,7 tỷ USD.
Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia và Tổng giám đốc IMF đã cảnh báo về sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ. Bà Georgieva kêu gọi các nước Trung Đông tìm kiếm các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế, với thương mại không phải là giải pháp khả thi cho tăng trưởng kinh tế như trước đây. Bà Georgieva nói thêm: "Trung Đông đang đứng trước nhu cầu cấp bách để tạo việc làm, tăng cường mạng lưới an sinh xã hội, xây dựng khả năng chống chịu với thiên tai và hỗ trợ cho nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế".
Theo Arab News, ngày 15/2, Bộ trưởng Tài chính Pakistan Muhammad Aurangzeb đến Saudi Arbia để tham dự hội nghị trên theo lời mời của người đồng cấp Mohammed Al-Jadaan.
"Cuộc gặp giữa hai lãnh đạo tài chính của hai nước nhấn mạnh cam kết chung nhằm xây dựng cầu nối hợp tác kinh tế và thúc đẩy thịnh vượng chung", Bộ Tài chính Pakistan cho biết trong một thông cáo sau cuộc gặp của ông Aurangzeb với ông Al-Jadaan.
“Các cuộc thảo luận nhấn mạnh các cơ hội tăng cường thương mại song phương, đầu tư và hợp tác tài chính, cả hai bộ trưởng đều bày tỏ sự tận tâm của mình trong khai thác toàn bộ tiềm năng của quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước”, thông cáo cho biết thêm.
Pakistan đang điều hướng quá trình phục hồi kinh tế mong manh theo chương trình cho vay 7 tỷ USD của IMF được bảo đảm vào tháng 9/2024, sau khi thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng và cải cách chính sách để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ có chủ quyền vào năm 2023.
Để tạo điều kiện cho quá trình phục hồi kinh tế của Pakistan, Saudi Arabia đã ký 34 biên bản ghi nhớ (MoU) trị giá 2,8 tỷ USD vào tháng 10 năm ngoái để thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân vào các lĩnh vực quan trọng, bao gồm năng lượng, cơ sở hạ tầng và công nghệ.
Trong cuộc họp của mình, hai bộ trưởng đã khám phá các con đường hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghệ và tài chính, nhấn mạnh nhu cầu tiếp tục đối thoại và các sáng kiến chung để tạo điều kiện cho dòng đầu tư và các cơ hội kinh tế có thể mang lại lợi ích cho khu vực rộng lớn hơn.
Nguồn: https://baoquocte.vn/giua-nhung-con-gio-nguoc-cac-nen-kinh-te-moi-noi-nhom-hop-ban-cach-ung-pho-pakistan-va-saudi-arabia-kham-pha-huong-di-khac-304511.html
Bình luận (0)