Bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi “bấm nút”
Để có góc nhìn đa chiều trong việc chưa thông qua Luật Đất đai cũng như những kỳ vọng khi dự án Luật này sẽ được thông qua tại kỳ họp gần nhất, Người Đưa Tin (NĐT) đã lắng nghe những chia sẻ, đánh giá từ TS. Trần Công Phàn – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH đoàn Bình Dương.
NĐT: Thưa Phó Chủ tịch Trần Công Phàn, Luật Đất đai (sửa đổi) đã được cho ý kiến tại 3 kỳ họp và kỳ họp thứ 6 vừa qua dự án Luật này được thống nhất chưa thông qua. Xin ông đánh giá về công tác chuẩn bị cũng như tiếp thu ý kiến chỉnh lý đối với dự án luật này?
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, theo chương trình dự kiến sáng 29/11 các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, báo cáo trước Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết qua tiếp thu ý kiến của các đại biểu, giữa kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp, thống nhất ngoài những nội dung đã được tiếp thu, chỉnh sửa, còn nhiều nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thêm thời gian để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
Đặc biệt, Luật Đất đai (sửa đổi) là luật quan trọng, có tác động sâu sắc tới người dân và doanh nghiệp, liên quan tới nhiều luật khác. Do đó, theo chương trình kỳ họp điều chỉnh đã được các đại biểu tán thành, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được xem xét tại kỳ họp gần nhất.
Tôi cho rằng, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã nhất trí và Quốc hội cũng đồng tình cao chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 là cần thiết, để có thời gian tiếp thu, nghiên cứu chỉnh lý một dự thảo luật chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, đảm bảo tính khả thi, luật sau khi ban hành phải đi vào cuộc sống.
NĐT: Ông đánh giá như thế nào về việc Quốc hội chưa thông qua dự án Luật này mà sẽ được thông qua vào kỳ họp gần nhất?
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Như đã nêu, Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến nhiều đạo luật khác nhau, theo thống kê liên quan tới hơn trăm đạo luật, có nhiều nội dung khi sửa Luật này thì phải sửa Luật khác. Do đó, đây là vấn đề rất lớn cần phải được “đưa lên bàn cân” để làm sao khi sửa Luật phải đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, cụ thể hóa được những chính sách, chủ trương mà Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Việc rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật cần thêm thời gian để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với hệ thống pháp luật. Vì vậy, điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ kỳ họp này sang kỳ họp gần nhất sẽ giúp các cơ quan có thể tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.
Do đó, tôi ủng hộ chưa thông qua dự án Luật đất đai (sửa đổi), Quốc hội sẽ quyết định thông qua khi dự luật đủ chín muồi, chặt chẽ vì tính chất lâu dài, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân trong xu thế hội nhập hiện nay.
Để Luật đi vào cuộc sống, không còn bất cập
NĐT: Kể từ khi có dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho đến khi trình Quốc hội bàn thảo tại hội trường Diên hồng và các phiên thảo luận tổ, được biết Hội Luật gia Việt Nam đã rất tích cực tham gia tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đất đai với nhiều chủ đề ý nghĩa, hấp dẫn thu hút sự tham gia, quan tâm của các chuyên gia, các nhà khoa học. Xin ông chia sẻ thêm về những đóng góp của Hội Luật gia Việt Nam trong dự án Luật này?
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Nhằm tạo một diễn đàn mở để các chuyên gia, các nhà khoa học đóng góp ý kiến, tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trên thực tiễn để phát huy hơn nữa nguồn lực đất đai và giải quyết các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các Luật đất đai và các Luật có liên quan Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc Hội thảo ở các quy mô, cấp độ khác nhau góp ý Luật Đất đai (sửa đổi) với các chủ đề như: “”Những định hướng chính sách lớn về đảm bảo quyền của người sử dụng đất”; “Hoàn thiện chính sách tài chính về đất đai và phát triển thị trường quyền sử dụng đất”…
Trong suốt thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), có thể thấy đây là một dự án luật nhận được nhiều sựtham gia góp ý kiến rất sôi động và đông đảo nhân dân trên cả nước, ở tất cả các cấp, các ngành…
Đối với Hội Luật gia Việt Nam, sau khi có Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Nghị quyết số 170/NQ-CP, ngày 31/12/2022 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Hội đã có kế hoạch triển khai lấy ý kiến toàn giới luật gia đối với dự thảo Luật Đất đai. Đồng thời, Hội cũng đã giao cho tất cả các cấp Hội Luật gia của 63 tỉnh, thành, các chi hội luật gia trực thuộc tham gia đầy đủ, có những ý kiến đóng góp gửi về Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, từ đó tập hợp có ý kiến chính thức về dự thảo Luật này.
Hoàn thiện Luật, trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường
Phát biểu kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 6/12, về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 12 và thời gian tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung chuẩn bị tốt các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và các nghị quyết trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp bất thường sắp tới.
Với vị trí là Hội tổ chức chính trị- xã hội – nghề nghiệp với gần 80.000 hội viên là những chuyên gia, luật gia, những người đã và đang công tác trong ngành pháp luật, có vị trí rất quan trọng trong tham gia chính sách, xây dựng pháp luật.
Cùng với đó, Chỉ thị 14-CT/TW, ngày 01/7/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới; cũng như kế hoạch chương trình hành động của Quốc hội và sự quan tâm của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đối với Hội Luật gia Việt Nam, chúng tôi nhận thức rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình trong việc đóng góp có trách nhiệm đối với các dự án Luật, đặc biệt là Luật Đất đai.
Với vai trò vừa là thành viên trong ban soạn thảo, vừa là cơ quan tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam đã có những ý kiến phản biện, có nhiều nội dunggóp ý đối với dự thảo Luật này.
NĐT: Như ông chia sẻ, Hội Luật gia Việt Nam đã rất tích cực, đóng góp cho ý kiến đối với dự án Luật này. Vậy, xin ông cho biết những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, luật gia, các nhà khoa học tại các Hội thảo, tọa đàm góp ý Luật Đất đai do Hội tổ chức có ý nghĩa như thế nào?
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Các cuộc tọa đàm góp ý Luật Đất đai (sửa đổi) do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức đã thu hút sự quan tâm đóng góp ý kiến của các chuyên gia pháp lý, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế… Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến phát biểu, đóng góp rất sôi nổi của các chuyên gia. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu đã được Hội Luật gia Việt Nam tổng hợp, góp ý tới Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội các cơ quan Chính phủ…
NĐT: Để Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua, có hiệu lực thi hành đi vào cuộc sống, không còn bất cập, theo Phó Chủ tịch Trần Công Phàn cơ quan soạn thảo cần lưu tâm những gì?
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung dự thảo Luật đưa ra nhiều phương án, có những nội dung 2-3 phương án. Tôi cho rằng cần phải được nghiên cứu, chỉnh lý lại cho thật gọn, để chọn một phương án hoặc để các ĐBQH biểu quyết từng phương án thể hiện chính kiến của mình. Theo đó, phương án nào Quốc hội thống nhất cao hơn thì sẽ chọn phương án đó.
Làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau
Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho hay do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp, Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng. Đồng thời, đã cân nhắc thận trọng nhiều mặt và quyết định xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhất để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các luật này sau khi được ban hành.
Về những việc còn có ý kiến khác nhau, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan có trách nhiệm cần nghiên cứu cụ thể, kỹ lưỡng và có báo cáo tiếp thu giải trình rõ để có những quy định trong luật cho đầy đủ và chính xác. Có như vậy, khi Luật Đất đai thông qua, có hiệu lực thi hành đi vào cuộc sống sống, không còn bất cập.
NĐT: Xin ông chia sẻ về những kỳ vọng sau khi dự án Luật Đất đai được thông qua tại kỳ họp gần nhất?
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn:Theo tôi, cần thông qua Luật Đất đai trong năm nay hoặc đầu năm tới. Vì càng kéo dài thời gian thông qua thì những bất cập của Luật Đất đai vẫn sẽ gây bất cập, khó khăn, bức xúc, ảnh hưởng đến người dân. Đây là một bộ luật rất quan trọng. Do đó, cần dành riêng một tại kỳ họp bất thường cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024 để thông qua.
Từ những chia sẻ nêu trên, tôi cũng như nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng Luật Đất đai sau khi thông qua sẽ giải quyết được căn cơ những tồn tại, hạn chế, khai thông điểm nghẽn cho hoạt động đầu tư, tạo động lực cho phát triển mọi mặt từ đời sống, kinh tế, xã hội…
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Trần Công Phàn!
Tránh trường hợp luật sau khi ban hành có bất cập
Thảo luận tại hội trường về những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 3/11, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn ĐBQH Đà Nẵng) cho biết, dự thảo luật có nhiều nội dung còn có các phương án khác nhau, chưa thống nhất như trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội cần thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua dự án luật.
Bên cạnh đó, khi thảo luận tại hội trường, có 5/22 ý kiến đề nghị thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 6; 6/22 ý kiến nhận định cần sớm thông qua dự thảo luật nhưng phải bảo đảm chất lượng; 11/22 ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng, dành thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý dự luật thấu đáo, cân nhắc cẩn trọng và đề nghị chưa thông qua tại kỳ họp này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng chất lượng của dự luật phải được đặt lên hàng đầu, “tránh trường hợp luật sau khi ban hành có bất cập sẽ gây nhiều hệ lụy đối với các hoạt động kinh tế – xã hội và đời sống của người dân”. Ngoài ra, dự thảo Nghị định và văn bản hướng dẫn luật cũng cần thêm thời gian để hoàn thiện đồng bộ, bảo đảm có hiệu lực cùng lúc với luật, nhất là một số nội dung mới về giá đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất.