Sáng 27-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ năm, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Kéo dài hạn tuổi phục vụ trong Công an nhân dân
Tại phiên họp, báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh sự cần thiết ban hành luật nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Công an nhân dân liên quan đến thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác; quy định cụ thể một số vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng trong Công an nhân dân phù hợp với quy định của Đảng và yêu cầu công tác.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an: Cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Ảnh: Tuấn Huy |
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nói về một số nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự án luật này.
Cụ thể, dự luật quy định sĩ quan Công an nhân dân được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác. Trường hợp không đủ 3 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định.
Dự luật cũng bổ sung theo hướng: Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác. Việc bổ sung nội dung này nhằm xác định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác để làm căn cứ đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn.
Cùng với đó, dự luật cũng bổ sung quy định cụ thể về 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng trong Công an nhân dân, gồm: 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng và 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng; quy định Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Trung đoàn trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá.
Đặc biệt, dự luật bổ sung quy định và tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi); tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi; nữ sĩ quan cấp tướng thì vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành; bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan Công an nhân dân trong trường hợp đặc biệt.
Thời gian tăng tuổi theo lộ trình: Mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Riêng sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ thì tăng ngay 2 tuổi, không theo lộ trình nêu trên.
Thời điểm tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất bắt đầu từ năm 2021 nhưng không áp dụng đối với trường hợp đã nghỉ công tác trước ngày luật này có hiệu lực thi hành. Giao Chính phủ quy định cụ thể lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an cho phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.
Dự luật cũng nâng tuổi được kéo dài hạn tuổi phục vụ đối với sĩ quan Công an nhân dân là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp từ 60 tuổi lên 62 tuổi đối với nam; từ 55 tuổi lên 60 tuổi đối với nữ…
Rà soát điều kiện cơ bản thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn
Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; cho rằng, việc sửa đổi một số quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018 trong thời điểm hiện nay là cần thiết, nhằm thể chế hóa các quan điểm, chỉ đạo của Đảng về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới: Việc sửa đổi một số quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018 trong thời điểm hiện nay là cần thiết. Ảnh: Tuấn Huy |
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân còn nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về Công an nhân dân, thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng Công an nhân dân; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, các quy định trong dự thảo luật là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, cơ bản bảo đảm tính khả thi, bảo đảm tính tương quan về độ tuổi lao động theo quy định trong Bộ luật Lao động.
Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát các quy định về kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất, quy định về chế độ, chính sách có liên quan đến Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội để bảo đảm tính thống nhất…
Bộ Quốc phòng sẽ xem xét, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam cho phù hợp Mặt khác, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, ngày 16-12-2022, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng trao đổi về dự kiến thời gian, nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 22-12-2022, Bộ Quốc phòng đã có văn bản trả lời Ủy ban Quốc phòng và An ninh, trong đó xác định trên cơ sở kết quả tổng kết và lộ trình thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17-1-2022 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo; Bộ Quốc phòng sẽ xem xét, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam cho phù hợp. |
THẢO NGUYÊN