Giá to, mập, ngắn rễ và đẹp mắt hơn sau khi được ngâm hóa chất - Ảnh: Công an tỉnh Nghệ An
1 - Người làm giá bẩn, độc hại không hề có sự chùn tay bởi sau vụ bốn người làm giá ở Đắk Lắk bị bắt giam hồi cuối năm ngoái thì mới đây (ngày 19-4) lại thêm bốn người ở Nghệ An bị bắt vì hành vi tương tự.
Hàng ngàn thùng ngâm giá với hóa chất lại khiến bao người lên ruột: mình có ăn phải thứ độc hại ấy. Thêm câu hỏi khác: Tại sao người làm giá độc hại không giật mình hay biết sợ?
Người tiêu dùng cũng tự hỏi cơ quan chức năng ở đâu khi mà vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk từng gây chấn động dư luận, ấy vậy mà vẫn chẳng thấy đơn vị nào rà soát kiểm tra xem địa bàn mình có tình trạng tương tự.
Thời gian cứ thế trôi đi, cho đến khi công an vào cuộc. Hết Đắk Lắk rồi đến Nghệ An, và còn đâu nữa?
Những câu hỏi không có câu trả lời nhưng cứ luẩn quẩn mãi bởi vì cơ chế kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay chủ yếu là xử lý khi chuyện đã rồi - tức là thực phẩm bẩn, độc đã vào mâm cơm, vào bụng người tiêu dùng chứ không thể là ngăn chặn điều đó xảy ra.
Người kinh doanh thực phẩm độc, bẩn cứ vô tư hốt tiền cho đến khi... bị lộ! Bởi hậu kiểm có mà như không.
Nhiều người nhớ lại câu nói của một nghi phạm sau vụ giá độc hại ở Đắk Lắk bị phanh phui: "Thị trường sạch hết thì tôi cũng nhàn".
Điều đó cho thấy thị trường giá có thể còn rất nhiều nguồn sản phẩm độc hại xâm nhập vào đường dây tiêu thụ, mà bằng chứng từ vụ việc ở Đắk Lắk là họ từng chiếm lĩnh đường dây cung ứng cho cả một chuỗi cửa hàng lớn.
Vì vậy người tiêu dùng lo ngại các vụ phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Cần có biện pháp trục vớt tảng băng chìm đó, để không có thêm vụ làm giá đỗ độc hại tương tự nào nữa tái diễn.
2- Liên tiếp và dồn dập, cũng trong hơn một tháng qua, người tiêu dùng liên tục sốc vì thực phẩm: từ kẹo rau Kera được quảng cáo lố rằng một viên kẹo có hàm lượng chất xơ tương đương một đĩa rau, đến vụ sữa giả với 573 loại tràn lan khắp nơi (kể cả bệnh viện), rồi đến giờ là giá đỗ độc hại tái xuất hiện.
Thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả, thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại... như thay phiên nhau đánh lừa người tiêu dùng và "qua mặt" cơ quan chức năng và cũng chỉ bị ngăn chặn khi công an phát hiện.
Hiện trạng lộng hành của thực phẩm giả, thực phẩm độc hại không chỉ cho thấy những lỗ hổng trong quy định, trong quản lý, trong kiểm tra..., mà đáng buồn hơn, nó có sự "tiếp tay" của một bộ phận trong cộng đồng.
Đó là những người nổi tiếng tham gia quảng cáo thổi phồng kẹo rau, sữa giả. Đó là những cán bộ cơ quan chức năng không làm hết trách nhiệm trong các khâu kiểm tra hàng hóa thực phẩm.
Và nguy hiểm hơn cả là nếu có sự tiếp tay bao che hay bảo kê trục lợi của một số cán bộ thoái hóa biến chất.
3 - Ai cũng muốn thoáng, muốn tạo điều kiện cho làm ăn, cho kinh doanh nhưng từ thực trạng này cho thấy thoáng quá cũng có gì đó không ổn.
Kêu gọi đạo đức kinh doanh là cần nhưng chưa đủ nếu không có chế tài xử phạt nghiêm. Hậu kiểm quyết liệt, quản chặt không khéo lại rơi vào cảnh không khuyến khích làm ăn.
Đó là bài toán khó mà tới đây Nhà nước cần phải tìm ra lời giải đáp hài hòa giữa các bên: nhà sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng.
Nhưng dù bất kể thế nào, sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng phải được đặt lên hàng đầu. Chờ xem giải pháp là gì?
Đọc tiếpVề trang Chủ đề
Trở lại chủ đề
HUỲNH HIẾU
Nguồn: https://tuoitre.vn/sua-gia-gia-doc-va-con-gi-nua-20250421083345185.htm
Bình luận (0)