(NLĐO) – Thí sinh cần cân nhắc, tỉnh táo trước những tổ chức, cá nhân luyện thi đánh giá năng lực, cam kết "bao đậu", đảm bảo điểm thi từ 900-1000 điểm.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo (ĐHQG TP HCM), cho biết mục đích chính khi thiết kế ra kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM là để đánh giá những năng lực quan trọng trong quá trình học đại học như: năng lực ngôn ngữ, tư duy logic, giải quyết vấn đề.
Tại talkshow trực tuyến chủ đề: "Những điểm mới trong tuyển sinh 2025" do Báo Người Lao Động tổ chức vừa qua, TS Chính cho rằng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT 2018) rất phù hợp với việc phát triển những năng lực của thí sinh. Đây là chương trình giúp thí sinh chủ động học tập, chọn lựa môn học theo xu hướng nghề nghiệp, tạo điều kiện để thí sinh tự học nhiều hơn.
Kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM có vài thay đổi để phù hợp với chương trình GDPT 2018. Video: Thanh Long- Duy Phú
TS Chính nhìn nhận chương trình GDPT 2018 và kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM có nhiều điểm tương đồng, phù hợp với nhau. Tuy nhiên, về cách triển khai và ra đề thi năm nay phải có sự thay đổi.
TS Nguyễn Quốc Chính giải thích, ở những kỳ thi đánh giá năng lực trước, đề thi luôn có những câu hỏi chuyên sâu về vật lý, hóa học, sinh học, địa lý… Đối với kỳ thi năm nay, nếu vẫn giữ những câu hỏi chuyên sâu thì sẽ gây khó khăn cho thí sinh, vì không phải thí sinh nào cũng đăng ký học chuyên sâu những môn này trong chương trình GDPT 2018.
Chính vì vậy, việc ra đề thi sẽ chú trọng khai thác năng lực sử dụng ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh), năng lực tư duy logic thể hiện qua những câu hỏi toán học và tập trung những câu hỏi về giải quyết vấn đề để đánh giá tư duy khoa học của thí sinh. Những câu hỏi tư duy khoa học sẽ được hỏi dưới dạng cung cấp số liệu, thông tin, công thức… để thí sinh tìm ra quy luật giải quyết tối ưu nhất.
Theo các chuyên gia, để có kết quả thi tốt, cần phải xây dựng lộ trình luyện tập lâu dài và khoa học. "Việc luyện thi cấp tốc trong vòng 1-2 tháng sẽ không đạt được hiệu quả tối ưu. Nếu được, học sinh nên luyện tập ngay từ lớp 10. Thay vì chỉ ghi nhớ kiến thức, học sinh nên học tập theo hướng nghiên cứu, có lý luận, phản biện, tư duy thật nhiều…"- TS Chính cho hay.
Thí sinh tham gia kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM tổ chức năm 2024
Chia sẻ về việc có nên luyện thi đánh giá năng lực hay không, TS Chính cho rằng các thí sinh cần phải cân nhắc, tỉnh táo lựa chọn đơn vị luyện thi phù hợp. Hiện giờ có rất nhiều tổ chức, cá nhân tổ chức luyện thi, thậm chí cam kết "bao đậu", đảm bảo điểm thi từ 900-1000 điểm.
"Thực tế, có những trung tâm/cá nhân luyện thi tốt, giúp rèn luyện kỹ năng làm bài và giúp thí sinh an tâm, tự tin hơn. Tuy nhiên cũng có không ít trung tâm tự "sáng tác" ra những câu hỏi không có chất lượng, phương pháp ôn tập không hiệu quả" – TS Chính cho hay.
Theo TS Chính, việc tự ôn luyện ở nhà bằng cách hệ thống kiến thức, phối hợp học nhóm cùng bạn bè và thầy cô để xây dựng nhiều năng lực sẽ cho kết quả hiệu quả hơn.
Nguồn: https://nld.com.vn/su-that-loi-moi-goi-luyen-thi-danh-gia-nang-luc-cam-ket-bao-dau-196250220132718732.htm
Bình luận (0)