Hôm nay (5.12), Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) đã phóng thành công Proba-3, sứ mệnh chưa từng có cho phép tái hiện phiên bản nhân tạo của nhật thực toàn phần trên quỹ đạo địa cầu.
Mục tiêu của sứ mệnh Proba-3 là nghiên cứu thêm về vành nhật hoa của mặt trời, vốn không lộ diện trước các nhà nghiên cứu trái đất trừ trong giai đoạn xảy ra nhật thực toàn phần.
Vụ phóng được thực hiện từ Trung tâm Không gian Satish Dhawan trên đảo Sriharikota của Ấn Độ vào khoảng 17 giờ 34 chiều 5.12 (giờ Việt Nam), Reuters đưa tin.
Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) thông báo trên tài khoản X (tên cũ Twitter) rằng tên lửa PSLV-C59 đã được phóng thành công, đánh dấu thời khắc đầy hãnh diện cho các nỗ lực không gian Ấn Độ. Trong đó, PSLV được viết tắt từ Phương tiện phóng Vệ tinh Vùng cực, một loại tên lửa đẩy của nước này.
Đến khoảng 17 giờ 58, Giám đốc sứ mệnh PSLV M. Jayakumar thông báo sứ mệnh của ESA đã được đưa vào quỹ đạo trái đất.
Sứ mệnh Proba-3 gồm một tàu không gian nặng nửa tấn, bên trong là 2 vệ tinh dự kiến sẽ tách khỏi tàu vào đầu năm sau.
Kế đến, bộ đôi vệ tinh sẽ xếp thẳng hàng và cách nhau chỉ khoảng 150 m, có nghĩa là một vệ tinh sẽ che bóng râm lên vệ tinh còn lại.
Trong tư thế song song và không cần hướng dẫn từ trạm mặt đất, bộ đôi vệ tinh sẽ tiến vào quỹ đạo hình ê líp với chu kỳ khoảng 19 giờ/ngày và cách địa cầu khoảng 60.000 km.
Một vệ tinh được trang bị lá chắn đường kính 1,4 m sẽ đóng vai trò của mặt trăng che ánh sáng từ mặt trời. Vệ tinh còn lại ở trong bóng râm của vệ tinh đầu sẽ có thể quan sát và đo đạc vành nhật hoa của mặt trời.
Trong khi hiện tượng nhật thực toàn phần trên trái đất chỉ diễn ra vài phút và khoảng 60 lần trong mỗi thế kỷ, Cơ quan Không gian châu Âu hy vọng Proba-3 sẽ xoay xở thực hiện được từ 10 đến 12 giờ quan sát mỗi tuần trong vòng 2 năm.
Nguồn: https://thanhnien.vn/su-menh-chua-tung-co-de-tao-ra-nhat-thuc-toan-phan-185241205181733376.htm