Quốc khánh Việt Nam là dịp để tôi nói lời cảm ơn đất nước này, nơi đã chịu quá nhiều đau thương do người nước ngoài gây ra, trong đó những vết thương nhức nhối nhất lại đến từ đất nước được ghi trên hộ chiếu của tôi.
Cảm ơn Việt Nam đã sẵn lòng chào đón tôi và nhiều người khác, cho tôi cơ hội được cống hiến hết mình ở đây cho sự nghiệp đã chọn – một nhà giáo dục. Đó là công việc tôi thực sự tâm đắc và thấy mang lại giá trị xứng đáng cho bản thân và người khác.
Như nhà thơ người Mỹ Robert Frost (1874-1963), cũng là họ hàng xa của tôi, đã nói:
“Trong rừng sâu, nơi ngã ba đường
Tôi chọn ngả ít dấu chân qua lại
Và khác biệt đều bắt nguồn từ đó”.
Tôi đã chọn con đường ít dấu chân hơn: sống và làm việc tại Việt Nam thay vì quê hương Mỹ của mình. Và thực sự, mọi khác biệt cũng bắt đầu từ ngã rẽ đó.
Đập vào mắt tôi trong lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1996 là hình ảnh một đất nước đang chuyển mình không ngừng khi vừa mở cửa sau nhiều thập kỷ bị cô lập và hứng chịu đói nghèo. Nguyên nhân chính đến từ lệnh cấm vận do Mỹ đứng đầu và hậu quả của hai cuộc chiến tranh tàn khốc: chống Pháp và chống Mỹ. Tất cả những gì tôi biết về Việt Nam vào thời điểm đó đa phần từ sách vở và vài du học sinh Việt Nam ở Mỹ “thuở ban đầu”.
Dù thời điểm đó nơi này là một trong những nước nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn 300 đô la Mỹ mỗi năm, tôi đã cảm nhận được nguồn năng lượng dồi dào và tiềm lực vô hạn của đất nước cũng như sự thuần phác tỏa ra từ người dân địa phương. Việt Nam là quốc gia sống sót sau những tàn phá nặng nề nhất mà hai siêu cường đã gây ra nhưng vẫn ngẩng cao đầu, chuẩn bị, sẵn sàng và háo hức cho một tương lai tươi sáng.
Đó là khi Đổi Mới bắt đầu vào năm 1986. Bất chấp muôn vàn khó khăn cản đường, suốt 28 năm qua kể từ lần đầu đặt chân đến Việt Nam, tôi đã vinh dự chứng kiến đất nước này trỗi dậy từ đống tro tàn.
Kể từ những ngày đầu sống ở Việt Nam vào năm 2005, tôi cũng tận mắt thấy những việc ấm lòng, mà vừa củng cố quan điểm của bản thân vừa cho tôi định nghĩa rõ hơn về lòng yêu nước được thể hiện qua chính người dân nơi đây. Họ yêu thương, sẵn sàng cống hiến hết mình cho đất nước và cùng chia sẻ buồn vui dù lớn hay nhỏ, ví như một trận bóng đá hay sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2013.
Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Mặc dù không phải ai cũng được hưởng lợi từ sự tăng trưởng nhờ xuất khẩu mà chủ yếu đến từ danh nghiệp FDI, nhưng chắc chắn nó đang thúc đẩy con thuyền kinh tế Việt Nam.
Và nhờ nhiều lý do khác, Việt Nam đã trở thành miền đất hứa cho hàng triệu người, trong đó có nhiều người ngoại quốc sẵn sàng nắm lấy cơ hội, thích nghi và tạo ra lực lượng lao động đa văn hóa, đa chủng tộc.
Những người nước ngoài chúng tôi, hành động và suy nghĩ như công dân toàn cầu, thường chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức của mình không phải vì nghĩ rằng cách của mình tốt hơn, mà vì chúng tôi thực sự quan tâm đến đất nước này.
Cùng với các bạn, chúng tôi hít thở chung bầu không khí, ăn cùng một món, đi trên cùng con phố, chúng tôi biết rất rõ rằng Việt Nam có thể tốt hơn nhiều so với hiện tại. Nhưng sống ở Việt Nam, tôi không thích đưa ra lời khuyên không cần thiết vì quan điểm nước Việt Nam thuộc về người Việt Nam và người nước ngoài, dù đã sống ở đây rất lâu hay sẽ gắn bó cả đời, hoặc những người yêu nước trước đây, suy cho cùng, cũng chỉ là khách mà thôi.
Tuy nhiên, hiện có một thực tế rằng chủ nghĩa cá nhân cực đoan phương Tây đã được du nhập, khiến cho một bộ phận chuyển từ “chúng ta” sang “tôi”, cụ thể là việc thể hiện “quyền tự do” một cách ích kỷ đối với cộng đồng và thiên nhiên. Ví dụ, có nhiều người đối xử với môi trường như thùng rác công cộng hay một khi đã tham gia giao thông thì nhiều người trở nên hung hăng chỉ biết mình, nhưng ngay sau đó, họ trở lại là những con người lịch sự, văn minh và có thể hết lòng giúp đỡ người khác nếu cần.
Đạt được sự cân bằng
Mặt khác, những công dân tốt có trách nhiệm cũng nên duy trì sợi dây gắn kết với những người xung quanh và môi trường đã nuôi dưỡng tất cả chúng ta. Nếu không có nó, xã hội sẽ trở thành một thế giới cạnh tranh khốc liệt, nơi mà sự công bằng, trật tự và tôn trọng bị thay thế bằng bất bình đẳng, hỗn loạn và vô văn hóa.
Quốc khánh là thời điểm thích hợp nhất để mỗi người Việt Nam nhìn lại những gì mình đã trải qua đồng thời xem bản thân có thể làm gì để cuộc sống tốt đẹp hơn. Ví dụ như thay đổi nhận thức, lối sống, hành động vì môi trường, nâng cao văn minh đô thị, cải thiện đạo đức kinh doanh và các lĩnh vực thiết yếu khác. Tất cả đều trong tầm tay!
“Yêu nước là đặt đất nước lên trước bản thân”, tôi nghĩ câu nói của Adlai Stevenson II, ứng viên Tổng thống Mỹ và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc về những người yêu nước rất phù hợp với người Việt Nam.
Bên cạnh việc ăn mừng những thành tựu chung về tăng trưởng, cải thiện chất lượng cuộc sống, khoa học, nghệ thuật và thể thao, những người yêu nước cũng có thể đưa ra những bình luận mang tính xây dựng một cách chính đáng và hành động phù hợp. Bởi vì họ yêu đất nước mình và mong muốn nó tốt đẹp hơn.
Mark A. Ashwill là một nhà giáo dục quốc tế và doanh nhân sống tại Việt Nam từ năm 2005. Ông từng là giám đốc quốc gia của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE)-Việt Nam từ năm 2005-09. Tiến sĩ Ashwill là người đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Capstone Education, công ty tư vấn giáo dục có văn phòng tại Hà Nội và TP. HCM.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/long-yeu-nuoc-su-cong-hien-lang-le-va-ben-bi-den-tron-doi.html