- Thưa ông, ông đã nhiều lần tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân như: Diễn đàn nhân dân Việt - Trung, thăm các “địa chỉ đỏ” - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng hoạt động cách mạng cách mạng tại Trung Quốc... Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của những hoạt động này? Trong số đó, hoạt động nào để lại cho ông ấn tượng sâu sắc nhất?
Trung Quốc và Việt Nam "núi liền núi, sông liền sông", có nền văn hóa gần gũi và điều kiện tự nhiên thuận lợi để thúc đẩy giao lưu nhân văn. Những năm qua, nhiều hoạt động với hình thức đa dạng như: Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Trung Quốc, Diễn đàn nhân dân Việt - Trung, giao lưu truyền thông, phóng viên trao đổi tác nghiệp, giao lưu hữu nghị giữa các cơ quan nghiên cứu cũng như chuyên gia học giả, quan hệ hữu nghị khu vực biên giới... đã làm phong thú thêm kênh giao lưu giữa hai nước, không ngừng thúc đẩy sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Đúng như Tổng Bí thư Tập Cận Bình từng nhấn mạnh: “Nền móng của tình hữu nghị Trung - Việt là ở nhân dân, tương lai là ở thanh niên”. Năm nay Trung Quốc và Việt Nam kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950 – 18/1/2025), đồng thời cũng là Năm giao lưu nhân văn Trung Quốc – Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng, chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng Bí thư Tập Cận Bình sẽ tiếp tục mở ra những bước phát triển mới, thúc đẩy mạnh mẽ giao lưu nhân văn giữa hai nước.
Nhà báo Ngụy Vi, Trưởng ban tiếng Việt, Đài Phát thanh - Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CMG). (Ảnh: Ban Tổ chức chương trình “Gặp gỡ, giao lưu truyền thông Việt Nam - Trung Quốc”) |
Đối với tôi, năm 2024 là một năm đáng nhớ với nhiều hoạt động giao lưu nhân văn ý nghĩa. Trong đó, hoạt động để lại ấn tượng sâu sắc nhất là chương trình Giao lưu hữu nghị thanh niên Trung - Việt do Đài Phát thanh - Truyền hình Trung ương Trung Quốc và các cơ quan Việt Nam như Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, báo “Thanh niên”, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phối hợp tổ chức vào tháng 10/2024.
Chương trình đã lựa chọn 10 đại biểu thanh niên Việt Nam, 10 đại biểu thanh niên Trung Quốc tham gia giao lưu hữu nghị, ghi hình tại thành phố Quảng Châu và Đông Quản (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) nhân dịp kỷ niệm 100 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng tại Quảng Châu. Đặc biệt, lễ khởi động chương trình được tổ chức trang trọng tại Di tích lưu niệm Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã tạo nên không khí xúc động, thiêng liêng.
Trong thời gian giao lưu ở Quảng Châu, đoàn giao lưu đã đến dâng hương tại mộ chí sĩ cách mạng Việt Nam Phạm Hồng Thái, thăm di tích Trụ sở nghiên cứu và học tập phong trào nông dân Quảng Châu, Trường Quân sự Hoàng Phố... Qua đó, các đại biểu đi sâu tìm hiểu tình hữu nghị cách mạng sâu đậm giữa hai nước Trung - Việt. Đoàn cũng có dịp cảm nhận chiều sâu lịch sử và văn hóa Trung Hoa tại Bảo tàng Nam Việt Vương; chứng kiện sự phát triển đô thị hóa của Trung Quốc tại Tháp truyền hình Quảng Châu, sông Chu Giang...
Trong dịp này, đoàn giao lưu còn tham quan Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc lần thứ 135, tìm hiểu những thành quả hợp tác kinh tế - thương mại nổi bật của doanh nghiệp hai nước đạt được dưới khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Tại thành phố Đông Quản, đoàn tiếp tục đến thăm các doanh nghiệp công nghệ cao và những doanh nghiệp tiêu biểu trong hợp tác Trung - Việt, qua đó cảm nhận sự phát triển của Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, cũng như cơ hội hợp tác phát triển kinh tế mà Trung Quốc mang lại cho các nước trong khu vực.
Chương trình với nội dung phong phú, thiết thực đã mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm sâu sắc, được tận mắt chứng kiến sức trẻ và sự gắn kết hữu nghị giữa thanh niên hai nước Việt – Trung.
-Theo ông, truyền thông hai nước nên làm gì, cụ thể là hoạt động nào để thúc đẩy giao lưu nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc, nhất là trong Năm Giao lưu nhân văn Việt - Trung 2025?
Trước hết, truyền thông cần phải phát huy vai trò cầu nối và đầu mối quan trọng trong các hoạt động giao lưu nhân văn giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam. Truyền thông có thể thông qua các hình thức như đưa tin, phim tài liệu, chương trình giải trí... truyền tải những câu chuyện và giá trị quan dưới bối cảnh văn hóa khác nhau giữa hai nước, giúp khán giả phá vỡ sự ngăn cách về văn hóa.
Từ những bộ phim truyền hình kinh điển như “Tây du ký”, “Tam quốc diễn nghĩa” trước đây cho đến các chương trình phim tài liệu hiện nay đã giúp khán giả Việt Nam đã có cơ hội hiểu rõ hơn về văn hóa và đời sống Trung Quốc đương đại. Ngược lại, tại Trung Quốc, một số hiện tượng giải trí tại Việt Nam cũng đã được giới trẻ Trung Quốc quan tâm, đón nhận. Người Trung Quốc cũng đang cố gắng tìm hiểu về sự phát triển và thay đổi trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Tiếp đó, truyền thông cần tiếp tục chủ động phát huy vai trò cầu nối bằng cách tổ chức nhiều hoạt động phỏng vấn, đưa tin và hợp tác sản xuất nội dung, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Trong nhiều năm qua, Đài Phát thanh - Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã nhiều lần cùng các cơ quan truyền thông Việt Nam như VTV, VOV, Thông Tấn xã, Tạp chí Thời đại... thực hiện các chương trình phỏng vấn chung giữa phóng viên hai nước tại các nhiều địa phương của Trung Quốc như: Bắc Kinh, Quảng Đông, Trùng Khánh, Tân Cương, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Quảng Tây, Hải Nam... giới thiệu với khán giả Việt Nam về một Trung Quốc hiện đại. Đồng thời, chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan, ban ngành của Việt Nam như Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Ủy ban Olympic Việt Nam... triển khai nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác báo chí, góp phần thúc đẩy giao lưu nhân văn giữa hai nước dưới nhiều hình thức.
Trong giao lưu nhân văn, truyền thông không chỉ đóng vai trò là người truyền tải thông điệp văn hóa mà còn là chủ thể sáng tạo ra văn hóa. Vì vậy, truyền thông cần phải gánh vác trách nhiệm xã hội trong việc thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, lan tỏa giá trị văn hóa và thúc đẩy hội nhập, đổi mới sáng tạo. Chúng tôi cũng sẽ chung tay cùng các giới ở Việt Nam, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu nhân văn phong phú đặc sắc, nhằm thúc đẩy xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc" có ý nghĩa chiến lược.
- Theo ông, cần có giải pháp gì để giao lưu nhân dân Việt - Trung thực sự đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả?
Tôi cho rằng, để các hoạt động giao lưu nhân văn giữa hai nước Trung - Việt thực sự đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, trước hết cần phải tăng cường triển khai nhận thức chung về hợp tác ở cấp cao.
Hai là, cần phải duy trì “độ nóng” của hoạt động giao lưu nhân dân, xoay quanh nhiều lĩnh vực, mở rộng triển khai giao lưu. Vừa phát huy các hoạt động tổ chức tại khu vực biên giới hai nước, vừa phải xây dựng chiến lược hợp tác toàn diện ở cấp Trung ương.
Ba là, cần tận dụng các hoạt động giao lưu nhân văn để khai thác và lan tỏa nhiều câu chuyện về tình hữu nghị, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm làm sâu sắc và làm mới tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://thoidai.com.vn/can-duy-tri-do-nong-giao-luu-nhan-dan-viet-nam-trung-quoc-212423.html
Bình luận (0)