Không có biên chế công chức, lực lượng thanh tra chuyên ngành không thể thanh, kiểm tra các trung tâm đăng kiểm thuộc các thành phần kinh tế. (Ảnh minh họa: PV) |
(PLVN) – Gần 300 nhân sự tại Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) đang được ví như những “công chức hờ”. Lý do, Cục này là cơ quan quản lý nhà nước nhưng một số nhiệm vụ, quyền hạn không thể thực hiện được do “danh không chính nên ngôn không thuận”.
“Vừa đá bóng, vừa thổi còi”
Tìm hiểu cơ chế hoạt động của Cục này, nhiều người khá bất ngờ vì ngay điều đầu tiên trong một Thông tư của Bộ Tài chính đã xác định Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam được áp dụng theo mô hình của Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Vận hành theo cơ chế đặc thù nói trên, hoạt động của Cục đã phát sinh không ít bất cập có thể gọi tên là “vừa đá bóng, vừa thổi còi” ngay trong bộ máy vốn sinh ra để làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về đăng kiểm.
Cụ thể, Cục áp dụng cơ chế tài chính theo mô hình doanh nghiệp, thì quá trình hoạt động chắc chắn phải nói tới chuyện doanh thu, lợi nhuận, hạch toán, quyết toán… như doanh nghiệp kinh doanh. Nghĩa là Cục và một số đơn vị trực thuộc được tham gia cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực đăng kiểm nhằm phục vụ nhu cầu của xã hội như các trung tâm đăng kiểm thuộc các thành phần kinh tế khác.
Vì thế, vấn đề đặt ra ở đây là khi Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tham gia vào việc cung cấp dịch vụ đăng kiểm như những doanh nghiệp khác, thì đến lúc cần định hướng, cần thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, nói sẽ ai nghe? Và làm sao “anh” có thể vào “vai” Nhà nước để thực hiện các chức năng quản lý như ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn hay lập đoàn thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý sai phạm trong lĩnh vực này.
Thực tế, sau khi “đại án đăng kiểm” bị phanh phui, đại diện Bộ Công an đã nhận định, việc các đơn vị tự kiếm tiền, tự trang trải, vừa quản lý nhà nước lại vừa kinh doanh là một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả nhiều người đã bị khởi tố, điều tra…
Cần sự chính danh
“Sắp tới, ngoài việc tách bạch chức năng cung cấp dịch vụ công với nhiệm vụ quản lý nhà nước của Cục, Bộ GTVT và Cục Đăng Kiểm Việt Nam còn kiến nghị với cơ quan chức năng bổ sung biên chế cho Cục, bởi lực lượng thanh tra của Cục phải là công chức nhà nước mới đủ điều kiện để thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo đúng quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật về cán bộ, công chức”, một lãnh đạo của Cục Đăng kiểm Việt Nam trao đổi với PLVN.
Được biết, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có gần 80 nhân sự đã qua đào tạo, và được cấp chứng chỉ nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành về đăng kiểm, nhưng do không có biên chế nên chưa chính danh để thực thi công vụ.
Rộng hơn là cả một bộ máy gần 300 con người ở đây, lâu nay vẫn chỉ là những… “công chức hờ” khi Cục này vẫn đang phải tự chủ mọi thứ, trong khi một số lĩnh vực công việc họ lại được giao quyền “cầm còi” để thực hiện chức năng quản lý nhà nước như các Cục chuyên ngành khác ở Bộ GTVT.
Theo tìm hiểu của PLVN, hàng năm, Cục này nộp ngân sách nhà nước hơn 400 tỷ đồng từ nguồn thu dịch vụ; riêng việc thu hộ cho ngân sách nhà nước về phí sử dụng đường bộ mỗi năm cũng hơn 11.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do Cục áp dụng cơ chế quản lý tài chính theo mô hình Công ty TNHH một thành viên nên nguồn chi quản lý nhà nước, chi lương cho người lao động… Cục đều phải tự cân đối.
Nếu tới đây được cấp biên chế, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ được Nhà nước bố trí ngân sách và các nhân sự ở đây mới chính thức được “khoác áo” công chức nhà nước, được cấp lương – điểm khác biệt cơ bản so với viên chức, người lao động trong khối sự nghiệp công lập thuộc Bộ GTVT.
Dự kiến, sau khi sắp xếp lại mô hình, tổng số biên chế công chức của Cục là 222 người. Trong đó, các phòng tham mưu, giúp việc là 177 người. Ngoài ra, ở dưới còn có 3 Chi cục đăng kiểm đặt tại ba miền Bắc, Trung, Nam – với 15 biên chế công chức/Chi cục.
Họ chỉ là những “người lao động”!
Trao đổi với PLVN, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho hay, nhân sự của Cục này đều có một tên chung là: “Người lao động”. “Họ không phải là công chức, cũng không phải là viên chức. Chỉ có 2 cán bộ được Bộ điều động từ đơn vị khác về đây làm Cục trưởng và Cục phó là công chức”, ông Sang nói.
Trong khi theo quy định của pháp luật, công chức phải được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh, trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập, làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Với nhiệm vụ của mình, những người thực hiện công tác quản lý nhà nước tại Cục Đăng kiểm Việt Nam cần thiết phải là công chức.
Nguồn: https://baophapluat.vn/som-go-bat-cap-ve-co-che-hoat-dong-cua-cuc-dang-kiem-viet-nam-post525517.html