“Cú lừa ngoạn mục, sắc như dao cắt của Việt Á”
Sáng 29.5, nêu ý kiến thảo luận về kết quả sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhìn nhận Việt Nam là một trong những quốc gia khống chế đại dịch Covid-19 thành công nhất.
Ông Trí đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm thực hiện thanh quyết toán cho lực lượng phòng, chống dịch và làm tốt hơn nữa công tác khen thưởng cho các địa phương, đơn vị.
“Đại dịch Covid-19 vừa qua ác liệt không khác gì một cuộc chiến tranh. Đóng góp của nhân dân vừa qua là rất to lớn. Xin đừng quên những đóng góp của họ”, ông Trí nói.
Ông Trí cũng dẫn báo cáo của đoàn giám sát, cho biết, đã có những sai phạm nghiêm trọng trong phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, thậm chí có những sai phạm xảy ra trong những lĩnh vực nghiên cứu khoa học, nghiệm thu, chuyển giao công nghệ…
“Có những cú lừa ngoạn mục, sắc như dao cắt của Công ty Việt Á trong tổ chức cơ sở sản xuất kit test. Thật đau đớn, thật đáng lên án và sự trả giá là quá đắt, quá lớn”, ông Trí nói.
Đồng tình quan điểm ai tham ô, tham nhũng, ai xà xẻo trong hoạt động phòng, chống Covid-19 thì phải xử lý thật nghiêm khắc, song đại biểu Trí cho rằng, cũng cần phải xem xét thật có lý, có tình, công bằng với những ai có sai sót nhưng không phải vụ lợi mà vì để kịp thời chống dịch.
“Và nữa là nên sớm chấm dứt việc này để xã hội ổn định, cán bộ vững lòng thực hiện những công vụ mới”, ông Trí nhấn mạnh.
Sau dịch, nhiệm vụ chiếm nhiều tâm trí là viết giải trình
Cũng liên quan vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận nhìn nhận, qua dịch Covid-19, chúng ta thấy rõ thêm lòng tham của một số người, kể cả những người có chức, có quyền đã lợi dụng sự mất mát, đau thương của người dân, đất nước để câu kết làm trái quy định của pháp luật, làm giàu bất chính.
“Thực tế họ đã bị pháp luật nghiêm trị”, ông Thông nói.
Tuy nhiên, thực tế việc xử lý vẫn còn nhiều bất cập. Ông Thông kể lại tâm sự của một bác sĩ khi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đi giám sát chuyên đề nói trên, ông cho rằng đây cũng là tâm tư của rất nhiều y bác sĩ thời gian qua.
Cụ thể, bác sĩ đó nói rằng trong quá trình phòng, chống dịch, đội ngũ y, bác sĩ đã cố gắng hết sức mình, động viên nhau làm mọi cách, mọi biện pháp để có thuốc, có ô xy, có sinh phẩm cứu bệnh nhân vì sinh mệnh con người là quý nhất. Ở thời điểm đó, xã hội coi họ là “anh hùng áo trắng”.
Tuy nhiên, khi hết dịch, qua vụ án Việt Á và các vụ án có liên quan, hình ảnh những ảnh những anh hùng áo trắng không còn nữa và nhiệm vụ chiếm nhiều thời gian, tâm trí, công sức của nhiều y, bác sĩ, các nhà quản lý y tế lại là viết báo cáo giải trình cho các cơ quan chức năng.
Theo ông Thông, khi bác sĩ này làm việc với cơ quan chức năng, thành viên trong đoàn đã nói rằng: “Trước tiên tôi xin cám ơn các anh vì đã cứu gia đình tôi trong cuộc chiến Covid-19. Nếu không có các anh thì mẹ tôi, con tôi, gia đình tôi đã không qua khỏi, nhưng trong quá trình đó các anh đã không làm đúng quy định của pháp luật nên chúng tôi buộc phải xử lý”…
“Vị bác sĩ này cũng cảm ơn T.Ư đã ban hành kịp thời những hướng dẫn xử lý, phân hóa đối tượng nên nhiều trường hợp không vướng vòng lao lý, nhưng nếu chỉ đạo trên có sớm hơn thì hay biết bao nhiêu”, ông Thông nói.
Đề nghị ngừng nghiên cứu sản xuất vắc xin Covid-19
Cũng liên quan tới công tác phòng, chống dịch, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Bộ Y tế chú ý công tác sản xuất kit test, sản xuất vắc xin.
Ông cho rằng, Việt Nam không thể kém hơn quốc tế, đặc biệt là các nước quanh ta. Kit test và vắc xin cần và cần nhiều cho việc chẩn đoán phòng ngừa nhiều bệnh khác, nhất là dịch bệnh mới nổi.
Tuy nhiên, ông đề nghị Việt Nam ngừng nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng Covid-19. “Ngừng nghiên cứu, sản xuất, tôi xin nhấn mạnh. Vì bây giờ đã là quá muộn để nghiên cứu, sản xuất vắc xin này. Cần tìm mua loại vắc xin Covid-19 tốt với giá cả hợp lý và đủ để tiêm phòng cho nhân dân”, ông Trí nói.
Theo báo cáo của đoàn giám sát, việc tiếp cận vắc xin trong giai đoạn đầu chậm. Cùng đó, việc nghiên cứu, sáng chế, thử nghiệm, sản xuất, nhận chuyển giao công nghệ vắc xin trong phòng, chống dịch còn chậm. Tới nay, chỉ có một vắc xin của công ty tư nhân nhận chuyển giao công nghệ từ Mỹ đang tiếp tục triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.