"Sôi sục" vì đòn thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhiều ‘ông lớn’ Nhật Bản cấm dùng DeepSeek Trung Quốc

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế13/02/2025

Trước quyết định tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, EU tuyên bố đáp trả, Vương quốc Anh "chưa vội", trong khi Nhật Bản đề nghị miễn trừ; ra mắt tàu chở hàng Trung Quốc-Afghanistan; châu Âu thiếu khí đốt… là những tin kinh tế thế giới nổi bật.


Kinh tế thế giới nổi bật: Phản ứng trái chiều trước đòn thuế quan của Tổng thống Mỹ Trump, nhiều ‘ông lớn’ Nhật Bản cấm dùng DeepSeek Trung Quốc
Ngày 10/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu lên 25% mà "không có ngoại lệ hay miễn trừ". (Nguồn: Getty Images)

Kinh tế Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thể hiện quyết tâm đáp trả các quốc gia bằng cách áp dụng mức thuế quan tương đương với những gì họ đánh vào hàng hóa Mỹ. Tuy nhiên, động thái này có thể khiến người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới phải gánh chịu chi phí lớn.

Theo quan điểm của ông Trump, việc các nước khác áp đặt thuế quan cao hơn đối với hàng hóa Mỹ so với mức thuế mà nước này áp dụng lên hàng hóa của họ là không công bằng. Ông nhấn mạnh rằng, nếu các nước đánh thuế hàng hóa Mỹ, nước này sẽ đáp trả tương tự.

Ngày 10/2, Tổng thống Trump đã tăng thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu lên 25% mà "không có ngoại lệ hay miễn trừ". Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho biết các quan chức chính phủ đang dành thời gian nghiên cứu và xác định những trường hợp chính sách thương mại không công bằng.

Theo dữ liệu từ tổ chức Ngân hàng Thế giới, mức thuế quan trung bình của Mỹ là 1,5% tính đến năm 2022. Các nhà kinh tế tại Ngân hàng Deutsche Bank ước tính rằng, nếu Mỹ áp dụng mức thuế tương đương với các nước khác đánh vào hàng hóa Mỹ, tỷ lệ này có thể tăng lên gần 5%.

Trong một số trường hợp, chênh lệch thuế quan so với Mỹ là rất lớn. Ví dụ, năm 2022, mức thuế trung bình của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Ấn Độ là 3%, trong khi mức thuế trung bình của Ấn Độ đối với hàng Mỹ là 9,5%.

Trong khi đó, các nhà kinh tế tại Ngân hàng Goldman Sachs lại có cái nhìn lạc quan hơn về thuế quan đáp trả. Mặc dù thừa nhận rằng các mức thuế này tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế, họ cho rằng chúng có thể giúp giảm bớt sự bất ổn trong thương mại. Trong một báo cáo vào sáng 11/2, Goldman Sachs cho rằng những phát biểu của Tổng thống Trump cho thấy ông coi chính sách trên là một lựa chọn thay thế cho mức thuế toàn diện 10-20% mà ông từng đề cập trước đây.

Nếu ông Trump từ bỏ thuế toàn diện và chuyển sang thuế đáp trả, điều này có thể ngăn chặn một cuộc chiến thương mại lớn hơn.

Kinh tế Trung Quốc

* Trong tháng 1, doanh số bán xe tại Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm mạnh nhất trong gần một năm giữa bối cảnh các nhà sản xuất ô tô đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt.

Một số nhà phân tích cũng cho rằng nhu cầu mua ô tô đã bị dồn lại, khi các nhà sản xuất chạy đua để đạt mục tiêu doanh số vào cuối năm 2024, và người tiêu dùng tranh thủ tận dụng các khoản trợ cấp của chính phủ trước khi chính sách này được gia hạn vào tháng trước.

* Ngày 10/2, một đoàn tàu chở hàng chở thiết bị thông tin liên lạc đã khởi hành từ Trùng Khánh, Trung Quốc để tới Hairatan, Afghanistan. Sự kiện này đánh dấu sự ra mắt của dịch vụ tàu chở hàng Trung Quốc-Afghanistan.

Chuyến tàu chở hàng, khởi hành từ ga thôn Đoàn Kết ở Trùng Khánh, sẽ đi qua cảng Khorgos của Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, qua Kazakhstan và Uzbekistan, dự kiến đến Afghanistan trong vòng 12 đến 15 ngày.

Tuyến đường sắt Trung Quốc-Afghanistan có thể rút ngắn thời gian vận chuyển từ 3-5 ngày và có thể giảm chi phí logistics từ 15-20%.

Kinh tế châu Âu

* Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đã tăng vọt 30% chỉ trong tháng qua do thời tiết lạnh kéo dài, nguồn năng lượng tái tạo chưa nhiều và những lo ngại về nguồn cung, khiến lượng khí đốt dự trữ xuống mức thấp nhất kể từ năm 2022. Giá khí đốt tự nhiên trên Sàn giao dịch TTF (Hà Lan) đã tăng lên 59 Euro/megawatt giờ trong phiên 11/2, mức cao nhất trong hai năm.

Dữ liệu từ Gas Infrastructure Europe cho thấy, mức dự trữ trung bình trên toàn Liên minh châu Âu (EU) đã giảm xuống còn 48,48%, thấp hơn nhiều so với mức bình thường vào thời điểm này hằng năm.

* Lãnh đạo của 10 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), chủ yếu ở Trung và Đông Âu, đã kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) tập trung hỗ trợ kết nối đường sắt tốc độ cao.

Trong một bức thư chung, các nước bày tỏ ủng hộ kế hoạch hành động cho mạng lưới đường sắt tốc độ cao châu Âu, nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án xuyên biên giới. Các nhà lãnh đạo kêu gọi EC ưu tiên thực hiện các dự án trọng điểm, viện dẫn việc thiếu kết nối đường sắt tốc độ cao là rào cản đối với thị trường nội khối và khả năng cạnh tranh của EU.

* Các chuyên gia Inga Fechner và Ewa Manthey của tập đoàn tài chính ING (Hà Lan) cảnh báo rằng, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và châu Âu "sẽ trở nên tồi tệ hơn" khi Washington tiếp tục gia tăng áp thuế đối với EU và các quốc gia khác.

Theo hai chuyên gia, xung đột với châu Âu là điều “không thể tránh khỏi" khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy các biện pháp thuế quan mạnh mẽ hơn.

Báo cáo của ING nhận định: "Tổng thống Trump đã đặt nền móng cho những căng thẳng thương mại tiếp theo. Đây sẽ không phải là động thái áp thuế cuối cùng. EU chắc chắn sẽ trả đũa, và cuộc chiến sẽ ngày càng gay gắt".

EC khẳng định sẽ không ngần ngại phản ứng trước các mức thuế mới từ phía Mỹ. Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích EU, cho rằng khối này không tạo điều kiện cho hàng hóa Mỹ.

* Trái ngược với phản ứng cứng rắn của EU, chính phủ Anh ngày 11/2 cho biết sẽ không thực hiện trả đũa ngay lập tức sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu.

Phát biểu trước Quốc hội Anh, Thứ trưởng Thương mại Douglas Alexander cho biết thuế thép sẽ không có hiệu lực trước ngày 12/3 và Anh sẽ tận dụng thời gian này để đàm phán với chính quyền Mỹ và xem xét các lựa chọn.

Một phát ngôn viên của Thủ tướng Anh cũng cho biết nước này đang thảo luận với Mỹ về chi tiết lệnh áp thuế thép của Tổng thống Donald Trump.

Phố Downing không loại trừ khả năng áp thuế trả đũa, nhưng các bộ trưởng thừa nhận một động thái như vậy sẽ không tác động nhiều tới Mỹ, trong khi có nguy cơ khiến Anh phải chịu thêm thuế từ nước này.

* Ngân hàng trung ương LB Nga ngày 12/2 thông báo, lãi suất tối đa trung bình đối với tiền gửi bằng đồng Ruble tại 10 ngân hàng lớn nhất của Nga thu hút khối lượng tiền gửi lớn nhất, đã giảm trong 10 ngày đầu tiên của tháng 2/2025 so với 10 ngày trước đó và đạt mức 21,44%/năm.

Theo Ngân hàng trung ương Nga, lãi suất trong kỳ hạn 10 ngày cuối của tháng 1/2025 là 21,47%, trong kỳ hạn 10 ngày giữa của tháng 1/2025 là 21,52%.

* Dữ liệu từ Cơ quan thống kê Liên bang Đức cho thấy, thặng dư thương mại của nước này với Mỹ đã đạt mức kỷ lục, trong bối cảnh các quốc gia đang chờ đợi quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế đối với hàng nhập khẩu.

Thặng dư thương mại của Đức với Mỹ đã tăng lên 70 tỷ Euro (72 tỷ USD) trong năm 2024, cao hơn nhiều so với 63,3 tỷ Euro năm 2023.

Chuyên gia Holger Goerg từ Viện Kinh tế thế giới Kiel (IfW) cảnh báo rằng thặng dư thương mại có thể giảm nếu Mỹ áp thuế mới lên hàng hóa Đức, vì đây là một biện pháp mà Tổng thống Trump cho rằng sẽ thúc đẩy ngành sản xuất của Mỹ.

* Afghanistan đã trở thành nước nhập khẩu bột mỳ lớn nhất của Nga trong năm 2024 với tổng giá trị thanh toán tăng gấp đôi lên tới 80 triệu USD. Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov cho biết, ngành sản xuất lương thực và nông nghiệp của Nga là nền tảng cho hợp tác kinh tế giữa hai nước, bên cạnh các lĩnh vực tiềm năng khác như xây dựng đường sắt, công trình thủy lợi sản và xuất năng lượng mới.

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Nhật Bản đã yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump miễn trừ các công ty nước này khỏi thuế quan mới áp dụng lên các mặt hàng thép và nhôm, chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba có hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với ông Trump.

Tokyo sẽ xem xét kỹ lưỡng tác động của các biện pháp thuế quan của Mỹ đối với các công ty Nhật Bản và sẽ thực hiện các hành động cần thiết.

Bộ trưởng Tài chính Katsunobu Kato và Chánh Văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi cũng đã truyền đạt lập trường thận trọng của chính phủ Nhật Bản về vấn đề này trong các cuộc họp báo riêng biệt.

* Các công ty lớn của Nhật Bản, bao gồm Toyota, Mitsubishi và SoftBank, đã cấm nhân viên sử dụng mô hình AI tạo sinh DeepSeek của Trung Quốc. Quyết định này phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về bảo mật dữ liệu của mô hình này. Chính phủ Nhật Bản cảnh báo người dùng về việc DeepSeek thu thập, lưu trữ dữ liệu trên máy chủ ở Trung Quốc và xử lý chúng tuân theo luật pháp nước này.

* Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) hôm 11/2 đã hạ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế nước này trong năm nay xuống còn 1,6%, giảm 0,4 điểm % so với dự báo trước đó được đưa ra vào tháng 11 năm ngoái, với lý do tình hình bất ổn gia tăng cả trong và ngoài nước.

Nguyên nhân của việc điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng là do ở trong nước, tình hình bất ổn chính trị đã làm suy yếu tâm lý kinh tế, trong khi ở bên ngoài, những thay đổi chính sách tại Mỹ đã làm xấu đi tình hình thương mại.

Dự báo mới nhất về tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc của KDI bi quan hơn nhiều so với dự báo của các tổ chức lớn khác, bao gồm Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ở mức 2,1%, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ở mức 2% và Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) ở mức 1,9%.

* IMF trong một báo cáo công bố ngày 7/2 nhận định nền kinh tế Hàn Quốc đã phục hồi trong năm 2024 sau một năm suy thoái mạnh, nhưng triển vọng vẫn chưa chắc chắn vì còn nhiều rủi ro.

Theo IMF, tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm 2024 đã phục hồi, lạm phát đã đạt được mục tiêu và rủi ro ổn định tài chính đã giảm nhờ các phản ứng chính sách nhanh chóng của chính phủ.

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Philippines đã ban hành lệnh tạm cấm nhập khẩu các sản phẩm gia súc từ Đức do bệnh lở mồm long móng (FMD) đang bùng phát ở quốc gia châu Âu. Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài cho đến khi có thông báo tiếp theo. Một số sản phẩm được miễn trừ như sữa tươi tiệt trùng ở nhiệt độ cao và phôi bò in vivo,...

Đức đã thông báo cho Tổ chức Thú y Thế giới về đợt bùng phát dịch lở mồm long móng vào tháng 1/2025. Năm ngoái, Philippines nhập khẩu gần 3.178 tấn thịt bò từ Đức.

* Bộ trưởng Điều phối kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto đã bày tỏ sự lạc quan rằng khối lượng trao đổi thương mại giữa Indonesia và Saudi Arabia sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Ngày 12/2, Bộ trưởng Hartarto đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Saudi Arabia, Faisal F. Alibrahim, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ thế giới 2025 diễn ra tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Tại cuộc gặp, ông Hartarto nhấn mạnh Indonesia có kế hoạch tận dụng tối đa Hiệp định thương mại tự do với Hội đồng hợp tác vùng Vịnh để tiếp tục đà tăng 11% khối lượng xuất khẩu sang Saudi Arabia đã đạt được trong năm 2024.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ thế giới 2025, Saudi Arabia cũng đã bày tỏ mong muốn mở rộng hợp tác du lịch với Indonesia, cụ thể là khai thác tiềm năng du lịch của Đảo Sumatra.

* Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) dự báo khoảng 3,5 triệu lượt khách nước ngoài tới du lịch Thái Lan trong tháng 2/2025, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, với tất cả các thị trường chính đều tăng từ 2% đến 20%, trừ thị trường Trung Quốc do lo ngại về an toàn.

Đức và Nhật Bản dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh nhất trong tháng 2/2025, lần lượt là 20% (tương đương 124.000 lượt khách) và 18% (tương đương 123.000 lượt khách) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, thị trường đường dài lớn nhất là Nga dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng vừa phải là 3% lên 211.000 lượt khách.

Mặc dù giảm 7%, lượng khách đến từ Trung Quốc vẫn là thị trường khách đến lớn nhất với 630.000 lượt khách trong tháng 2/2025.



Nguồn: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-soi-suc-vi-don-thue-quan-cua-tong-thong-my-donald-trump-nhieu-ong-lon-nhat-ban-cam-dung-deepseek-trung-quoc-304123.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available