Chuyến thăm New Delhi sắp tới của đoàn lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ trong các lĩnh vực then chốt “có ý nghĩa sống còn đối với sự thịnh vượng và an ninh của cả châu Âu và Ấn Độ”.
Theo thông cáo mới của EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen sẽ dẫn đầu phái đoàn EU tới Ấn Độ từ ngày 27-28/2 để tăng cường hợp tác thương mại, an ninh kinh tế và quốc phòng trong bối cảnh châu Âu đang có biến động địa chính trị do các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sỹ) rằng chuyến thăm đầu tiên của toàn bộ Ủy ban đến một quốc gia thứ ba sẽ là Ấn Độ. (Nguồn: EC) |
Chuyến thăm hiếm có
Chuyến đi của bà Von der Leyen và các ủy viên EU - lãnh đạo chính trị của khối gồm 27 quốc gia thành viên là một trong những chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Ủy ban châu Âu kể từ khi được bầu vào năm ngoái. Báo Hindustan Times mô tả "chuyến thăm chưa từng có" vì hiếm khi toàn bộ lãnh đạo khối cùng nhau tới thăm bất kỳ quốc gia nước ngoài nào, do đó, nêu bật động lực mạnh mẽ trong quan hệ EU-Ấn Độ.
Bà Von der Leyen cho biết, châu Âu ủng hộ sự cởi mở, quan hệ đối tác và mở rộng trong kỷ nguyên cạnh tranh địa chiến lược gay gắt và tìm cách làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Ấn Độ, “một trong những người bạn và đồng minh đáng tin cậy nhất của chúng tôi”.
Mô tả hai bên là những đối tác có cùng chí hướng gắn kết bởi “niềm tin chung rằng nền dân chủ phục vụ tốt nhất cho người dân”, Chủ tịch EC nói thêm: “Chúng tôi cam kết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược để thúc đẩy thương mại, an ninh kinh tế và chuỗi cung ứng bền vững, cùng với chương trình nghị sự về công nghệ chung và tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng”.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Randhir Jaiswal, quan hệ đối tác chiến lược EU-Ấn Độ “rất quan trọng” đối với New Delhi.
“Chúng tôi mong muốn cuộc đối thoại cụ thể này diễn ra ở cấp cao để chúng tôi có thể củng cố hơn nữa quan hệ đối tác Ấn Độ-EU”, ông nói. Dự kiến hai bên sẽ thảo luận “mọi khía cạnh của mối quan hệ”, trong đó có các vấn đề thương mại và công nghệ.
"EU mong muốn phát triển quan hệ với Ấn Độ, quốc gia có thị trường và tăng trưởng kinh tế đại diện cho một cơ hội có giá trị cho các công ty châu Âu, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ xanh". (Nhà báo Emanuele Bonini chuyên về EU, đăng trên EU News) |
Bên cạnh cuộc gặp song phương, Thủ tướng Narendra Modi và Chủ tịch EC Von der Leyen đồng chủ trì phiên họp giữa chính phủ Ấn Độ và đoàn ủy viên EU. Các thành viên của Hội đồng cũng sẽ gặp riêng các đối tác Ấn Độ.
Hội đồng Thương mại và công nghệ Ấn Độ-EU (TTC) dự kiến tổ chức cuộc họp lần thứ hai, với đại diện của EU là Phó Chủ tịch EC Henna Virkkunen, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas và các ủy viên Maroš Šefčovič và Ekaterina Zaharieva.
Mục tiêu của TTC là thúc đẩy sự hợp tác về chuyển đổi số, công nghệ xanh và thương mại và đầu tư. EU cho biết, trong số các vấn đề đưa ra thảo luận bao gồm sự hợp tác về cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số và khả năng tương thích, khả năng phục hồi của các chuỗi giá trị chính và hợp tác về các vấn đề thương mại toàn cầu.
"Một chuyến thăm đầu tiên và quan trọng tự nói lên tầm quan trọng mà cả EU và Ấn Độ dành cho việc đưa quan hệ đối tác chiến lược lên một tầm cao mới". (Đại sứ EU tại Ấn Độ Herve Delphin chia sẻ trên mạng X) |
Thời điểm thích hợp
Chuyến thăm của lãnh đạo EU diễn ra vào thời điểm 27 thành viên của khối này đang buộc phải xem xét một cách tiếp cận độc lập hơn đối với quốc phòng và an ninh sau những “đòn” tấn công liên tục của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, thậm chí gọi là "kẻ độc tài" và tuyên bố rằng cuộc xung đột ở Ukraine không phải do Nga khởi xướng.
Các quốc gia châu Âu cũng lo ngại về những lời đề nghị của ông chủ Nhà Trắng với Tổng thống Nga Vladimir Putin và những nỗ lực đàm phán chấm dứt xung đột mà không liên quan đến Ukraine.
“Rõ ràng bất kỳ thỏa thuận nào được định đoạt sau lưng chúng tôi đều sẽ không có hiệu lực. Châu Âu và Ukraine phải góp mặt vào những thỏa thuận đó”, bà Kaja Kallas, Cao ủy EU về chính sách đối ngoại và an ninh nói với phóng viên bên lề hội nghị các bộ trưởng quốc phòng NATO ở Brussels, Bỉ hôm 13/2.
Chuyến thăm diễn ra sau thông báo của bà Von der Leyen về chương trình nghị sự chiến lược mới cho Ấn Độ sẽ được trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Ấn Độ vào cuối năm nay. Với tư cách là hai nền dân chủ lớn nhất thế giới, EU và Ấn Độ “chia sẻ cam kết về một trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ, chủ nghĩa đa phương hiệu quả và phát triển bền vững”.
Theo nhà báo chuyên về EU Emanuele Bonini, hiện đang sinh sống ở Brussels (Bỉ), chương trình nghị sự dày đặc như vậy "phản ánh mong muốn phòng ngừa căng thẳng thương mại mới và trật tự thế giới đang thay đổi".
Vòng đàm phán FTA tiếp theo giữa Ấn Độ và EU dự kiến diễn ra tại Brussels vào tháng tới. (Nguồn: KNN) |
Trên thực tế, EU là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, với giá trị thương mại hàng hóa đạt 124 tỷ Euro vào năm 2023, đánh dấu mức tăng gần 90% trong thập niên qua. Khoảng 6.000 công ty châu Âu hiện diện tại Ấn Độ, trực tiếp cung cấp 1,7 triệu việc làm.
Hai bên đã nối lại các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do vào năm 2022 và vòng đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức tại Brussels trong khoảng thời gian từ ngày 10-14/3.
Nhiều kỳ vọng đặt ra đối với chuyến thăm "chưa từng có" của đoàn lãnh đạo EU tới đất nước sông Hằng. Tất nhiên, nói như nhà báo Emanuele Bonini, không thể không đánh giá thấp trò chơi địa chính trị mà Ấn Độ đang tham gia. Mục tiêu của New Delhi là "đặt mình vào trung tâm của cán cân quyền lực toàn cầu" giữa Mỹ và đồng minh với Nga và Trung Quốc, trong khi thể hiện vai trò đại diện và lãnh đạo Nam bán cầu. Đây là điều mà các chính trị gia ở EU không thể bỏ qua.
Nguồn: https://baoquocte.vn/soc-nang-sau-tuyen-bo-cua-tong-thong-donald-trump-eu-tim-den-dong-minh-dang-tin-cay-nay-305213.html
Bình luận (0)