Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Lưu Bằng Vũ kêu gọi phía Mỹ ngừng chính trị hóa và vũ khí hóa các vấn đề kinh tế, thương mại, đồng thời tạo điều kiện cần thiết cho hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar cùng người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao G20 tại Nam Phi vào ngày 21/2. (Nguồn: X/@DrSJaishankar) |
Ông Lưu đưa ra phát biểu trên khi bình luận về các biện pháp mới của Washington nhằm hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào các ngành công nghiệp chiến lược của Mỹ.
Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc nhấn mạnh: "Việc mở rộng quá mức khái niệm an ninh quốc gia và cố tình cản trở hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại bình thường vì mục đích chính trị đi ngược lại các nguyên tắc kinh tế thị trường, cạnh tranh công bằng và tự do thương mại mà Mỹ tuyên bố ủng hộ". Ông lưu ý những động thái như vậy cũng làm mất ổn định chuỗi công nghiệp và cung ứng toàn cầu, không phục vụ lợi ích của bất kỳ bên nào.
Theo người phát ngôn của Đại sứ quán, hợp tác thương mại và kinh tế Trung-Mỹ mang lại lợi ích cho cả hai bên và người dân hai nước. Nhà ngoại giao này cho biết thêm Bắc Kinh sẽ theo dõi sát sao diễn biến và kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Ngày 21/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký bản ghi nhớ an ninh quốc gia. Theo thông báo của Nhà Trắng, quyết định này nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, bao gồm cả việc chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc.
Trong khi đó, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 tại Johannesburg (Nam Phi) ngày 21/2, Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc thảo luận kéo dài 30 phút về một số vấn đề cấp bách, nhằm tăng cường hợp tác và giải quyết những lo ngại lâu nay giữa hai nước.
Một trong những điểm chính trong chương trình nghị sự là quản lý hòa bình và yên tĩnh dọc biên giới chung. Cả hai Ngoại trưởng đều thừa nhận tầm quan trọng của việc duy trì sự ổn định ở các khu vực biên giới, một khu vực đã chứng kiến căng thẳng trong những năm gần đây.
Một vấn đề quan trọng khác là việc nối lại cuộc hành hương đến núi Kailash và hồ Mansarovar ở Tây Tạng. Hoạt động thường niên này đã bị đình chỉ trước tiên do đại dịch COVID-19 và xung đột ở Thung lũng Galwan vào năm 2020. Vào cuối các cuộc đàm phán, hai bộ trưởng đã xác nhận rằng cuộc hành hương sẽ được nối lại vào mùa hè năm 2025.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Jaishankar và người đồng cấp Vương Nghị đã nhất trí sẽ sớm có cuộc họp của các cơ quan kỹ thuật hai bên để hoàn thiện khuôn khổ khôi phục các dịch vụ hàng không, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đi lại giữa hai nước.
Các chuyến bay giữa hai quốc gia đã bị đình chỉ trong thời gian xảy ra đại dịch và căng thẳng địa chính trị, nhưng với cuộc họp này, hy vọng khôi phục các kết nối này đã được nhen nhóm trở lại.
Ngoài ra, hai ngoại trưởng cũng đề cập đến các cuộc thảo luận rộng hơn liên quan đến G20 và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), các nền tảng mà Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục hợp tác. Cuộc họp tại Johannesburg diễn ra sau một loạt cuộc trao đổi ngoại giao vào đầu năm, bao gồm chuyến thăm Bắc Kinh của Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Vikram Misri. Những hoạt động này báo hiệu sự thay đổi tích cực trong quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc.
Nguồn: https://baoquocte.vn/trung-quoc-keu-goi-my-ngung-vu-khi-hoa-van-de-thuong-mai-tang-cuong-hop-tac-voi-an-do-305283.html
Bình luận (0)