Số người bị thương ở dải Gaza cũng đã vượt quá 40.000 người, trong đó 70% là trẻ em và phụ nữ.
Đại diện cơ quan y tế ở Gaza cũng cho biết, các cuộc tấn công của Israel đã khiến 280 nhân viên y tế thiệt mạng, 56 xe cứu thương tại đây cũng đã trở thành mục tiêu tấn công. Cơ quan này cáo buộc Israel cố tình phá hủy hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Gaza.
Chỉ tính riêng từ hôm thứ 6, kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas kết thúc, đã có ít nhất 193 người dân Palestine thiệt mạng do các đợt tấn công của của Israel.
Ngày 2/12, khu vực Nam Gaza bao gồm Khan Younis và Rafah đã phải hứng chịu các đợt tấn công bao gồm cả không kích và pháo kích của Israel.
Ông Martin Griffiths, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp cảnh báo, người dân ở dải Gaza đang vô cùng hoảng sợ và không còn nơi nào an toàn để đi.
Theo ông Griffiths, tình hình ở Khan Younis, thành phố lớn nhất khu vực Nam Gaza, nơi IDF thả tờ rơi yêu cầu cư dân sơ tán ngay lập tức vì đây là “vùng giao tranh”, đang rất nghiêm trọng. Quan chức này kêu gọi Israel và Hamas khôi phục thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo, tạo điều kiện cho vận chuyển hàng cứu trợ cũng như bảo vệ dân thường và “cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sự sống” tại Gaza.
Trước đó, lãnh đạo Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) bày tỏ “vô cùng lo ngại” khi không có bất kỳ chuyến hàng viện trợ nhân đạo nào, kể cả nhiên liệu được phép vào dải Gaza ngày 1/12.
Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine (PRCS) xác nhận, Israel đã chặn hàng viện trợ vào Gaza thông qua cửa khẩu Rafah “cho đến khi có thông báo mới”. PRCS lưu ý, động thái đã “làm trầm trọng thêm nỗi thống khổ của cư dân trong khu vực cũng như gia tăng thách thức đối với các tổ chức nhân đạo và cứu trợ”.
Mỹ Hà(Nguồn: VOV.VN)