Theo thống kê mới nhất của Liên hợp quốc, hiện có hơn 100 triệu người trên khắp thế giới buộc phải rời bỏ nhà cửa, đa phần là vì các cuộc xung đột.
Theo Liên hợp quốc, sự gia tăng lớn của số người phải rời bỏ nhà cửa là một ‘bản cáo trạng’ thế giới. Ảnh: Trẻ em ngồi bên ngoài lều của gia đình tại trại tạm thời Alzhouriyeh ở vùng nông thôn phía Đông Homs, Syria. (Nguồn: UNICEF) |
Trong báo cáo được công bố ngày 14/6, Người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi cho biết, từ con số 108,4 triệu vào cuối năm ngoái, hiện đã có khoảng 110 triệu người trên khắp thế giới buộc phải lánh nạn vì xung đột quốc tế. Khoảng một nửa trong tổng số người tị nạn và những người cần quốc tế bảo vệ đến từ ba quốc gia: Syria, Ukraine và Afghanistan.
Theo UNHCR, 19 triệu người là mức tăng hàng năm lớn nhất. Trong đó, tình hình tại Ukraine và cuộc xung đột kéo dài 8 tuần tại Sudan khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Phát biểu họp báo ở Geneva (Thụy Sỹ), ông Grandi nhấn mạnh, chúng ta đang phải đối diện với một thế giới phân cực, nơi các căng thẳng quốc tế ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vấn đề nhân đạo. Ông cũng cảnh báo sự gia tăng lớn này là một “bản cáo trạng” của thế giới.
Đối với điểm nóng Sudan, vào tháng 5, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã khởi động việc điều phối viện trợ tại bang Khartoum, cung cấp thực phẩm cho 15.000 người bị mắc kẹt tại thành phố Omdurman của bang này – thành phố đông dân nhất tại Sudan.
Trên khắp Sudan, WFP đã tiếp cận và hỗ trợ thực phẩm cho hơn 782.000 người. Đồng thời, cung cấp các dịch vụ viễn thông khẩn cấp kết nối với các cơ quan của Liên hợp quốc và mạng lưới hỗ trợ nhân đạo tại Sudan.
Ngoài vấn đề nhu yếu phẩm và hệ thống liên lạc, Liên hợp quốc cũng đẩy mạnh hỗ trợ phụ nữ mang thai sơ tán khỏi thủ đô Khartoum.
Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã cung cấp thuốc men và vật tư y tế cho bệnh viện phụ sản ở thành phố Wad Medani, bang Al-Jazirah.