Đó là thông tin được đưa ra tại chương trình “Thành phố Sạch, Đại dương Xanh” và hội nghị đánh giá triển khai thí điểm trường học xanh trên địa bàn TP Đà Nẵng vừa được tổ chức chiều 30-5.
Sợ kiểm toán rác nên bớt xả
Thầy Đặng Ngọc Lam – hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu, Đà Nẵng) – cho biết nhà trường thực hiện mô hình Trường học xanh với nhiều hoạt động như thay thế các sản phẩm dùng một lần, trang bị hệ thống lọc nước để lấy nước vào bình cá nhân, dán nhãn phân loại cho các thùng rác lớp học phù hợp với cách phân loại và xử lý của nhà trường, kiểm toán rác, theo dõi lượng rác phát sinh trong trường hằng tháng…
“Trường có hoạt động kiểm toán rác ít nhất 1 lần/1 tuần. Có thời điểm, lượng rác nhiều nên việc kiểm toán khiến học sinh, giáo viên khá vất vả. Sau đó, mọi người nhắc nhở nhau hạn chế xả rác để việc kiểm toán ít lần hơn”, thầy Lam kể.
Theo đó, việc kiểm toán rác gồm các bước như thu gom, ghi chép kiểm kê toàn bộ lượng rác mà các cá nhân, các lớp, trường thu được trong 1 ngày, 1 tuần.
Sau đó sẽ ước lượng khối lượng các loại rác trong toàn trường dựa trên số lượng và tình trạng các thùng rác được kiểm toán, ước tính tỉ lệ các loại rác. Việc kiểm toán sẽ giúp học sinh biết rác của các em đến từ đâu và nhiều đến mức nào.
Một học sinh cho biết: “Từ lớp 1 đến lớp 5, em chưa từng mang đồ ăn đến trường, nhưng em quá bất ngờ khi kiểm đếm lại số rác trong 1 tuần lại nhiều đến vậy. Khi em nghe tin lượng rác ở bãi rác gấp 100 lần ở trường thì thực sự em đã không dám xả rác nữa”.
Bên lề hội nghị, một số giáo viên cho biết khi áp dụng cách kiểm toán rác, nhiều học sinh từ việc không thích chạm vào rác, dần dần các em hào hứng với hoạt động này và thực sự không ngờ được mình vứt đi nhiều thứ thế. Rồi qua việc phải kiểm đếm rác mỗi ngày, các em… sợ phải chạm tay vào rác, sợ số lượng rác thải ra của lớp tăng lên nên đã hạn chế tối đa việc xả rác.
Hơn 11 tấn rác được phân loại, tái chế
Mô hình Trường học xanh do Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng cùng các đơn vị tổ chức. Chỉ sau 9 tháng triển khai ở 20 trường học trên địa bàn Đà Nẵng, mô hình đã thu gom, phân loại và tái chế hơn 11,7 tấn rác; trong đó có 0,7 tấn rác thải nhựa.
Các trường học đều ban hành quy định về giảm nhựa và phân loại rác; đầu tư hệ thống phân loại rác; phát động thay thế đồ dùng nhựa một lần trong căng tin; lắp đặt hệ thống nước uống ở trường học và khuyến khích học sinh và giáo viên sử dụng bình nước cá nhân; hạn chế in ấn khi tổ chức các sự kiện…
Bên cạnh đó, nhiều sáng kiến thực hành xanh được giáo viên và học sinh thực hiện thường xuyên, tạo thành thói quen xanh trong trường học như: ủ phân hữu cơ, thu gom vỏ hộp sữa, thu gom pin, phân loại rác trong lớp học, dùng bảng trang trí thay pa nô và backdrop…
Nguồn: https://tuoitre.vn/so-kiem-toan-rac-hoc-sinh-da-nang-nhac-nhau-bot-xa-20240531005932522.htm