DNVN – Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn thấp, chiếm khoảng 1,3% tổng số doanh nghiệp. Trong đó, đa số là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về nhân lực, tài chính, khoa học công nghệ, khả năng phát triển thị trường và vùng nguyên liệu.
Nông nghiệp luôn được đánh giá là ngành quan trọng và có lợi thế của Việt Nam. Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất.
Hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp ngày càng được hoàn thiện. Tỷ lệ nông sản qua chế biến tăng dần, thị trường tiêu thụ được mở rộng, xuất khẩu tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị và tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao.
Phát biểu tại tọa đàm “Cơ hội tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam và khả năng hợp tác Việt Nam – Đài Loan trong phát triển chuỗi nông sản”, sáng ngày 17/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam trở thành một trong những nước có một số mặt hàng xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.
Tọa đàm bàn về tiềm năng của ngành nông nghiệp và khả năng hợp tác Việt Nam – Đài Loan trong phát triển chuỗi nông sản.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 53 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12 tỷ USD, tăng 43%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông thuỷ sản đạt hơn 29 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp Việt Nam phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm. Tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao.
Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp còn hạn chế, chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển. Nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu. Thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn.
Thống kê cho thấy có đến 70%-85% nông sản của Việt Nam xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp. Tình trạng được mùa mất giá vẫn diễn ra phổ biến, sản xuất manh mún, chất lượng của hàng nông sản chưa đồng đều.
Công nghệ chế biến lạc hậu, không đồng bộ, mẫu mã chưa hấp dẫn, giá thành sản xuất cao. Điều này dẫn đến sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh kém và bị ép giá trên thị trường quốc tế.
“Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn thấp, chiếm khoảng 1,3% tổng số doanh nghiệp. Trong đó, đa số là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về nhân lực, tài chính, khoa học công nghệ, khả năng phát triển thị trường và vùng nguyên liệu”, ông Dũng nói.
Do quy mô nhỏ, đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đủ nguồn lực để đầu tư mua sắm trang thiết bị thử nghiệm, kiểm nghiệm, máy móc thiết bị chế biến và bảo quản tiên tiến. Các doanh nghiệp, hợp tác xã chưa tiếp cận được nguồn chuyên gia có kỹ thuật cao để hỗ trợ, tư vấn phát triển các ý tưởng kinh doanh, hoàn thiện sản phẩm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ sự tin tưởng về những chia sẻ của GS,TS Thái Đông Soán – Trường Đại học quốc gia Trung Hưng, Đài Loan (Trung Quốc) tại buổi tọa đàm sẽ nâng cao hiệu quả áp dụng vào ngành nông nghiệp của Việt Nam.
Đài Loan đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt chủ trương lấy nông nghiệp làm cơ sở để phát triển công nghiệp và thực hiện chiến lược công nghiệp hoá. Trong quá trình xây dựng triển khai Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được sự cố vấn và hỗ trợ quý báu của GS,TS Thái Đông Soán.
“Với hơn 43 năm kinh nghiệm, là người thầy đồng hành của hơn 65% nông dân Đài Loan, giáo sư đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền nông nghiệp Đài Loan.
Tôi đã được nhiều lần nghe giáo sư chia sẻ về kinh nghiệm thay đổi cách thức làm nông nghiệp của Đài Loan và tôi thực sự ấn tượng với cách làm, các bước đi hướng tới nền nông nghiệp bền vững của Đài Loan trong 30 năm qua”, ông Dũng bày tỏ.
Hoài Anh
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nhan/doanh-nghiep-24h/so-doanh-nghiep-dau-tu-vao-nong-nghiep-con-rat-khiem-ton/20240717094529983