Sợ đặt phòng qua fanpage vì lừa đảo tràn lan

Việt NamViệt Nam10/02/2025


lua-dat-phong.jpg
Phiếu nhận đặt phòng của fanpage lừa đảo với phần nội dung chuyển khoản khó nhìn, dụ khách điền thiếu để yêu cầu chuyển thêm tiền

Vũ Khánh Ly, sống tại Thanh Hóa, chưa hết bức xúc khi nhớ lại việc bị lừa hai triệu đồng khi đặt phòng homestay MiAmi Mountain Retreat ở Tà Xùa qua fanpage hồi cuối tháng 1. Do từng bị lừa khi mua hàng qua mạng một lần, Ly đã kiểm tra kỹ fanpage trước khi đồng ý chuyển khoản 70% cọc, khoảng hai triệu đồng. Sau đó, quản lý fanpage nhắn lại đặt phòng thất bại do khách ghi sai nội dung chuyển khoản, dẫn đến hệ thống không xác nhận được tên, mã khách hàng.

Nếu muốn đặt phòng, Ly phải chuyển lại khoản tiền cọc, đồng thời ghi đúng nội dung nhưng cô không đồng ý, yêu cầu hoàn tiền. Cô nhận được hướng dẫn hoàn tiền qua tính năng "VNPay nhận bồi hoàn từ doanh nghiệp". Mã xác thực gồm 7 số "8996933", phải điền vào ô chuyển tiền - tương đương hơn 8,9 triệu đồng, phần nội dung ghi yêu cầu bồi hoàn.

"Đến đây, tôi biết mình bị lừa", cô nói, cho biết trước khi chặn liên lạc, những kẻ lừa đảo còn gửi tin nhắn chọc tức mình. Sau lần này, Ly thừa nhận sợ đặt phòng qua các fanpage và sẽ chọn các phương thức an toàn hơn như qua kênh OTA nếu cần tìm nơi lưu trú.

Cũng trong dịp đầu năm, Chu Thanh Hà, sống tại Hà Nội, bị lừa một triệu đồng tiền cọc với thủ đoạn tương tự khi đặt phòng qua fanpage Seashells Phu Quoc Hotel & Spa. Đối tượng cũng dụ cô chuyển lại tiền cọc với nội dung theo hướng dẫn để hệ thống xác nhận nhưng nữ du khách đã nhận ra và gọi trực tiếp cho phía khách sạn để kiểm tra.

Theo Hà, các đối tượng lừa đảo thường chạy quảng cáo với những bài đăng hấp dẫn, thu hút người xem hỏi đặt phòng. Kịch bản trao đổi với khách hàng từ lúc mời chào tới khi hỗ trợ bồi hoàn tiền, đặt phòng lại đều chuyên nghiệp khiến nhiều người sập bẫy. Ngoài ra, số tài khoản nhận tiền của nhóm lừa đảo đều là tài khoản công ty, tạo uy tín, như trường hợp của Hà, số hotline còn có đuôi tứ quý 9 nên cô càng tin tưởng.

"Tôi cũng nghe nhiều và đề phòng nhưng vẫn bị lừa", cô nói, cho biết thêm mình lẽ ra nên kiểm tra chéo thông tin trên các trang như Google trước khi giao dịch. Số tiền bị lừa không quá lớn nhưng cũng khiến Hà thấy sợ khi đặt phòng qua các fanpage vì thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi.

Đầu tháng 2, một du khách tên Tân ở Hải Phòng trình báo về việc bị lừa một tỷ đồng khi đặt phòng resort tại Ninh Bình với thủ đoạn tương tự. Trong hầu hết trường hợp lừa đảo qua hình thức đặt phòng fanpage, khi khách muốn hoàn tiền, các đối tượng thường hướng dẫn nhận bồi hoàn qua tính năng của VNPay.

Tuy nhiên, đại diện VNPay khẳng định không cung cấp bất kỳ dịch vụ đặt phòng nào trên các nền tảng mạng xã hội và không có tính năng nhận tiền bồi hoàn như cách kẻ gian đã lợi dụng để lừa đảo.

"Việc kẻ gian mạo danh gây thiệt hại tài chính cho khách hàng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của chúng tôi", đại diện đơn vị này cho biết.

lua-dat-phong-1.jpg
Fanpage lừa đảo với lượng thích và theo dõi gấp 6 lần fanpage thật

Những vụ lừa đảo với hình thức tương tự diễn ra tại nhiều điểm du lịch trên cả nước, đặc biệt vào giai đoạn cao điểm. Từ cuối năm ngoái, khu nghỉ dưỡng Serena Resort Kim Bôi hai lần phát hiện trường hợp giả mạo fanpage để lừa tiền chuyển khoản, có khách mất tới hơn 20 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó tổng quản lý khu nghỉ dưỡng - nói du khách nên liên hệ trực tiếp với cơ sở lưu trú, kiểm tra hotline và website đã thông báo với Bộ Công thương trước khi tiến hành giao dịch.

Hà Giang cũng ghi nhận một số vụ lừa đảo trong năm 2024 và đại diện Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn nói các fanpage lừa đảo thường do đối tượng ngoài địa bàn vận hành. Khách ''dính bẫy'' vì chủ quan, không liên hệ qua các nguồn chính thống được địa phương đăng tải như website, fanpage ban quản lý, trung tâm xúc tiến du lịch.

"Một số trang của chúng tôi cũng có cả nghìn lượt theo dõi nhưng những trang lừa đảo có quá nhiều thủ đoạn để gây chú ý với du khách", đại diện đơn vị nói, khuyến khích du khách tìm hiểu kỹ danh sách do cơ quan có thẩm quyền kiểm định, cung cấp.

Tại Vũng Tàu, từ cuối năm 2023, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận được 6 văn bản của doanh nghiệp du lịch về việc bị các đối tượng lập fanpage mạo danh khách sạn lừa du khách book phòng. Qua theo dõi, phản ánh qua các fanpage, hội nhóm, đơn vị được biết có hàng trăm trường hợp du khách bị lừa với cách thức tinh vi, thực hiện từ máy chủ ở nước ngoài, gây khó khăn trong việc xử lý.

Bên cạnh tăng cường nhắc nhở, truyền thông, Sở Du lịch đang xây dựng ứng dụng du lịch của tỉnh, ngoài web và fanpage vốn có. Sau khi hoàn thành, sở sẽ tăng cường truyền thông, giới thiệu cho du khách tiếp cận với kênh thông tin chính thống, tin cậy để có nguồn đối chiếu với các fanpage giả mạo.

Theo chuyên gia bảo mật Facebook Vũ Ngọc Anh, việc lấy được tích xanh (chứng nhận quyền sở hữu fanpage) từ Facebook không dễ nhưng thị trường chợ đen có nhiều nguồn mua bán fanpage tích xanh với giá khoảng 80 triệu đồng. Nhiều nhóm lừa đảo có thể mua các fanpage tích xanh này về để phục vụ mục đích xấu.

Tuy nhiên, chúng thường chọn cách sử dụng một fanpage bình thường rồi đăng ký tích xanh, sau đó đổi tên trùng với trang nhắm tới. Nhóm lừa đảo sẽ "tố" bản quyền fanpage chính chủ để dễ dàng hoạt động trên mạng. Anh Ngọc Anh nói việc một fanpage bị đánh bản quyền có thể tới từ nhiều lý do khó kiểm soát như sử dụng đoạn nhạc, hình ảnh không có bản quyền. Trong một số trường hợp, kẻ lừa đảo công nghệ cao có thể trực tiếp hack (chiếm đoạt) fanpage chính thức.

Với trường hợp một fanpage đã đổi tên, du khách có thể kiểm tra trong phần thông tin của trang. Tuy nhiên, nếu fanpage bị hack, anh Ngọc Anh cho biết rất khó để phân biệt thật, giả. Chuyên gia này khuyên nên đặt phòng qua các kênh OTA hoặc gọi điện trực tiếp, kiểm tra nhiều nguồn để xác minh.

T.H (theo VnExpress)


Nguồn: https://baohaiduong.vn/so-dat-phong-qua-fanpage-vi-lua-dao-tran-lan-404908.html

Chủ đề: đặt phòng

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available