Một báo cáo gần đây tại Mỹ cho thấy khoảng một phần tư số người đi bộ tại các ngã tư, giao lộ đang “dán mắt” vào thiết bị di động. “Tôi không nghĩ mọi người nhận thấy mình bị phân tâm ra sao và có thể ý thức sự thay đổi ập tới nhanh cỡ nào khi họ vừa đi vừa sử dụng điện thoại”, Wayne Giang – Phó giáo sư tại Đại học Florida (Mỹ) nói. Ông từng dành nhiều thời gian tìm hiểu mối liên kết giữa việc sử dụng điện thoại và tai nạn trong lúc đi bộ thời nay.
Theo NYT, thiết bị di động có thể gây ra trạng thái “mù vô thức” như cách một số chuyên gia gọi. Không chỉ gây sao nhãng chú ý tới tình trạng giao thông xung quanh, điện thoại còn gây thay đổi tới tâm trạng, thay đổi dáng đi, tư thế và cản trở tới khả năng di chuyển an toàn từ điểm này tới điểm kia của lộ trình.
Điện thoại thay đổi hành vi đi bộ ra sao?
Phó giáo sư Wayne Giang cho rằng con người sử dụng điện thoại trong lúc đi bộ sẽ tự điều chỉnh lại cách di chuyển theo phản xạ. Một video ghi lại hoạt động của người đi bộ cho thấy những ai vừa đi vừa dùng máy có tốc độ di chuyển chậm hơn 10% so với người tập trung vào bước chân.
Patrick Crowley – quản lý dự án tại Đại học kỹ thuật Đan Mạch cho biết: “Bạn sẽ nhận thấy một số thay đổi về dáng đi phản ánh tình trạng di chuyển chậm hơn. Người ta sẽ bước theo bước ngắn và dành nhiều thời gian tiếp xúc cả hai chân cùng lúc trên mặt đường”.
Thay đổi này gây tăng lưu lượng giao thông trên phần đường dành cho người đi bộ. Theo Elroy Aguiar, Phó giáo sư bộ môn Khoa học thể chất tại Đại học Alabama (Mỹ), nếu đi bộ là hoạt động thể chất quan trọng hằng ngày thì việc đi bộ chậm hơn sẽ để lại hậu quả tới thể chất của con người.
Hoạt động cúi đầu nhìn xuống smartphone khi đi bộ (trong khi tư thế tự nhiên là đứng thẳng) sẽ làm gia tăng khối lượng cũng như lực đè lên vùng cơ ở cổ, lưng trên, gây ra triệu chứng “text neck” (ý chỉ hình dáng cổ thay đổi để thích hợp với trạng thái cúi đầu khi nhắn tin). Nghiên cứu trên tạp chí sức khỏe Gait & Posture (Dáng đi và Tư thế) cho thấy những vấn đề trên gây suy giảm khả năng giữ thăng bằng, trong khi làm tăng nguy cơ vấp, ngã.
Tác động xấu đến tâm trạng
Khi các nhà khoa học muốn nghiên cứu về trạng thái căng thẳng, họ thường yêu cầu tình nguyện viên thực hiện nhiều tác vụ cùng lúc bởi đây là cách đáng tin cậy để khiến một người rơi vào trạng thái stress.
Trên thực tế cũng có những bằng chứng cho thấy vừa đi bộ vừa dùng điện thoại có tác động tương tự đến khả năng xử lý của não bộ. Một thực nghiệm trên máy chạy bộ từng chỉ ra rằng những người dùng điện thoại trong lúc đi thì cơ thể sản sinh ra nhiều cortisol hơn, một loại hoóc môn chống căng thẳng (nhưng quá nhiều sẽ gây hại).
Một báo cáo công bố năm 2023 tại New Zealand đã nghiên cứu tác động tâm lý của việc đi bộ ngoài trời (ở công viên) với 2 nhóm người: có sử dụng điện thoại và không dùng. Elizabeth Broadbent, đồng tác giả nghiên cứu và là Giáo sư môn Sức khỏe tâm lý tại Đại học Auckland (New Zealand) nói: “Nhìn chung, khi con người đi bộ ngoài trời, họ sẽ có cảm giác dễ chịu hơn, nhưng đó là những gì xảy ra với nhóm người không dùng điện thoại”.
“Còn với nhóm vừa đi vừa dùng điện thoại, tác động này bị đảo ngược. Thay vì cảm thấy tích cực, họ thường có suy nghĩ kém hưng phấn, ít hạnh phúc và mức độ thư giãn không bằng”, bà Broadbent nói thêm.
Nhóm nghiên cứu cho rằng những tác động tiêu cực tới tinh thần này là hậu quả của việc “mất kết nối” với môi trường xung quanh do đi ngược với quan điểm đi bộ trong không gian tự nhiên mang lại ích lợi cho sức khỏe tinh thần của con người được chấp nhận rộng rãi hiện nay. “Để đạt được lợi ích, sự chú ý tới môi trường xung quanh trong lúc đi bộ vô cùng quan trọng. Thậm chí vừa đi vừa dùng điện thoại cũng đã là hành động gây khó chịu rồi và như thế cũng đủ ảnh hưởng đến tâm trạng”, nữ giáo sư phân tích.
Mối nguy hại của sự phân tâm
Hầu hết mọi người đều biết vừa di chuyển vừa dùng điện thoại là nguy hiểm. Tại một số thành phố, ví dụ Honolulu (Hawaii, Mỹ) hay Yamato (Nhật Bản) thậm chí còn thông qua luật nhằm hạn chế người đi bộ phân tâm. Phó giáo sư Wayne Giang đã sử dụng dữ liệu chính thức được chính phủ Mỹ công bố trong giai đoạn từ 2011 tới 2019, tìm ra gần 30.000 vụ tai nạn khi đi bộ có liên quan đến điện thoại. Đa phần tai nạn xảy đến khi tham gia giao thông trên phố hoặc vỉa hè, vẫn có tới một phần tư số vụ diễn ra ở nhà.
“Vấp phải đồ vật hay té cầu thang là những mối nguy thực sự”, ông Giang nhấn mạnh.
Tuổi tác là một trong những tác nhân chính gây ra các vụ tai nạn liên quan đến điện thoại khi đi bộ. Người trẻ trong độ tuổi 11 tới 20 chiếm tỷ lệ gặp tai nạn cao nhất, kế đến là nhóm người trưởng thành ở các mốc tuổi 20 (tới 29), 30 (tới 39) và 40 (tới 49). Nhóm nghiên cứu cho rằng nguyên nhân bởi người trẻ thường sử dụng điện thoại nhiều hơn so với nhóm có tuổi cao.
Ông Giang khuyến cáo nếu muốn an toàn, người đi bộ nên dừng lại để kiểm tra điện thoại, tốt nhất tránh chỗ cho những người khác di chuyển. Nếu không thể kiềm chế thói quen sử dụng điện thoại lúc đi, hãy cố gắng tránh dùng và dành nhiều sự chú ý tới việc đi bộ hơn ở khu vực như cầu thang, lối băng qua đường, đường phức tạp hoặc địa hình không bằng phẳng. “Đây là những nơi thường xảy ra tai nạn’, ông nói.