Làm thêm, về nhà sau nửa đêm
Tất bật làm thêm từ 5h chiều cho đến 11h khuya từ giữ xe, pha chế đến chạy bàn, đó là trường hợp của Tấn Hiếu, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM.
Ca làm không cố định, ca sáng từ 6h30 đến 12h, ca trưa 12h đến 17h, ca tối từ 17h đến 23h, Hiếu làm liên tục từ thứ hai đến thứ bảy, tính đến nay cũng gần 1 năm.
Chia sẻ về lý do đi làm, Hiếu nói muốn có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Dù vậy, Hiếu thường gặp khó khăn trong việc cân bằng thời gian giữa làm và học, đặc biệt vào mùa thi.
Làm ba công việc cùng lúc, Danh Danh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhiều lúc thấy “đuối”. Hiện Danh đang làm thu ngân quầy cơm tại căng tin, pha chế ở quán cà phê và cộng tác viên lồng tiếng.
Danh tâm sự: “Có khi bán nước đến 23h hơn, về phòng tắm xong cũng qua ngày mới, mình đọc bài hay học thêm ngoại ngữ là cũng 1 – 2h sáng, hôm sau học sáng nhiều khi dậy không nổi”.
Dẫu mệt mỏi nhưng bạn nói hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, hai chị em đều học đại học ở xa, mà ba mẹ lớn tuổi thường đau bệnh.
Danh đặc biệt yêu thích công việc lồng tiếng bởi ngoài kiếm thêm tiền, đây cũng là định hướng của Danh trong tương lai, nên bạn luôn tìm kiếm cơ hội để được rèn luyện.
Trong khi đó Phương Ngân – sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM – đang làm hai công việc bán thời gian, là gia sư và phục vụ tại quán cà phê.
Mỗi ngày Ngân dành 6-8 tiếng làm thêm. Dù công việc làm thêm hiện tại không liên quan đến ngành học, nhưng Ngân xem đây là dịp tích lũy kinh nghiệm.
Gần đây, Ngân thấy không khỏe vì phải làm quá nhiều. Tuần rồi, do phải liên tục thức tới 2-3h sáng, Ngân sụt 4kg. Cô dự tính sẽ nghỉ bớt một công việc, đầu tư cho bản thân, sức khỏe nhiều hơn.
Cẩn trọng khi làm thêm
ThS Trần Nam, trưởng phòng công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng làm thêm giúp cho sinh viên có thể thực hành được các kỹ năng nghề nghiệp, thích nghi được với thị trường lao động, trang trải chi phí, tự lập từ sớm và khiến sinh viên cảm thấy bản thân có được tính độc lập, tự chủ.
Ông cho biết nhiều trường đại học có mạng lưới giới thiệu việc làm cho sinh viên thông qua việc lập các cổng thông tin việc làm trực tuyến, những đơn vị chuyên trách, nhà tuyển dụng, doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho sinh viên. Một số trường đại học thường xuyên làm việc với các cơ quan liên quan để bảo vệ quyền lợi cho sinh viên làm thêm…
ThS Nguyễn Thị Xuân Dung – giám đốc Trung tâm truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) – lưu ý thời gian đi làm thêm dày dễ khiến sinh viên mệt mỏi; áp lực từ công việc, quản lý, khách hàng ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý;… và thực tế có không ít sinh viên bỏ quên nhiệm vụ học tập.
“Đặc biệt, một điều không thể không nhắc đến là dễ gặp phải đa cấp lừa đảo. Bởi sinh viên, nhất là các bạn sinh viên năm nhất, chưa có nhiều trải nghiệm rất dễ gặp phải những trường hợp và công việc không như mong muốn, cũng chưa được trang bị kỹ năng, tâm lý để ứng xử khi đó”, bà Dung nói.