Bác sĩ của Bệnh viện Da liễu Đồng Nai tư vấn cho bệnh nhân cách chăm sóc da. Ảnh: Hải Yến |
Biết cách chăm sóc da cơ bản, thăm khám kịp thời khi có các biểu hiện bệnh là yếu tố quan trọng để có được làn da khỏe mạnh, giúp người bệnh tự tin trong giao tiếp và cuộc sống.
Nắng nóng làm gia tăng các vấn đề về da
Những ngày này, số lượng bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu Đồng Nai để khám các bệnh về da tăng cao. Trong đó, các bệnh liên quan đến vấn đề nhiễm trùng, viêm da (viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da do cơ địa, viêm da dầu) thường gặp hơn cả.
Theo bác sĩ Cao Trâm Anh, Phòng Khám theo yêu cầu, Bệnh viện Da liễu Đồng Nai: “Nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám da trong tình trạng bệnh tiến triển khá nặng: bị nhiễm khuẩn, rỉ dịch, có mủ, da dày lên thành các mảng, ngứa nhiều, diễn tiến tới đỏ da toàn thân… đến mức phải nhập viện”.
Cách đơn giản để biết mình thuộc da nào là rửa mặt sạch, thấm khô và để khô tự nhiên trong 30 phút. Nếu da căng, không tiết dầu (có thể dùng giấy thấm dầu để kiểm tra) thì da thuộc loại da khô. Người thuộc tuýp da tổng hợp sẽ có tiết dầu ở vùng chữ T (trán, mũi, cằm). Người thuộc tuýp da dầu sẽ có tiết dầu ở cả vùng má.
Cũng theo bác sĩ Trâm Anh, tùy theo bệnh và tình trạng bệnh mà thời gian điều trị khác nhau. Với những trường hợp bị đỏ da toàn thân, nhiễm trùng toàn thân phải nhập viện, mỗi đợt nằm viện trung bình khoảng 14 ngày và người bệnh có thể giảm được 80% tình trạng bệnh, được xuất viện điều trị ngoại trú. Đối với những trường hợp nhẹ hơn thì có thể điều trị ngoại trú khoảng 2-3 đợt, mỗi đợt khoảng 2 tuần.
Với những trường hợp bệnh nặng phải điều trị nội trú, ngoài thuốc uống, thuốc bôi, bệnh nhân còn được tắm thuốc (giúp sát khuẩn da), chiếu đèn giúp hỗ trợ điều trị tốt hơn.
Bệnh viện Da liễu Đồng Nai cũng tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp bệnh nhi bị viêm da tiếp xúc do tắm các loại nước lá. “Trong mùa nắng, trẻ thường bị rôm sẩy và phụ huynh chọn tắm nước lá để trị rôm sẩy. Tuy nhiên, việc tắm nước lá có thể phù hợp với cơ địa của trẻ này mà không phù hợp với trẻ khác. Bên cạnh đó, nguồn lá nấu nước tắm có đảm bảo sạch hay không, có bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hay không… cũng là vấn đề” - bác sĩ Trâm Anh cho biết.
Khi tiếp nhận những trường hợp này, bác sĩ yêu cầu ngưng tắm nước lá, chuyển sang tắm các loại dung dịch, sữa tắm nhẹ dịu hoặc các sản phẩm đã được kiểm nghiệm lâm sàng, chứng minh hiệu quả rõ ràng, có căn cứ khoa học.
Chăm sóc da đúng cách
Trong mùa nắng nóng, khoảng 90% trẻ dậy thì gặp tình trạng mụn trứng cá do da tiết dầu nhiều hơn, mặt khác trẻ chưa biết vệ sinh da đúng cách khiến tình trạng bệnh càng nặng hơn.
Không ít phụ huynh còn khá chủ quan, cho rằng ở tuổi dậy thì, việc trẻ bị nổi mụn là điều đương nhiên, chỉ đến khi tình trạng da của trẻ bị nặng (mụn mủ, mụn viêm, sưng, chảy nước…) thì mới đưa con đi khám da. Đối với những trường hợp này, thời gian điều trị phải tính bằng tháng, có thể cả năm mới khỏi mà vẫn đề lại hậu quả là sẹo trên da.
Ngoài ra, cũng trong mùa nắng nóng, Phòng Khám thẩm mỹ của Bệnh viện Da liễu Đồng Nai cũng tiếp nhận lượng bệnh nhân đông, đa phần bệnh nhân trong độ tuổi từ 35-40 tuổi, bị tai biến da do nhiễm thành phần corticoid.
Bác sĩ Trâm Anh giải thích: “Do thời tiết nắng nóng, người bệnh phải tiếp xúc ánh nắng nhiều hơn, bị chảy mồ hôi, dễ dẫn đến nhiễm trùng và các tình trạng da tiềm ẩn sẽ nổi lên. Người bệnh thường gặp tình trạng đỏ bừng da, ngứa, rát…”.
Để bảo vệ làn da trong mùa nắng nóng, bác sĩ Trâm Anh khuyến cáo người dân nên tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng; uống nhiều nước để không bị mất nước qua da, khô da. Khi ra ngoài nắng, người dân nên che chắn bằng cách mặc áo khoác, đội nón mũ, đeo kính mát, khẩu trang; bôi kem chống nắng với chỉ số SPF 50, nhất là trong khung giờ từ 9h-15h.
Đối với kem chống nắng, người dùng nên bôi trước khi ra nắng tối thiểu 30 phút. Cách 3-4 tiếng thì bôi lại. Nếu làm việc trong môi trường mát thì có thể bôi mỗi ngày 1 hoặc 2 lần. Đối với những người làm công việc tiếp xúc nhiều với ánh nắng thì ngoài bôi kem chống nắng 2-3 lần/ngày nên đeo khẩu trang, đội nón.
Tùy theo tính chất công việc, người dùng có thể tẩy trang trước khi bôi lượt kem chống nắng mới. Nếu không có điều kiện tẩy trang thì nên rửa qua nước sạch để giảm tình trạng bụi bẩn, dầu… Nếu không có điều kiện để rửa mặt thì có thể dùng khăn giấy khô để lau qua rồi mới bôi lớp kem chống nắng mới.
Người dùng nên chọn sản phẩm chống nắng sao cho thoải mái, phù hợp với da. Đối với người đang gặp vấn đề về da thì cần lựa chọn kem chống nắng kỹ hơn, tránh tình trạng sử dụng sản phẩm không phù hợp dẫn đến bít tắc, viêm da nặng hơn. Những bệnh nhân đang bị bệnh về da thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu về việc có được sử dụng kem chống nắng hay không và sử dụng loại kem nào.
Người dân cũng cần thực hiện vệ sinh tốt: tắm rửa, thay quần áo mỗi ngày; không mặc chung đồ, sử dụng chung khăn tắm, khăn mặt; ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin và khoáng chất…
Một bước cũng quan trọng trong việc chăm sóc da hàng ngày là tẩy trang. Bác sĩ Trâm Anh khuyên: “Việc tẩy trang là khá cần thiết đối với những người sử dụng sản phẩm có tính năng kháng nước, chống nước (bao gồm cả kem chống nắng, nhất là kem chống nắng có chỉ số SFP cao). Những sản phẩm sữa rửa mặt dịu nhẹ không thể làm sạch hết sản phẩm này. Do đó, cần sử dụng sản phẩm làm sạch sâu là nước tẩy trang. Ngay cả những người không bôi kem chống nắng, trang điểm thì khi tiếp xúc với môi trường nắng nóng, bụi bẩn, việc có thêm một bước tẩy trang dịu nhẹ sẽ làm sạch da tốt hơn”.
Hải Yến
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202504/cham-soc-da-mua-nang-nong-a9b24fd/
Bình luận (0)