Sau khi Tuổi Trẻ Online có bài viết “Sinh viên than kiến tập mà làm việc không kịp ăn”, nhiều bạn đọc cho rằng chỉ nên kiến tập vừa đủ, đồng thời phải có lương thưởng tương xứng, số khác cho rằng phải kiến tập với cường độ cao để quen với áp lực công việc.
Kiến tập chỉ nên quan sát, làm việc nhẹ?
Bạn đọc Lê Đình Tuấn cho rằng bản thân từ “kiến tập” là tập sự qua việc quan sát. Nếu kiến tập mà làm suốt 2 tháng trời chỉ với công việc dọn buồng phòng, không có bất kỳ kiến thức của các khâu nào khác trong chuỗi nhà hàng, khách sạn đó thì chủ doanh nghiệp đang tận dụng sức lao động giá 0 đồng.
“Chủ doanh nghiệp nên xoay tua cho các sinh viên 5 ngày/tuần buồng phòng, tuần tiếp theo sảnh, lễ tân, vườn cây, hành lý, bar, bếp, thiết kế, sự kiện… Để sau kỳ kiến tập 2 tháng sinh viên sẽ có kiến thức tổng quát về ngành và có cái nhìn thiện cảm về một doanh nghiệp chuyên nghiệp, bài bản, rõ ràng!”, anh Tuấn bình luận.
Bạn đọc Kim Thành cho rằng: “Nếu kiến tập thì chỉ nên dừng ở mức “nhìn và trải nghiệm” để hình dung kiến thức mình học trong những năm sắp tới sẽ ra sao, nên nhìn vào số tín chỉ để đặt ra lượng thời gian phù hợp”.
Tuy nhiên bạn đọc Phạm Thiết Hùng ý kiến: “Tôi không tán thành ý kiến của sinh viên càm ràm về giờ làm, ngày làm việc trong kỳ kiến tập.
Nếu xác định được mục đích, kết quả của kỳ kiến tập, sau này là thực tập ta sẽ vui vẻ làm việc bởi những thực tế va chạm trong kiến tập, thực tập sẽ không làm ta bỡ ngỡ khi vào nghề”.
Kiến tập ngành du lịch cần sự trải nghiệm, va chạm nhiều
Ông Trang Sĩ Trung – hiệu trưởng Trường đại học Nha Trang – cho hay việc sinh viên năm nhất kiến tập làm việc 8 tiếng/ngày, liên tục trong 6 ngày như một nhân viên chính thức, nhà trường đã chỉ đạo cho khoa du lịch điều chỉnh thời gian kiến tập của các em, đồng thời làm việc với các doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho sinh viên.
Ông Trung nhận định mức độ, quy định cũng như yêu cầu giữa kiến tập và thực tập sẽ khác nhau. Kiến tập giúp sinh viên nắm bắt kiến thức lý thuyết và nền tảng cơ bản, sinh viên được học, quan sát cách làm việc tại nơi kiến tập và thời gian kiến tập ngắn hơn so với thực tập.
“Đúng là kiến tập chỉ dừng ở mức xem, quan sát. Tuy nhiên, ngành du lịch đòi hỏi kỹ năng cao, thầy cô, nhà trường mong muốn qua kỳ kiến tập các em có thể trải nghiệm, tiếp xúc với công việc sớm để dày dặn kinh nghiệm, kỹ năng hơn, vì kiến thức trên lớp là không đủ nên các em phải thực hành”, ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung mỗi doanh nghiệp, cơ sở kiến tập lại có những quy định, yêu cầu, cách truyền đạt khác nhau nên sinh viên phải phụ thuộc vào cơ sở đó.
Sinh viên thực tập được tạo cơ hội
So với sinh viên kiến tập thì sinh viên thực tập được hỗ trợ nhiều hơn. Bà Vũ Thị Hương Giang – quản lý một resort ở khu Bãi Dài (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) – cho hay resort hay hướng dẫn sinh viên năm 3, năm 4 thực tập. Điều doanh nghiệp đánh giá cao nhất là tinh thần làm việc và trách nhiệm, sau đó mới đến kỹ năng.
“Chúng tôi sẽ quan sát, đánh giá trách nhiệm làm việc của các bạn qua việc đi đúng giờ, làm đúng số ca, nhiệm vụ được giao” – bà Giang nói.
Theo vị quản lý resort này, mỗi sinh viên sẽ có cách đào tạo khác nhau. Với các bạn mới, người hướng dẫn sẽ dạy trực tiếp 1 kèm 1 trong suốt 2 tuần. Các bạn sẽ được quan sát công việc hoặc đánh giá sau khi thực hiện xong công việc.
Mỗi doanh nghiệp sẽ có chính sách đãi ngộ cho các bạn sinh viên thực tập khác nhau. Chẳng hạn ở resort này tổ chức xe đưa đón, bao ăn trưa và có một khoản phí trợ cấp nhỏ cho sinh viên kiến tập.
“Sau khi các bạn tốt nghiệp có thể được tuyển dụng làm nhân viên công nhật hoặc chính thức tại resort”, bà Giang nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/sinh-vien-kien-tap-nganh-du-lich-nhu-the-nao-cho-dung-va-du-20240629181745066.htm