Trong buổi giao lưu với sinh viên Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) chiều 15-4, ông Lê Thanh Tâm – tổng giám đốc Tập đoàn IDG Việt Nam, từng lọt vào top 12 giám đốc công nghệ thông tin ASEAN – nhận được câu hỏi làm thế nào sinh viên Việt Nam có thể được tập đoàn nước ngoài tiếp nhận?
Ông Tâm cho rằng thông thường, sinh viên Việt Nam có tâm lý sợ tìm việc ở nước ngoài vì nghĩ sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên thực tế, tìm việc ở nước ngoài không khác nhiều với ở Việt Nam, cũng sẽ qua nhiều vòng thi tuyển như hồ sơ, phỏng vấn, có thể làm thêm một số bài kiểm tra.
Theo ông Tâm, cơ hội không chỉ tới khi sinh viên đã tốt nghiệp, mà ngày nay nhiều tập đoàn lớn cũng đang tuyển sinh viên thực tập từ các nước.
Phần nhiều các tập đoàn nước ngoài khi nhận thực tập sẽ không trả lương cho sinh viên, bù lại các bạn sẽ học được nhiều kinh nghiệm. Vì vậy khi thực tập, các bạn cần xác định đâu là những thứ mình muốn học hỏi và không ngần ngại đề xuất.
Chia sẻ về tiêu chí để sinh viên được nhận vào IDG Việt Nam, ông Tâm nói yếu tố được coi trọng nhất là khả năng làm việc với con người. Kỹ năng này sẽ được bộ phận chuyên môn của doanh nghiệp đánh giá qua từng giai đoạn tuyển dụng.
Chẳng hạn ở vòng đầu tiên, công ty sẽ có ba bài kiểm tra online cho các sinh viên tốt nghiệp. Thứ nhất là kiểm tra tiếng Việt, với nhiều câu hỏi về sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, vì ứng viên đang làm việc tại Việt Nam nên tiếng Việt là quan trọng. Nhiều ứng viên gặp khó khăn với các câu hỏi chính tả, phân biệt dấu ngã, dấu hỏi.
Kế đó là bài kiểm tra tiếng Anh, do thường phải làm việc với đối tác, khách hàng quốc tế. Cuối cùng là bài kiểm tra kiến thức chung, thông tin thời sự của các bạn. Hoàn thành trên 60% số câu hỏi trong ba bài thi, ứng viên sẽ có cơ hội vào công ty.
TS Dương Văn Thịnh, giám đốc Cemtes International (Singapore), cho biết nhiều công ty nước ngoài đưa ra các tiêu chí tuyển dụng mà không ít sinh viên Việt Nam có thể cảm thấy lạ lẫm khi mới nghe.
Chẳng hạn, có công ty hỏi ứng viên có chơi thể thao không? Ứng viên nói đang chơi xuất sắc một môn thể thao là nhiều khả năng sẽ được nhận luôn.
Ông Thịnh giải thích thông thường trong các hồ sơ ứng tuyển được gọi phỏng vấn, năng lực giữa các ứng viên sẽ ít chênh lệch. Do vậy, công ty thường đánh giá cao những ứng viên có các tố chất ngoài chuyên môn, mà sức khỏe là một trong số đó. Ngoài ra, trong quá trình phỏng vấn, bộ phận tuyển dụng sẽ rất chú ý đến thái độ ứng viên.
Sau khi đã được nhận, ứng viên sẽ vẫn được bộ phận nhân sự theo dõi sát sao để xem khả năng làm việc, thích ứng. Nếu thể hiện được mình, ứng viên sẽ được giữ lại.
Theo ông Thịnh, ngoài hướng ra nước ngoài, thì phát triển sự nghiệp tại Việt Nam cũng rất đáng cân nhắc. Bởi Việt Nam hiện đang thu hút rất nhiều đầu tư nước ngoài và thị trường đa dạng sản phẩm dịch vụ. Chưa kể, Việt Nam cũng là “sân nhà” của các bạn, sẽ ít cạnh tranh hơn.
Tạo cơ hội tiếp cận công nghệ mới cho sinh viên
Cũng trong ngày 15-4, Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế Việt Nam (IDG Việt Nam) ký kết thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ khởi nghiệp, tổ chức học kỳ doanh nghiệp, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ tài liệu, cung cấp nguồn nhân lực…
IDG đang là tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực truyền thông công nghệ thông tin, tổ chức sự kiện và nghiên cứu thị trường, tiếp cận hơn 280 triệu khách hàng trong lĩnh vực công nghệ thông tin trên 97 nước trên thế giới.