Mô hình “Co-operative Education” (Co-op) kết hợp đào tạo giữa trường đại học và doanh nghiệp đã được các chuyên gia thảo luận trong tọa đàm tại Trường đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) chiều 11-6.
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết từ năm học 2024 – 2025, trường sẽ triển khai chương trình đào tạo Co-op đối với hai ngành công nghệ tài chính (Fintech) và hệ thống thông tin quản lý (MIS). Dự kiến một chương trình của mỗi ngành sẽ tuyển khoảng 30 sinh viên/năm, là những sinh viên giỏi.
Trong chương trình này, các sinh viên sẽ được đến doanh nghiệp học tập ngay từ năm nhất. Một số học phần thay vì học tại trường đại học sẽ được chuyển sang đào tạo tại doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp sẽ tham gia vào khâu đánh giá.
Theo ông Khánh, cách làm mới này nhằm thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn khi hiện nay phần nhiều sinh viên phải đến năm ba, năm cuối mới được thực tập tại các doanh nghiệp, thời gian thực tập ngắn. “Sinh viên sẽ có cơ hội tốt hơn trong việc tiếp cận với thị trường lao động, còn doanh nghiệp có điều kiện đánh giá sinh viên ngay trong quá trình thực tập để tuyển dụng nhân sự”, ông Khánh nói.
PGS.TS Nguyễn Anh Phong, trưởng khoa tài chính – ngân hàng Trường đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), chia sẻ trong chương trình mới, ngoài các học phần cơ bản, học phần tài chính, học phần công nghệ thì sẽ có thêm các học phần Co-op.
Một số học phần Co-op của ngành Fintech dự kiến bao gồm cấu trúc và giao tiếp khách hàng, cấu trúc và văn hóa doanh nghiệp, sáng tạo và khởi nghiệp, quy trình bảo mật thông tin tại doanh nghiệp, hệ thống thông tin kinh doanh, chiến lược kinh doanh và marketing tại doanh nghiệp, quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp tại doanh nghiệp…
TS Lê Hoành Sử, trưởng khoa hệ thống thông tin Trường đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết dự kiến sinh viên có thể đến doanh nghiệp thành nhiều đợt trong 4 năm học, 2 đợt vào năm nhất và năm hai (mỗi đợt 4 tuần) và 2 đợt vào năm ba và năm cuối (mỗi đợt 8 tuần).
Ví dụ với ngành hệ thống thông tin quản lý, trong đợt vào năm nhất, sinh viên chủ yếu được giới thiệu về công ty, định hướng phát triển, văn hóa doanh nghiệp, cơ hội nghề nghiệp và yêu cầu tuyển dụng. Đến năm thứ hai, doanh nghiệp có thể đưa ra các yêu cầu doanh nghiệp cần, các công việc, các đề bài yêu cầu phân tích, đánh giá…
Vào đợt năm thứ ba, doanh nghiệp đưa ra các đề bài yêu cầu cần thu thập, xử lý dữ liệu về vấn đề cần kinh doanh quản lý, yêu cầu đưa ra các đề xuất giải pháp, ứng dụng Data Science, MIS, AI… Doanh nghiệp có thể tham gia đánh giá 20% kết quả của sinh viên, trường đánh giá 80%.
Và trong đợt cuối cùng, doanh nghiệp có thể giao sinh viên các chủ đề, các công việc thực tế theo đội, nhóm hoặc cá nhân theo nhiệm vụ thực tế của doanh nghiệp như một nhân viên tập sự toàn thời gian. Doanh nghiệp có thể tham gia đánh giá 40% kết quả của sinh viên, trường đánh giá 60%.
Thực tập doanh nghiệp quá sớm, có ổn?
Ông Lê Thanh Tâm, tổng giám đốc Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) tại Việt Nam và Đông Nam Á, cho rằng mô hình đào tạo Co-op trước hết nên được tính toán kỹ về mặt thời gian. Nếu chỉ đến doanh nghiệp vài tuần đến một tháng thì khó hiểu được văn hóa của doanh nghiệp. Chưa kể, một số doanh nghiệp cũng không sẵn sàng tiếp nhận sinh viên trong thời gian quá ngắn đòi hỏi nhà trường sẽ cần làm việc chặt chẽ với các đối tác.
Bên cạnh đó, theo ông Tâm, cần xác định thật rõ ràng chương trình đào tạo mà nhà trường sẽ kết hợp với doanh nghiệp. Thực tế cho thấy sinh viên của nhiều ngành khi đã học xong 4 năm vào doanh nghiệp vẫn còn phải mất 1-2 năm đào tạo lại, thì sinh viên năm nhất sẽ rất khó có những đảm nhận một số đầu việc thực tế tại doanh nghiệp.
Ông Dương Văn Thịnh, giám đốc điều hành CEMTES International, lưu ý thêm về cách đánh giá. Một số doanh nghiệp sẽ khó đưa ra những cách đánh giá tương đồng với nhà trường. Nếu phương pháp đánh giá không tương đồng và dựa trên chuẩn chung của nhà trường sẽ dễ gây thiệt thòi cho các sinh viên.
Nguồn: https://tuoitre.vn/truong-dai-hoc-cho-sinh-vien-den-doanh-nghiep-hoc-tu-nam-nhat-20240611192858389.htm