Các dải mưa của Doksuri đã giáng xuống các cộng đồng ven biển Philippines, bao gồm cả những ngôi làng biệt lập ẩn mình trong các khu rừng nhiệt đới. Rất may, nhiều người đã được đưa đến nơi an toàn trước khi cơn bão mang theo sức gió lên tới 175 km/h ập tới.
Cơn bão, được Cục Khí tượng Trung Quốc gọi là siêu bão bởi có đường kính lên tới 900 km và dự kiến sẽ duy trì sức mạnh khi nó tiếp tục tiến về phía đảo Đài Loan và lục địa Trung Quốc.
Cơ quan này đã nâng cảnh báo bão lên cấp cao thứ hai và trung tâm sản xuất của tỉnh Quảng Đông đã cảnh báo về cơn bão tồi tệ nhất trong một thập kỷ. Trung Quốc dự kiến cơn bão sẽ đổ bộ vào đất liền nước này vào sáng sớm thứ Sáu.
Trong suốt tháng 7 qua, nhiệt độ kỷ lục đã gây ra sự tàn phá trên toàn cầu, gây ra các vụ cháy rừng ở Mỹ và Địa Trung Hải. Ở một thái cực khác, các nhà khoa học cho biết sự nóng lên toàn cầu cũng sẽ khiến các cơn bão trở nên ẩm ướt hơn, nhiều gió hơn và dữ dội hơn.
Doksuri sẽ là cơn bão thứ hai đổ bộ vào đất liền Trung Quốc trong vòng chưa đầy hai tuần sau khi bão Talim đổ bộ vào Quảng Đông vào ngày 17 tháng 7.
Một số dịch vụ đường sắt nối các thành phố đông dân cư như Thâm Quyến, Quảng Châu và Hàng Châu gần bờ biển phía Nam và phía Đông của Trung Quốc đã bị đình chỉ.
Cơ quan Khí tượng Trung Quốc cho biết Doksuri dự kiến sẽ di chuyển theo hướng tây bắc với tốc độ 10-15 km/h và đi vào phần đông bắc của Biển Đông bắt đầu từ tối thứ Tư cho đến sáng thứ Năm.
Nhật báo Quảng Châu đưa tin đây có thể là cơn bão mạnh nhất đổ bộ hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến phía Đông Quảng Đông trong 10 năm qua.
Trung Quốc đã nâng cấp phản ứng khẩn cấp từ Cấp III lên Cấp II, nghĩa là một cơn bão sắp tới có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ đất nước, theo kế hoạch khẩn cấp quốc gia về kiểm soát lũ lụt và cứu trợ hạn hán của Hội đồng Nhà nước.
Cơ quan khí tượng Trung Quốc đã kêu gọi mọi người dự trữ thực phẩm, nhu yếu phẩm và nến như một biện pháp phòng ngừa.
Huy Hoàng (theo Tân Hoa Xã, Reuters, AP)