Điện thoại phổ thông cơ bản, hay được gọi “điện thoại cục gạch” thuộc diện cắt giảm, dừng kinh doanh trong thời gian tới là các mẫu máy chỉ hỗ trợ công nghệ mạng viễn thông 2G (2G Only). Đây là một trong những bước được đánh giá là cần thiết để triển khai kế hoạch tắt sóng 2G tại Việt Nam vào tháng 9.2024.
Theo bà Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch tần số – Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT-TT), lộ trình đề ra đến tháng 9.2024 trên mạng di động sẽ không còn thuê bao ở hình thức 2G Only, tuy nhiên vẫn duy trì công nghệ này đến tháng 9.2026 để phục vụ nhóm người dùng đang sử dụng điện thoại có hỗ trợ kết nối mạng 3G, 4G nhưng chưa tích hợp công nghệ VoLTE.
Đối với các thiết bị chỉ hỗ trợ công nghệ 2G, ông Nguyễn Phong Nhã – Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết từ tháng 7.2021, Cục đã tham mưu cho Bộ ban hành thông tư liên quan đến điện thoại đầu cuối 2G không hỗ trợ 3G, 4G không được nhập khẩu, lưu thông trên thị trường. “Một thiết bị 2G Only có vòng đời khoảng 3 năm nên đến nay, các thiết bị này không còn nhiều trên mạng lưới”, ông Nhã chia sẻ tại tọa đàm “Tắt sóng 2G đưa người dân lên môi trường số” diễn ra tại Hà Nội, sáng 5.12.
Tuy cơ quan chức năng liên tục rà soát, nhắc nhở các đơn vị kinh doanh, lãnh đạo Cục thừa nhận đến nay vẫn còn tình trạng thiết bị 2G Only nhập khẩu không chính thức hoặc được trao đổi, buôn bán dưới hình thức đã qua sử dụng, lưu thông trên thị trường. Lý do nhiều người vẫn có thói quen sử dụng các dòng điện thoại này vì ưu điểm pin khỏe, có thể hoạt động nhiều ngày không cần sạc và “không có nhu cầu gì khác ngoài nghe, gọi thoại thông thường”. Bên cạnh đó, chi phí mua rẻ, có thể sở hữu máy chỉ với dưới 500.000 đồng, thậm chí 200.000 – 300.000 đồng cũng có điện thoại “cục gạch” để sử dụng.
“Thời gian tới sẽ tăng cường thực thi thông tư, truyền thông đến các nhà mạng, rà soát thiết bị đầu cuối để đảm bảo thuê bao không đúng quy định sẽ không được hòa mạng”, ông Nguyễn Phong Nhã nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề chi phí, đại diện cơ quan quản lý có mặt tại hội thảo cho biết đơn vị của Bộ sẽ tài trợ 400.000 máy điện thoại để hỗ trợ đối tượng thuộc diện ưu tiên như vùng sâu xa, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong việc chuyển đổi sang công nghệ mới.
Các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone cũng đang phối hợp với đối tác là hệ thống bán lẻ, nhà sản xuất thiết bị đầu cuối để mang đến những mẫu điện thoại cơ bản nhưng hỗ trợ 4G, có giá rẻ chỉ vài trăm nghìn đồng để người dân thay thế model cũ sẽ không còn phù hợp từ tháng 9.2024.
“Các chương trình hỗ trợ người dân chuyển đổi thiết bị như trợ giá máy đến 50% để thuê bao chuyển từ 2G lên 4G, phổ cập smartphone giá rẻ, điện thoại cơ bản có 4G trên phạm vi toàn quốc. Khó khăn nhất vẫn là tiếp cận 4G giá rẻ, nhưng chúng tôi cũng điều chỉnh chính sách, hạn chế cung cấp sản phẩm và dịch vụ trên nền tảng 2G, giảm khuyến mại đối với dịch vụ này nhưng tăng đối với 4G. Việc triển khai đang cho kết quả tốt, giúp chiến lược xóa sổ máy 2G Only trên hệ thống thành hiện thực”, đại diện một nhà mạng lớn chia sẻ.