Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic ngày 30.9 thông báo ông đã ra lệnh rút quân. Trong một tuyên bố với Financial Times, ông cho biết bất kỳ hành động quân sự nào cũng sẽ phản tác dụng, đồng thời khẳng định “Serbia không muốn chiến tranh”.
Một quan chức chính quyền Kosovo ở Pristina xác nhận rằng Serbia hôm 30.9 đã rút một phần binh sĩ và trang thiết bị quân sự mà nước này đã triển khai đến các vị trí xung quanh biên giới Kosovo trong 5 ngày qua. Tuy nhiên, quân đội Serbia vẫn duy trì một lực lượng đáng kể tại khu vực.
Theo The Guardian, việc rút quân diễn ra sau khi Nhà Trắng công khai bày tỏ quan ngại về căng thẳng gia tăng giữa Serbia và Kosovo, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken điện đàm với ông Vucic và NATO bổ sung lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kosovo (Kfor) với hàng trăm binh sĩ Anh.
Trong cuộc điện đàm với tổng thống Serbia, ông Blinken kêu gọi “giảm leo thang ngay lập tức” và quay trở lại thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Belgrade với Kosovo.
Theo ông Vucic, ngoại trưởng Mỹ đã cảnh báo rằng Washington có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt với Serbia nếu ông không lắng nghe lời kêu gọi của Mỹ. “Tôi đã nói các vị là một siêu cường và các vị có thể làm hoặc nói những gì các vị muốn, nhưng tôi cực lực phản đối điều đó. Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ rất tồi tệ”, hãng thông tấn Tanjug dẫn lời nhà lãnh đạo Serbia.
Vào tối 30.9, Đại sứ Đức tại Mỹ Andreas Michaelis đã mô tả tình hình ở Kosovo lúc này là “một thùng thuốc súng khác ở châu Âu” và là mối nguy cần được xem xét nghiêm túc. Ông cho biết Đức và Mỹ đã “hợp tác chặt chẽ” trong những ngày qua” và “Serbia cần phải hành động ngay bây giờ”.
Lời cảnh báo của Mỹ được đưa ra sau một tuần căng thẳng dâng cao, bắt đầu bằng cuộc phục kích của các lực lượng bán quân sự người Serb nhằm vào cảnh sát tuần tra của Kosovo, khiến một sĩ quan cảnh sát thiệt mạng. Ba tay súng người Serb cũng thiệt mạng trong sự kiện đó.
Nhóm vũ trang được dẫn dắt bởi ông Milan Radoicic, phó lãnh đạo của Serb List, một đảng được Belgrade hậu thuẫn đại diện cho cộng đồng người Serb chiếm thiểu số ở miền bắc Kosovo. Thông qua luật sư, ông Radoicic cho biết ông chịu trách nhiệm về vụ đấu súng với cảnh sát Kosovo, nhưng không giải thích nguồn gốc của loại vũ khí hiện đại mà các lực lượng bán quân sự Serb mang theo.
Chính quyền Kosovo đã tung ra một tài liệu có nội dung cho thấy súng phóng lựu mà nhóm mang theo đã được quân đội Serbia trao cho họ. Các quan chức ở Pristina bày tỏ lo ngại rằng vụ đấu súng hôm 24.9 nhằm mục đích tạo cớ để quân đội Serbia can thiệp vào miền bắc Kosovo.
Vụ đấu súng đã làm dấy lên những quan ngại mới của cộng đồng quốc tế về sự ổn định ở Kosovo, vùng lãnh thổ có đa số cư dân là người gốc Albania. Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008 sau phong trào nổi dậy của lực lượng ly khai cũng như sự can thiệp của NATO năm 1999.