Thông tin trên được ông Nguyễn Phú Tiến, Phó cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia (Bộ TT-TT), cho biết tại hội thảo “Thúc đẩy CĐS khu vực trung du, miền núi phía bắc” do Báo Tiền Phong phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) và UBND tỉnh Yên Bái tổ chức ngày 9.6.
Ông Nguyễn Phú Tiến cho biết, CĐS tại Việt Nam khởi động từ năm 2020, tập trung 3 trụ cột là: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Theo định hướng năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số.
Trong chương trình CĐS quốc gia, có 8 lĩnh vực ưu tiên, đều lấy người dân làm trung tâm. Trong CĐS không tỉnh nào giống nhau, tùy theo điều kiện, đặc thù, lợi thế mà các địa phương có các ưu tiên khác nhau.
“Các tỉnh trung du và miền núi phía bắc có danh lam thắng cảnh, nông sản, văn hóa riêng, khu vực này nên bắt đầu chuyển đổi số từ những ưu thế đó và chú trọng du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh, du lịch trải nghiệm…”, ông Tiến chia sẻ.
Theo ông Tiến, cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương phải phát triển hạ tầng kỹ thuật, kết nối đường truyền, phủ sóng viễn thông để người dân có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Thời gian qua, Bộ TT-TT đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc rà soát, cung cấp bổ sung các thôn, bản còn lõm sóng. Báo cáo của 40/63 địa phương cho thấy, trong năm 2023, trên cả nước phát sinh thêm một số thôn, bản chưa có sóng di động. Trong đó, nhiều nơi thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, phần lớn chưa có điện lưới.
Trong đầu tuần tới, Bộ TT-TT sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến với 63 địa phương về nội dung này. “Bộ TT-TT đang thúc đẩy để không còn vùng lõm sóng viễn thông, khoảng hơn 200 điểm, đa phần vùng đó không có điện. Chúng tôi kết hợp với các ngành khác như ngành điện để xoá vùng lõm sóng; đồng thời cũng đề xuất quỹ dịch vụ viễn thông công ích đầu tư vào đó”, Phó cục trưởng phụ trách Cục CĐS quốc gia, nói.
Liên quan đến đầu tư hạ tầng kỹ thuật ở các vùng lõm sóng ở địa bàn miền núi khó khăn, ông Trần Mạnh Hà, Phó giám đốc VNPT IT khu vực 1, cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ TT-TT, VNPT và các doanh nghiệp viễn thông khác triển khai việc phủ sóng ở vùng nông thôn, vùng khó khăn. Năm 2021 – 2022, Bộ TT-TT đã phủ sóng hơn 200 thôn bản…
Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo Tiền Phong, cho biết Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là một trong những lực lượng đi đầu trong thực hiện CĐS. Năm 2023, T.Ư Đoàn cũng lựa chọn chủ đề Tháng Thanh niên là “Tuổi trẻ tiên phong CĐS. Là cơ quan ngôn luận của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Báo Tiền Phong rất nỗ lực truyền thông cho nhiệm vụ này.
Theo ông Sơn, CĐS đã bước đầu len lỏi vào từng bản làng, thôn xóm, góp phần nâng cao đời sống của người dân, thu hẹp khoảng cách giữa vùng núi với đồng bằng. “Qua hội thảo, chúng tôi mong muốn góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của CĐS, tạo ra diễn đàn trao đổi, chia sẻ những mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong CĐS của khu vực; đồng thời làm cầu nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ giải pháp CĐS với chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương. Từ đó thúc đẩy hoạt động CĐS trong khu vực”, ông Sơn chia sẻ.