Sáng 21/6, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023.
Tại họp báo, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến 15/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
“Tín dụng vẫn còn tăng chậm và hạn chế. Ngân hàng Nhà nước cũng rất muốn tăng tín dụng, nhưng không phải bằng cách hạ chuẩn cấp tín dụng, bơm tín dụng ra vô tội vạ, bất chấp tín dụng đó có lành mạnh không mà phải đảm bảo hiệu quả, chất lượng”, Phó Thống đốc cho hay.
Ngân hàng Nhà nước cũng xác định, việc tăng tín dụng là nhiệm vụ quan trọng phải triển khai quyết liệt trong thời gian tới. Về nguyên nhân khiến tín dụng chỉ tăng 3,36%, khá thấp từ đầu năm, ông Tú cho rằng có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt là nguyên nhân đến từ cầu tín dụng thấp của nền kinh tế.
“Thanh khoản của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại nhà nước, tư nhân vẫn đang dồi dào, thanh khoản của nền kinh tế, khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế không thiếu và đang rất sẵn sàng”, Phó Thống đốc khẳng định.
Với định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm nay khoảng 14-15%, từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng là 11%. Nhưng đến nay, dư nợ cả nước mới đạt 3,36%, tức hạn mức để các ngân hàng cho vay tiếp không hề thiếu.
Tuy nhiên, do doanh nghiệp hiện nay khá khó khăn, dòng tiền đứt đoạn, hàng tồn kho nhiều, thậm chí một số doanh nghiệp phải giảm bớt người lao động. Trong khi đó, giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hoá tăng. Sức mua cũng suy yếu dẫn tới nhu cầu vay vốn thấp.
Các nguyên nhân khác còn do doanh nghiệp chưa đáp ứng được các thủ tục pháp lý, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có nhiều nhu cầu tín dụng, quỹ bảo lãnh các khoản nợ cho doanh nghiệp này không hoạt động nhiều. Tuy có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng họ còn hạn chế về mặt tài chính, năng lực quản trị.
Trong thời gian tới, ông Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng. Tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Ngoài ra, tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Phó Thống đốc tiết lộ, một vài ngày tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ làm việc với ngân hàng thương mại. “Lãi suất điều hành đã giảm thì các ngân hàng thương mại phải chia sẻ bằng việc cắt giảm nguồn lợi nhuận và chi phí điều hành để giảm lãi suất cho vay”, ông Tú nói.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của các cấp.