Ảnh hưởng của bão Yagi và lũ lụt tại các tỉnh miền Trung khiến giá lương thực, thực phẩm tăng là nhân tố khiến Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 và 10 tháng tăng. Nhưng theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% sẽ đạt được.
Ảnh hưởng của bão Yagi và lũ lụt tại các tỉnh miền Trung khiến giá lương thực, thực phẩm tăng là nhân tố khiến Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 và 10 tháng tăng. Nhưng theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% sẽ đạt được.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) |
Mặt hàng lương thực và thực phẩm chiếm quyền số cao trong rổ hàng hóa tính CPI. Thưa bà, 2 nhóm hàng này tăng giá khá mạnh do ảnh hưởng của bão Yagi và lũ lụt ở các tỉnh miền Trung tác động thế nào đến CPI?
Giá lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng do ảnh hưởng bởi mưa bão là một trong những nguyên nhân chính làm CPI tháng 10/2024 tăng 0,33% so với tháng trước đó, tăng 2,52% so với tháng 12/2023 và tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bình quân 10 tháng năm 2024, CPI mới tăng 3,78%, nên khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4,5% hoàn toàn đạt được.
Cụ thể, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 10/2024 tăng 0,55% (so với tháng 9/2024), tác động làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm. Trong đó, nhóm lương thực tăng 0,77%, tác động tăng 0,03 điểm phần trăm; nhóm thực phẩm tăng 0,66%, tác động tăng 0,14 điểm phần trăm. Còn so với cùng kỳ năm 2023, CPI tháng 10/2024 tăng 2,89%, trong đó, riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,45%, làm CPI chung tăng 1,49 điểm phần trăm. Nhưng ở chiều ngược lại, riêng việc giá xăng dầu giảm 13,54% đã kéo lạm phát giảm 0,14 điểm phần trăm.
Ngày 10/11/2024, giá bán lẻ điện bình quân tăng 4,8% (chưa tính thuế giá trị gia tăng), nhưng theo tính toán của Tổng cục Thống kê, giá điện tăng thêm 4,8% chỉ làm CPI tăng 0,04 điểm phần trăm trong cả quý IV năm nay, nên không gây sức ép lên lạm phát.
Nhiều tỉnh miền Trung đang oằn mình chống lũ lụt, đe dọa giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Thưa bà, với diễn biến bất lợi này, xu hướng lạm phát sẽ ra sao?
Ngược với năm 2023, CPI trong 5 tháng đầu năm 2024 (so với cùng kỳ) có xu hướng tăng cao dần và lên đến 4,44%. Đây là thời gian chưa diễn ra bão lũ, thời tiết rất thuận lợi. Nhưng bắt đầu vào mùa mưa bão, từ tháng 6/2024 đến nay, lạm phát có xu hướng giảm dần, từ mức tăng 4,34% của tháng 6/2024, xuống còn tăng 2,89% vào tháng 10/2024, nên 10 tháng năm nay, CPI mới tăng 3,78%.
Tôi cho rằng, xu hướng lạm phát giảm kể từ tháng 6 đến nay vẫn tiếp tục trong 2 tháng cuối năm, vì thế, khả năng kiểm soát lạm phát năm nay dưới 4,5% như Quốc hội đặt ra là khá cao, cho dù nhiều khu vực ở miền Trung đang chịu lũ lụt.
Từ yếu tố nào bà tự tin cho rằng, lạm phát năm nay sẽ dưới 4,5%?
Theo tính toán của chúng tôi, nếu năm nay, lạm phát chạm ngưỡng 4,5%, thì CPI quý IV phải tăng 6,4%. Điều này rất khó xảy ra, vì năm học 2024 – 2025 đã khai giảng, mức học phí đã được các địa phương ấn định cho cả năm học, nên không điều chỉnh. Điện cũng đã tăng giá và theo quy định, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 3 tháng, nên từ nay đến cuối năm, giá điện chắc chắn không tăng. Giá mặt hàng lương thực của Việt Nam tăng thực ra là tăng theo giá thế giới, vì Việt Nam là cường quốc xuất khẩu gạo, nhưng Ấn Độ – cũng là cường quốc xuất khẩu gạo – vừa ra quyết định nới lỏng các quy định xuất khẩu gạo sau khi thực hiện các biện pháp hạn chế từ giữa năm 2024, nên giá mặt hàng lương thực trên thế giới sẽ không còn căng thẳng.
Lạm phát trên thế giới, đặc biệt tại các trung tâm kinh tế, đã hạ nhiệt và đang tiến về sát mức lạm phát mục tiêu (2%/năm), nên Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã liên tục cắt giảm lãi suất. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới cắt giảm 50 điểm lãi suất điều hành và nhiều khả năng sẽ tiếp tục cắt giảm 25-50 điểm nữa ngay trong tháng này, khiến áp lực tỷ giá VND so với các loại ngoại tệ mạnh, nhất là USD và euro giảm.
Lạm phát thế giới hạ nhiệt giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, vì tỷ trọng nhóm hàng máy móc – thiết bị, dụng cụ – phụ tùng chiếm 47,3% tổng kim ngạch nhập khẩu; hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 46,4%. Khi máy móc, thiết bị, phụ tùng, nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu không tăng góp phần rất lớn giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản xuất, qua đó giảm giá bán sản phẩm.
Cử tri Mỹ đã tìm được người lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ 4 năm tới. Theo bà, điều này tác động thế nào đến kiểm soát lạm phát của Việt Nam?
Nhiệm kỳ cầm quyền lần trước của Donald Trump cho thấy, ông rất cứng rắn với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhiệm kỳ này, ông ấy tuyên bố tiếp tục chính sách này. Khi hàng Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ do rào cản thuế quan, thì sẽ được đẩy sang thị trường khác, trong đó, Việt Nam là thị trường lớn của hàng hóa Trung Quốc.
Trong 10 tháng năm 2024, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 117,7 tỷ USD, tăng 31,6%; xuất khẩu sang “thị trường tỷ dân” 50,8 tỷ USD, tăng hơn 2%.
Nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, máy móc, thiết bị, chi tiết, phụ tùng từ Trung Quốc với giá rẻ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát. Nhưng doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chịu sức ép cạnh tranh tăng lên với hàng giá rẻ từ Trung Quốc. Ngoài ra, cần phải kiểm soát tình trạng “đầu tư núp bóng”, doanh nghiệp nước ngoài thành lập tại Việt Nam, nhập hàng Trung Quốc sau đó thay đổi nhãn mác xuất xứ để xuất khẩu vào Mỹ như đã từng diễn ra.
Nói chung, khi Mỹ có Chính phủ mới sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, thương mại và kiểm soát lạm phát của Việt Nam, cả thuận lợi và không thuận lợi.
Việc kiểm soát hiệu quả không thể phủ nhận có sự đóng góp rất lớn của các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, thưa bà?
Đúng vậy. Năm nay, theo ước tính của Bộ Tài chính, số tiền miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất và 36 khoản phí, lệ phí vào khoảng 200.000 tỷ đồng. Số tiền này không chỉ hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, mà còn gián tiếp góp phần kiểm soát lạm phát vì doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, giảm được áp lực tài chính. Đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu giảm 50%, lệ phí trước bạ cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cũng giảm.
Chính vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá, để xem xét việc kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất… hỗ trợ tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Việc tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tài chính này góp phần rất lớn trong việc kiểm soát lạm phát trong năm tới vì giảm áp lực lên lạm phát kỳ vọng.
Tuy nhiên, áp lực lên lạm phát cũng không hề nhỏ bởi đầu tư công những tháng cuối năm nay và năm 2025 rất lớn để hoàn thành Kế hoạch Đầu tư công trung hạn. Khi đầu tư công tăng kéo theo đầu tư của khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài tăng. Khi đó, nếu không bảm đảm đủ vật liệu xây dựng và các loại thiết bị đi kèm sẽ khiến giá cả nhóm mặt hàng này tăng lên, tạo hiệu ứng tăng giá nhiều loại hàng hóa khác. Kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng tăng. Đây là áp lực rất lớn đối với kiểm soát lạm phát năm tới và những năm tiếp theo, nếu không đủ điện.
Nguồn: https://baodautu.vn/se-dat-muc-tieu-giu-lam-phat-duoi-45-d229440.html