Hôm nay (11.2) đánh dấu hơn 1 tháng Sunnie Nguyễn (17 tuổi, quê Quảng Bình) mất tích bí ẩn tại Úc sau bữa ăn tối tại nhà gia đình giám hộ người bản xứ. Em là du học sinh Việt thứ 5 mất tích từ tháng 12.2023. Các em đều học ở Trường trung học Hamilton (TP.Adelaide, bang Nam Úc), mỗi em mất tích vào một thời điểm khác nhau và cảnh sát nhận định không có mối liên hệ nào giữa các trường hợp mất tích.
Sau khi xem xét quê quán của các du học sinh mất tích, Sở Giáo dục Nam Úc mới đây quyết định tạm dừng nhận học sinh Việt Nam đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình muốn theo học chương trình giáo dục quốc tế. Động thái này tuân thủ đạo luật Dịch vụ giáo dục dành cho sinh viên quốc tế (ESOS 2000) nhằm bảo vệ tính trung thực của hệ thống thị thực nước này, theo người phát ngôn Sở Giáo dục Nam Úc.
Quyết định của Sở Giáo dục Nam Úc lập tức gây xôn xao dư luận. Không ít bạn đọc băn khoăn, liệu quyết định này có mở rộng sang các địa phương khác, hay tác động đến quá trình nộp đơn xin du học Nam Úc của học sinh Việt Nam nói chung?
Trả lời Báo Thanh Niên ngày 7.2, người phát ngôn Sở Giáo dục Nam Úc khẳng định ngoài 3 tỉnh kể trên, cơ quan này hiện không xem xét đưa địa phương nào khác vào diện tạm dừng nhập học. Đến ngày 8.2, Sở Giáo dục Nam Úc thông tin thêm rằng đã gửi hướng dẫn tuyển sinh năm 2024 đến 29 công ty tư vấn du học là đại diện tuyển sinh của bang này tại Việt Nam.
Thạc sĩ Lù Thị Hồng Nhâm, Giám đốc Công ty tư vấn du học và dịch thuật Đức Anh, xác nhận với Báo Thanh Niên ngày 11.2 rằng đã nhận được thông báo từ Sở Giáo dục Nam Úc. Thông báo đề cập đến việc tuyển sinh tại 9 tỉnh, thành là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Đồng Nai.
Cụ thể, Sở Giáo dục Nam Úc sẽ dừng nhận hồ sơ của các học sinh từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến khi có thông báo mới. Cơ quan này cũng dừng việc nhận học sinh từ Quảng Bình, tuy nhiên sẽ xem xét lại quyết định này vào tháng 3.2024.
Với học sinh từ 6 tỉnh, thành còn lại, Sở Giáo dục Nam Úc lần đầu yêu cầu các em bổ sung bài luận thể hiện mục đích học tập (Statement of Purpose) trong hồ sơ xin học, thay vì chỉ cần đáp ứng mức điểm trung bình (GPA) nhất định như học sinh các tỉnh khác. Song, với các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng và Đồng Nai, quyết định này sẽ được Sở Giáo dục Nam Úc xem xét lại vào tháng 8.2024.
“Từ trước đến nay, học sinh, sinh viên từ các địa phương trên luôn nằm trong diện rủi ro cao và được yêu cầu giải trình rõ ràng mục đích xin học. Song, từ sau vụ một số du học sinh Việt mất tích, Sở Giáo dục Nam Úc quyết định mạnh tay hơn bằng cách tạm dừng tuyển sinh hoặc yêu cầu thêm bài luận. Đây là hình thức phòng ngừa trước mắt, và sẽ kéo dài đến khi bang này điều tra, nghiên cứu kỹ hơn để tìm ra biện pháp giải quyết phù hợp”, thạc sĩ Nhâm lý giải.
“Lệnh cấm du học sinh Việt từ 3 tỉnh sẽ không kéo dài vĩnh viễn. Mặt khác, với các trường hợp phải nộp thêm bài luận, hồ sơ xin học của các em chắc chắn cũng sẽ bị Sở Giáo dục Nam Úc sàng lọc kỹ hơn”, bà Nhâm nhấn mạnh.
Trong bối cảnh trên, làm sao để du học sinh Việt, nhất là những em đến từ các địa phương rủi ro cao có thể ứng tuyển thành công vào trường phổ thông công lập tại Nam Úc? Theo thạc sĩ Nhâm, từ khóa quan trọng nhất chính là sự trung thực.
“Các em không cần có bất cứ kỹ thuật gì mà hãy trung thực, ‘có sao nói vậy’ khi trả lời các câu hỏi trong hồ sơ xin học, nhất là các vấn đề như tiểu sử di trú của gia đình và bản thân, năng lực tài chính, mục đích và kế hoạch học tập… Sở Giáo dục Nam Úc sẽ dựa trên các thông tin được khai báo để xét duyệt và quyết định nhận hay không.
Học sinh cần công bằng với bản thân và có lòng tự trọng. Nếu đủ điều kiện thì xin học, không thì chờ cơ hội khác. Đừng nên lạm dụng thị thực du học để sang Úc rồi trốn lại hay bỏ học, khiến bản thân phạm pháp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các du học sinh chân chính”, bà Nhâm khuyên.
Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin mới nhất liên quan vụ một số du học sinh Việt mất tích ở Úc.
Chương trình giáo dục quốc tế là gì?
Ở bậc phổ thông, chương trình giáo dục quốc tế là chương trình phổ thông dành cho sinh viên quốc tế đến học tại các trường công lập Úc. Các trường công lập muốn nhận du học sinh sẽ cần đáp ứng loạt tiêu chuẩn khắt khe của bang Nam Úc nói riêng, Bộ giáo dục Úc nói chung về chuẩn chất lượng giáo dục, cơ sở dạy tiếng Anh cho các em cần học thêm trước khi vào học phổ thông và nhất là các dịch vụ như bảo trợ học sinh dưới 18 tuổi, nhà ở, đưa đón học sinh và các chăm sóc khác bao gồm việc quản lý.
Chương trình giáo dục quốc tế bang Nam Úc được triển khai từ năm 1989, đến nay đã tiếp nhận hàng ngàn du học sinh đến học tập, trong đó người Việt là một trong những nhóm đông nhất. Tốt nghiệp phổ thông tại đây, các em có thể chuyển lên học CĐ, ĐH ngay trong bang Nam Úc hoặc các bang, nước khác.
Theo người phát ngôn Sở Giáo dục Nam Úc, mỗi năm có hàng trăm học sinh từ Việt Nam đến TP.Adelaide, thủ phủ bang Nam Úc, để học tập. Các em được cộng đồng gia đình giám hộ bản xứ chăm sóc và cũng được đội ngũ nhân viên tại trường hướng dẫn tận tâm. Riêng năm 2023, khoảng 430 du học sinh Việt theo học tại các trường công lập của Nam Úc thông qua chương trình giáo dục quốc tế.
Toàn cảnh vụ du học sinh Việt mất tích
Tháng 6.2023: Sunnie Nguyễn đến Úc học tại Trường trung học Hamilton. Em cư trú ở nhà gia đình bản xứ tại khu South Plympton, vùng ngoại ô TP.Adelaide cùng 2 sinh viên quốc tế, với công việc thường ngày là đến trường, về nhà ăn tối, quay video với bạn cùng nhà và thỉnh thoảng đi làm thêm ở một thẩm mỹ viện chuyên làm nail cách trường 15 km.
Ngày 8.1.2024: Sau khi ăn tối cùng gia đình bản xứ vào khoảng 19 giờ, Sunnie về phòng nghỉ ngơi. Đến khi chủ nhà kiểm tra phòng lúc 23 giờ, em đã biến mất cùng ba lô, laptop, một ít quần áo và vài giấy tờ tùy thân quan trọng. Chủ nhà sau đó cố liên lạc với Sunnie, nhưng điện thoại của em tắt nguồn và các tài khoản mạng xã hội cũng bị xóa sạch. 30 phút sau, chủ nhà trình báo cảnh sát về việc nữ sinh mất tích.
Ngày 11.1: Cảnh sát Nam Úc tiết lộ Sunnie là du học sinh Việt thứ 5 mất tích bí ẩn, trong đó có em đã mất tích hơn 2 tháng. Cảnh sát đồng thời tuyên bố 5 vụ mất tích (trong đó đã định vị được một) không liên quan đến nhau. Cùng ngày, bạn thân Sunnie cũng dọn đến nhà em và người này được cho là không hề biết gì về sự mất tích bí ẩn của nữ sinh.
Ngày 18.1: Sở Giáo dục Nam Úc nói với Báo Thanh Niên rằng các du học sinh Việt đã rời khỏi nhà gia đình người bản xứ mà không có sự cho phép, và cơ quan giáo dục Úc cũng đã liên lạc được với người nhà của các em. Các em cũng không gặp nguy hiểm gì đến thời điểm hiện tại.
Ngày 29.1: Cảnh sát Nam Úc tin rằng các du học sinh Việt mất tích đang “chủ động lẩn trốn chính quyền”.
Ngày 11.2: Sở Giáo dục Nam Úc và công ty tư vấn du học là đại diện tuyển sinh của bang này tại Việt Nam thông tin với Báo Thanh Niên rằng Nam Úc thắt chặt tuyển sinh với 9 địa phương, gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Đồng Nai bằng hình thức tạm dừng nhận hồ sơ hoặc yêu cầu thêm bài luận.