Sức mua yếu
Theo quan sát của chúng tôi, những ngày qua hàng hóa trên thị trường Quảng Nam phong phú chủng loại, đa dạng mẫu mã. Các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, trái cây, hải sản, dầu ăn… rất dồi dào ở các siêu thị, chợ truyền thống, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi. Tuy vậy sức mua của người tiêu dùng yếu.
Trao đổi với chúng tôi ở siêu thị Go Tam Kỳ vào sáng ngày 4/2, chị Trịnh Thị Minh Ái (phường Tân Thạnh, Tam Kỳ) nói: “Hàng hóa chúng tôi mua từ trước tết vẫn còn. Thỉnh thoảng chúng tôi mua thêm nước uống, bánh mì để dùng ngay”.
Chợ Tam Kỳ những ngày này còn im vắng. Nhiều tiểu thương chưa mở cửa, nhất là các hộ kinh doanh quần áo, thời trang, mỹ phẩm. Các quầy hàng bán thịt bò, thịt heo ở chợ Tam Kỳ mở cửa từ mùng Hai tết nhưng ít người mua.
Bà Quỳnh Trang - tiểu thương bán hàng thịt heo ở chợ Tam Kỳ cho biết: “Thịt heo, thịt bò được người dân dự trữ trước tết nhiều. Chúng tôi bán thịt tươi để phục vụ cho người tiêu dùng muốn sử dụng hàng thực phẩm mới”.
Hầu hết chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh vắng lặng vào những ngày này. Xu hướng mua sắm trực tuyến ngày một rõ rệt hơn là nguyên nhân khiến cho sức mua ở chợ giảm dần. Một tiểu thương ở chợ Hội An cho biết: Trước tết hàng hóa đã bán chậm hơn so với cùng thời điểm năm trước. Sau tết càng lo lắng hàng hóa ế ẩm.
Giữ ổn định thị trường
Theo bà Đỗ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), từ mùng Hai tết, một số doanh nghiệp phân phối và các hộ kinh doanh cá thể đã bắt đầu mở cửa khai xuân bán hàng trở lại với nguồn cung khá dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân.
Do sức mua của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh không lớn nên giá các mặt hàng đã giảm so với những ngày cận tết. Thị trường tương đối ổn định, không có hiện tượng mất cân đối cung cầu gây tăng giá bất thường.
Ông Lê Vũ Thương - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, nhờ thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nên hàng Việt chiếm ưu thế trên thị trường, nhất là các mặt hàng thực phẩm, may mặc, đồ uống được người dân tin dùng.
Tuy vậy, giá cả nhiều loại mặt hàng thiết yếu trên thị trường vẫn còn biến động. Kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, phục hồi chậm do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh… nên ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, nhất là người dân thắt chặt chi tiêu, sức mua trước, trong, sau tết không mạnh như kỳ vọng.
Qua thanh tra, kiểm tra, các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm tại các huyện trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, vi phạm về xác nhận kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo quản thực phẩm không đúng quy định, không niêm yết giá hàng hóa không rõ ràng. Sở tiếp tục kiểm tra, xử lý để đưa sản xuất, kinh doanh hàng hóa vào nền nếp.
Theo ông Lương Viết Tịnh - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam, trước, trong và sau tết, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương kiểm tra, giám sát để ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng nhái. Lực lượng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, các thủ đoạn gian lận đo lường, đóng gói nhằm thu lợi bất chính.
“Chúng tôi tiếp tục đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu cũng như sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc để ổn định thị trường, bảo vệ người tiêu dùng” - ông Tịnh nói.
Theo Sở Công Thương, thời gian qua, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường cùng với doanh nghiệp cung ứng, các hệ thống phân phối đã triển khai nhiều chương trình khuyến mại, tập trung các mặt hàng tết như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, giày dép, quần áo... Việc đưa hàng tết đến tay người tiêu dùng cũng luôn được ngành chức năng, các doanh nghiệp quan tâm triển khai; các điểm bán hàng tết, phiên chợ tết kết hợp với các chương trình đưa hàng Việt về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các xã đảo, biên giới giúp người dân tiếp cận mua sắm đủ đầy hàng hóa thiết yếu.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/sau-tet-hang-hoa-cho-nguoi-mua-3148581.html
Bình luận (0)