Ngày 24.5, thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, đơn vị đã nhận được văn bản thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về kết quả xét duyệt hồ sơ khắc phục của các mã số vùng trồng, cơ sở sầu riêng không đạt trong lần kiểm tra trực tuyến tháng 1.
Theo đó, Việt Nam đã có thêm 47/51 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói đạt yêu cầu và được GACC cấp mã số xuất khẩu vào Trung Quốc. Ngoài ra, 4 hồ sơ vùng trồng chưa đạt yêu cầu là do chưa có đầy đủ thông tin, hình ảnh không rõ nét nên phía GACC không đánh giá được sự cải thiện, cải tiến.
Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, cập nhật đến nay, Việt Nam đã có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này. Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật đang làm việc với GACC để thống nhất lịch kiểm tra trực tuyến đợt tiếp theo cho khoảng 400 vùng trồng và 60 cơ sở đóng gói sầu riêng đã gửi hồ sơ cho phía Trung Quốc.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), sầu riêng là trái cây xuất khẩu tăng trưởng cao nhất trong nhóm ngành hàng rau quả trong 3 tháng đầu năm. Cụ thể, giá trị xuất khẩu sầu riêng trong quý 1 đạt 153 triệu USD, tăng 8,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sầu riêng xuất khẩu Trung Quốc chiếm 83%.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng có thêm nhiều mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt là tin vui đối với các nhà vườn, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng sản lượng, giá trị xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc trong những tháng còn lại của năm nay, khi nhu cầu tiêu thụ từ thị trường này rất lớn.
Nâng chất lượng sầu riêng để cạnh tranh với Thái Lan
Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, ở thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm và thời gian vận chuyển đến Trung Quốc nhanh hơn so với Thái Lan. Nhưng ngành sầu riêng Thái Lan phát triển trước Việt Nam hàng chục năm nay. Họ rất mạnh về công nghệ bảo quản, chất lượng sản phẩm, nhiều giống tốt và mới đây tiếp tục nâng tiêu chuẩn chất lượng của sầu riêng xuất khẩu.
Cụ thể, sầu riêng Thái Lan xuất khẩu vào Trung Quốc phải có chất khô tối thiểu đạt 35%, cao hơn so với trước đây là 32%. Theo tiêu chuẩn này, quả sầu riêng sẽ ít nước hơn, múi chắc và ngon hơn. Động thái này của Thái Lan được cho là yếu tố để cạnh tranh trực tiếp với sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, Thái Lan cũng áp dụng quy định xử phạt cả người cắt sầu riêng xuất khẩu nếu như cố tình cắt lẫn cả trái còn non, chưa đủ độ già, bởi sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu quốc gia của loại trái cây này.
“Ngành sầu riêng Thái Lan đi trước Việt Nam hàng chục năm, họ có giống tốt, sản phẩm đã có thương hiệu. Để cạnh tranh được với họ ở thị trường Trung Quốc thì chúng ta phải tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng, mẫu mã cũng như xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng”, ông Nguyên nói.
Theo thống kê của GACC, trong năm 2022, Trung Quốc chi ra khoảng 4 tỉ USD để nhập khẩu sầu riêng. Trong đó, Thái Lan là nhà cung cấp lớn nhất với 3,85 tỉ USD, chiếm khoảng 96% kim ngạch nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc. Nhưng từ tháng 7.2022, sầu riêng Việt Nam bắt đầu được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc thì sản lượng đã gia tăng nhanh chóng. Gần đây nhất, trong tháng 1, Trung Quốc đã cấp phép cho Philippines xuất khẩu sầu riêng vào nước này.