Sâu sắc, trầm lắng, quyết liệt
Là người từng được làm việc trực tiếp với cố GS Trần Hồng Quân khi còn là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, GS Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết ông thực sự kính nể thủ trưởng cũ của mình trên nhiều phương diện.
Theo GS Nhung, GS Trần Hồng Quân dường như là một con người được sinh ra để tham gia vào công cuộc xây dựng – đổi mới đất nước. “Nhiệm vụ” cụ thể mà lịch sử trao cho ông là chịu trách nhiệm triển khai hàng loạt chính sách đổi mới nền giáo dục ĐH, khi ông là Bộ trưởng Bộ ĐH – Trung học chuyên nghiệp, sau đó là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đầu tiên.
GS Trần Hồng Quân chính là người đi tiếp trên con đường mà chính cha mình cùng bao đồng chí là các nhà cách mạng tiền bối đã mở ra trước đó. “GS Trần Hồng Quân là con út của liệt sĩ Trần Văn Bảy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Rạch Giá, Cần Thơ, Vĩnh Long, nguyên Ủy viên Thường vụ Liên tỉnh ủy Hậu Giang. Cụ bị giặc bắt năm 1940, khi đang chuẩn bị cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và mất một năm sau đó tại nhà tù Côn Đảo.
GS Trần Hồng Quân khi đó thực sự là một “hạt giống đỏ”, được Đảng và Nhà nước chăm lo, bồi dưỡng, được đào tạo bài bản (học ĐH ở ĐH Bách khoa Hà Nội, làm tiến sĩ ở Hungary) để sau này trở thành một cán bộ quản lý giáo dục”, GS Nhung chia sẻ.
GS Nhung bắt đầu làm việc trực tiếp với GS Trần Hồng Quân với tư cách cán bộ dưới quyền từ năm 1993. Trước đó, GS Nhung là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (một trong 3 trường ĐH hình thành ĐH Quốc gia Hà Nội). Khi là Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, GS Nhung được tháp tùng Bộ trưởng Trần Hồng Quân và các lãnh đạo Bộ GD-ĐT đi học hỏi kinh nghiệm phát triển giáo dục ĐH nhiều nước như Thái Lan, Úc…
“Đó là một người luôn đau đáu nghĩ cách giải quyết các bài toán khó của nền giáo dục nước nhà, kể cả sau này khi thôi vai trò bộ trưởng. Quan điểm của anh Quân rất hay ở chỗ là không chỉ học hỏi các nước để phát triển giáo dục Việt Nam mà còn nhìn vào các bài học của giáo dục nước nhà để phát huy hoặc rút kinh nghiệm.
Với những hiểu biết của tôi về con người anh trong công việc, tôi thấy có thể nói ngắn gọn thế này: sâu sắc, trầm lắng, bên ngoài thì trông hiền hậu, hòa nhã, nhưng lại rất quyết liệt với vai trò là một người lãnh đạo”, GS Nhung nói.
Bộ trưởng đầu tiên cho bầu hiệu trưởng trường ĐH
Theo GS Nhung, thực hiện chủ trương mở cửa của Đảng, Nhà nước, từ khi ghé vai gánh vác vai trò người đứng đầu quản lý nhà nước về giáo dục ĐH, sau này là cả hệ thống GD-ĐT, GS Trần Hồng Quân đã cho triển khai một loạt chính sách cải cách, đổi mới nền giáo dục ĐH.
Mùa hè năm 1987, Bộ ĐH – Trung học chuyên nghiệp triệu tập các hiệu trưởng và bí thư đảng ủy các trường ĐH về dự một hội nghị ở Nha Trang. Hội nghị đã thảo luận kế hoạch cải cách bao gồm 4 tiền đề đào tạo: đào tạo không chỉ cho các cơ quan nhà nước mà còn cho cả các thành phần kinh tế; đào tạo theo dự báo về yêu cầu nhân lực trong tương lai; đào tạo phục vụ nhu cầu học tập của người dân, không kèm trách nhiệm phân công, sinh viên tự tìm việc làm; đào tạo đa dạng, có cả những loại hình đào tạo phi chính quy, không chỉ bằng ngân sách nhà nước mà còn thu học phí.
Một trong những mục tiêu quan trọng của việc đổi mới giáo dục ĐH tại Việt Nam thời gian này là tăng cường khả năng cung ứng của các cơ sở giáo dục, mở rộng tối đa cơ hội tiếp cận cho người học. Đó là thời kỳ mà quy mô tuyển sinh – đào tạo ĐH tăng mạnh (nếu cứ tiếp tục tuyển sinh – đào tạo theo cách như trước đó thì nhiều trường ĐH đứng trước nguy cơ bị đóng cửa vì quá ít người học).
“Nhưng theo tôi, cái đổi mới đáng được nhắc đến nhất mà anh Trần Hồng Quân đã làm được là cho bầu hiệu trưởng các trường ĐH do Bộ GD-ĐT quản lý: Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường ĐH Kinh tế quốc dân…”, GS Nhung bình luận.
GS Nhung cũng cho biết, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội là đơn vị đầu tiên được giao thí điểm thực hiện phương thức “phổ thông đầu phiếu”, bầu hiệu trưởng vào năm 1988. Lần tranh cử lịch sử đó, GS Đào Trọng Thi và cố GS Nguyễn An lọt vào vòng 2 và cố GS Nguyễn An đã trúng cử Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp nhiệm kỳ 1988 – 1992. Tháng 4.1992, trong cuộc bầu hiệu trưởng nhiệm kỳ 1992 – 1996, GS Đào Trọng Thi đã nhận được số phiếu tín nhiệm cao và được bổ nhiệm làm hiệu trưởng.
Một người chồng, người cha tràn đầy yêu thương
GS Nhung cho biết, GS Trần Hồng Quân là một người rất chu toàn với gia đình, đồng nghiệp, bạn hữu, rất chịu khó chơi thể thao và chơi khá giỏi bóng bàn, bóng chuyền. Đặc biệt, GS Trần Hồng Quân là người rất yêu vợ, không ngại ngần thể hiện tình cảm lãng mạn với vợ mình. Ông làm rất nhiều thơ tình để tặng vợ. “Trong một chuyến đi Úc, tôi nhờ người dịch một số bài thơ tặng vợ của GS Trần Hồng Quân và đọc các bài thơ đó cho các bạn quốc tế nghe. Các bạn rất thán phục anh”, GS Nhung chia sẻ.
GS Nhung cũng kể về 2 mẩu chuyện vui vui, thể hiện con người dí dỏm của cố bộ trưởng.
Chuyện thứ nhất là về việc GS Nhung được nhận quyết định bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế do Bộ trưởng Trần Hồng Quân ký ngày 1.4.1993. Sau này, trong một lần được ngồi cạnh bộ trưởng, GS Nhung nói vui: “Một năm có 365 ngày, sao anh lại lấy ngày nói dối để bổ nhiệm em”. Bộ trưởng ngơ ngác hỏi: “Anh bổ nhiệm em đúng ngày đó hả?” GS Nhung đùa: vui: “Là ngẫu nhiên rơi vào ngày đó, hay là có sắp xếp”. Bộ trưởng dí dỏm đáp lời: “Ờ ờ, đó là ngày nói dối, nhưng anh bổ nhiệm em là bổ nhiệm thật”.
Lần khác, GS Nhung ngồi bên phải bộ trưởng, nhân đó kể một chuyện vui, về một người thích nịnh thủ trưởng, có lần người này khi ngồi bên cạnh thủ trưởng thì nói: “Em lúc nào cũng là cánh tay phải của thủ trưởng”. Vị thủ trưởng đó nói: “Rất tiếc, tôi lại thuận tay trái”. Rồi GS Nhung quay sang hỏi bộ trưởng: “Thế còn anh, anh thuận tay nào?”. Bộ trưởng Trần Hồng Quân cười phá lên, rồi trả lời: “Anh ấy à? Anh thuận tay phải”.
GS Nhung cho biết, lần gần đây nhất ông gặp Bộ trưởng Trần Hồng Quân là hồi tháng 4. Lúc đó, GS Nhung có việc vào TP.HCM nên đã đến thăm thủ trưởng cũ. “Anh ấy không được khỏe, nhưng thấy chúng tôi đến thì rất vui, câu trước câu sau lại nói chuyện về giáo dục. Nhưng phong thái anh ấy vẫn thế, từ tốn mà dí dỏm”, GS Nhung kể.