Đằng sau dòng xe nô nức trở lại thành phố học tập, làm việc sau Tết là một khoảng lặng khó tả trước hiên nhà, nơi những người cha, người mẹ vừa tiễn con đi.
Sau những ngày sum vầy bên gia đình ăn Tết, câu hỏi làm nhiều người con đi làm, đi học phương xa xúc động nhất vẫn là: “Chừng nào con đi?”.
Chừng nào con đi?
Câu hỏi đó đã được mẹ của Phương Thảo (26 tuổi, ngụ Bến Tre) hỏi từ đêm mùng 3 Tết. Chị nói nằm kế bên mẹ trong đêm mùng 3 mà ứa nước mắt.
Chị Thảo đang làm tại một công ty truyền thông ở TP.HCM. Mùng 6 Tết công ty khai trương nên sáng mùng 5 chị đã khởi hành trở lại thành phố.
Vậy là trong đêm mẹ ngồi xếp từng bộ quần áo cho con, gom hết bánh tét, trái cây, thịt kho… rồi gói lại gọn gàng, treo sẵn trên xe cho chị Thảo.
“Ngồi soạn quần áo với mẹ mà không kìm được nước mắt. Một năm tôi chỉ về nhà được khoảng ba lần, mà lần nào cũng sợ nhất lúc rời đi. Hai mẹ con cứ bịn rịn, khiến tôi càng không nỡ đi”, chị Thảo kể.
Tết này cũng vậy, mẹ chị Thảo đứng trước hiên nhà, dặn dò con gái thật kỹ xem có quên gì không mà khóe mắt đã đỏ hoe từ bao giờ.
“Lần nào tôi đi mẹ cũng khóc. Mẹ khóc từ lúc tôi cột đồ đạc lên xe chuẩn bị xuất phát”, chị Thảo nghẹn ngào.
Và Thảo cũng khóc, nhưng cố chuẩn bị thật nhanh để chạy đi vì sợ không kìm lòng được khóc thành tiếng.
“Sợ mẹ thấy tôi khóc sẽ buồn thêm nên lúc nào tôi cũng quay mặt ra đường, đeo kính cho mẹ không thấy. Tôi ráng thu xếp đi thật nhanh để mẹ đỡ lưu luyến, nói thật ai đi làm xa quê như tôi mà cầm lòng được trong thời điểm đó”, Thảo chia sẻ.
Lên đến TP.HCM, Thảo lụi cụi sắp xếp đồ đạc cả buổi trời những thứ mẹ gói ghém: nào thịt, bánh với trái cây, lại còn cả nước ngọt, củ kiệu, rồi thêm hộp nước yến người ta biếu Tết.
“Mẹ còn nhét lại 1 triệu đồng tôi lì xì. Mẹ nói ở nhà có tiền xài, cứ đem lên khi nào cần thì dùng”, Thảo rưng rưng.
Con đi, nhà cửa buồn tênh
Với vợ chồng anh Bùi Xuân Phước (34 tuổi, ngụ Bình Phước), vừa về đến nhà hôm 27 Tết thì mẹ anh đã hỏi: "Về chơi được mấy ngày tụi con?".
Vợ anh Phước quê ở Bạc Liêu, cả gia đình đang kinh doanh ở TP.HCM, xen kẽ mỗi Tết vợ chồng anh về quê ngoại, nội một lần.
“Năm nay tới lượt về bên nội. Nhà chỉ có mình tôi con trai một. Nhà có đám rẫy, con cái không về ba mẹ cứ lủi thủi một mình ngoài đó làm, thương lắm!”, anh Phước chia sẻ.
Chỉ có những ngày Tết, khi gia đình anh Phước về, ngôi nhà của ba mẹ anh mới thật sự rộn ràng.
Đó là tiếng nói cười của thằng cháu nội vừa vào lớp 2, anh Phước cặm cụi sơn lại tường, còn vợ anh lau dọn đón Tết, ba mẹ anh thì nấu nấu nướng nướng.
Và khi gia đình anh Phước trở lại TP.HCM làm việc, ngôi nhà của ba mẹ dường như càng buồn thêm.
Vợ chồng anh Phước khởi hành sáng mùng 6, ba mẹ chuẩn bị đủ thứ thực phẩm ở quê để con cháu mang lên thành phố.
Ngôi nhà nằm lọt thỏm bên trong quốc lộ đông đúc trở nên yên ắng lạ thường. Mẹ anh chỉ ra nựng cháu nội, dặn dò con trai lái xe cẩn thận rồi vào hiên nhà đứng nhìn ra.
Ba anh không ra tiễn, ngồi trong nhà xem tivi nhưng chốc chốc lại ngoái đầu ra nhìn.
Đến khi gia đình anh Phước đã rời đi, ba anh mới ra nhìn theo rồi lại đóng cửa, cầm máy ra rẫy thổi lá điều chuẩn bị cho mùa mới.
Bên trong bếp, mẹ anh lặng lẽ chuẩn bị cho bữa trưa thiếu vắng gia đình con trai.
Nguồn: https://tuoitre.vn/sau-nhung-ngay-ve-que-an-tet-co-mot-cau-hoi-cua-cha-me-lam-nhieu-nguoi-con-ua-nuoc-mat-20250203123945212.htm
Bình luận (0)