Thủ tướng Anh Keir Starmer đã hứa hẹn sẽ “xây dựng lại” đất nước khi lên nắm quyền và dưới đây là 6 vấn đề nổi cộm mà ông phải đối mặt khi đảm nhận trọng trách mới.
Tân Thủ tướng Anh Keir Starmer phát biểu sau cuộc họp nội các đầu tiên của ông trên cương vị mới, tại London, ngày 6/7. (Nguồn: Getty) |
Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Vương Anh, ông Keir Starmer tuyên bố: “Công việc thay đổi sẽ bắt đầu ngay lập tức. Đừng nghi ngờ gì nữa, chúng ta sẽ xây dựng lại nước Anh”.
Sau khi giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử ngày 4/7, ông Starmer, lãnh đạo Công đảng Anh, hứa hẹn sẽ “xây dựng lại” đất nước trong bối cảnh làn sóng phẫn nộ lan rộng tại nước này do các dịch vụ công yếu kém và nền kinh tế trì trệ.
Các vấn đề lớn mà chính phủ mới ở Anh phải đối mặt bao gồm: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải cách hệ thống an sinh xã hội và tìm nguồn tài trợ mới cho chính quyền địa phương.
Dưới đây là 6 chủ đề nổi lên như những thách thức trước mắt tân Thủ tướng Keir Starmer.
Nhập cư
Ông Starmer xác nhận sẽ ngay lập tức hủy bỏ chính sách nhập cư hàng đầu của người tiền nhiệm Rishi Sunak (đảng Bảo thủ) nhằm trục xuất những người tị nạn đến quốc gia châu Phi Rwanda, chiến lược này gần đây được củng cố thành luật sau khi đối mặt với một loạt thách thức tại tòa án. Kế hoạch này khiến người nộp thuế ở Anh thiệt hại hàng trăm triệu GBP mà không một người nào bị trục xuất.
Phát biểu tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi bước vào số 10 phố Downing, Thủ tướng Starmer nói: “Kế hoạch Rwanda đã chết yểu và bị chôn vùi trước khi nó bắt đầu và chưa bao giờ là yếu tố ngăn cản những người sắp di cư bởi sẽ chỉ trục xuất ít hơn 1% trong số những người đến eo biển Manche trên những chiếc thuyền nhỏ”.
Tuy nhiên, vấn đề càng trở nên cấp bách hơn khi nhiều người dân Anh đã bỏ phiếu cho đảng Cải cách chống nhập cư của ông Nigel Farage (Đảng giành vị trí thứ ba về số phiếu phổ thông trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 4/7).
Cựu Thủ tướng thuộc Công đảng Tony Blair đã kêu gọi ông Starmer nắm bắt ngay cơ hội này để ngăn chặn làn sóng chủ nghĩa dân túy cánh hữu từng thấy ở các quốc gia khác (như Pháp).
Công đảng cam kết hạn chế các tàu thuyền nhỏ băng qua eo biển Manche bằng cách ban hành lệnh an ninh biên giới mới. Lệnh này dự kiến được ban hành trong những ngày tới khi Bộ trưởng Nội vụ Yvette Cooper bổ nhiệm người đứng đầu lực lượng này.
Dự luật An ninh biên giới sẽ xuất hiện trong bài phát biểu đầu tiên của ông Starmer trước Vua Charles III vào ngày 17/7 tới khi tân Thủ tướng đề ra chương trình lập pháp cho năm tới. Dự luật sẽ trao cho chính quyền các quyền hạn chống khủng bố mới để giải quyết tội phạm có tổ chức và tội phạm mua bán người.
Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) đình công
Bộ trưởng Y tế Wes Streeting đã đưa ra một thông điệp cứng rắn dành cho dịch vụ y tế đang yếu kém của Anh và tuyên bố rằng tất cả các quan chức nên coi NHS đang bị đứt gãy.
Ngay sau chiến thắng của Công đảng, ông Streeting đã nói chuyện với Hiệp hội Y khoa Anh (BMA), tổ chức đại diện cho hàng nghìn bác sĩ NHS, và thể hiện mong muốn bắt đầu lại các cuộc đàm phán nhằm nỗ lực chấm dứt tranh chấp tiền lương kéo dài với các bác sĩ. BMA đã dẫn đầu một loạt cuộc đình công phản đối yêu cầu tăng lương 35% để bù đắp cho mức lạm phát.
Ông Starmer đã tuyên bố rằng chính phủ của ông chưa sẵn sàng đáp ứng các điều khoản của BMA, song cam kết “sẽ có nền chính trị trưởng thành nơi chúng tôi thực sự giải quyết các vấn đề và đưa NHS hoạt động trở lại”.
Tân Thủ tướng Anh cũng cho biết đội ngũ của ông đã nói chuyện với 2 quỹ tín thác NHS để thảo luận về cách Công đảng có thể thực hiện cam kết bầu cử của mình.
Ban lãnh đạo Công đảng biết rằng việc khôi phục NHS là một mặt trận khác mà chính phủ sẽ triển khai ngay từ ngày đầu tiên. Vấn đề này được xếp ngang hàng hoặc xấp xỉ vấn đề kinh tế trong các cuộc thăm dò về mối quan tâm hàng đầu của cử tri.
Bên cạnh đó, ông Starmer còn có thể kêu gọi sự trợ giúp từ đội ngũ thời ông Tony Blair. Trang Telegraph đưa tin ông có khả năng sử dụng cựu Bộ trưởng Y tế Alan Milburn để hạ nhiệt khủng hoảng của NHS.
Khủng hoảng nhà tù
Hệ thống nhà tù ở Anh và xứ Wales đang gần đạt mức độ quá tải kỷ lục với số liệu chính thức mới nhất cho thấy 87.453/88.864 chỗ đã được sử dụng.
Cuộc khủng hoảng này được Chánh văn phòng Sue Gray xác định trước cuộc bầu cử là một trong những vấn đề lớn nhất trước mắt mà Công đảng sẽ phải giải quyết sau khi nắm quyền.
Công đảng đã cam kết duy trì kế hoạch trả tự do sớm cho các tù nhân của chính phủ tiền nhiệm để giảm bớt mức độ quá tải và có kế hoạch cải tiến luật quy hoạch để giúp việc xây dựng nhà tù mới nhanh hơn.
Bên cạnh đó, tân Thủ tướng Anh hứa sẽ tiến hành xem xét lại việc tuyên án. Vừa qua, ông Starmer đã gặp ông James Timpson, Bộ trưởng Bộ Nhà tù mới được bổ nhiệm. Ông Timpson là một doanh nhân điều hành chuỗi cửa hàng sửa giày chuyên tuyển dụng và hỗ trợ người từng phạm tội.
Trước đây, ông Timpson từng chỉ trích tính hiệu quả của các nhà tù. Ông Starmer đã ủng hộ một phần quan điểm đó khi nói rằng đó là một vấn đề lớn khi nhiều người được thả lại phải vào tù tương đối nhanh sau đó.
Trong khi chi tiết về việc xem xét tuyên án của Công đảng vẫn chưa được nêu rõ, ông Timpson có thể sẽ phải đối mặt với tình thế khó khăn tương tự như các Bộ trưởng Bộ Nhà tù dưới thời đảng Bảo thủ, những người muốn cắt giảm phạm nhân nhưng bị cản trở bởi yêu cầu phải cứng rắn thông qua luật pháp và trật tự.
Việc trấn áp hành vi chống đối xã hội là một trong “6 bước để thay đổi” của Công đảng, gắn liền với cam kết về “những hình phạt mới cứng rắn đối với những người phạm tội”. Đây sẽ không phải là một điều dễ dàng để ông Starmer tìm được lời giải.
Cải cách quy hoạch
Việc cải tổ hệ thống quy hoạch sẽ là trọng tâm bài phát biểu trước Vua Charles III sau khi ông Starmer cam kết xây dựng lại “từng viên gạch” của nước Anh.
Công đảng đã cam kết sẽ thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng lớn tiến triển nhanh hơn bằng cách xác định lại thế nào là tầm quan trọng với quốc gia và soạn thảo lại các tuyên bố chính sách quốc gia, với mục đích khiến cho chính quyền địa phương không thể ngăn chặn sự phát triển.
Phát biểu sau chiến thắng, ông Starmer cam kết xây dựng 1,5 triệu ngôi nhà mới trong niên khóa Hạ viện tới.
Tự do hóa quy hoạch là một trong những thách thức khó giải quyết nhất mà Bộ trưởng Bộ Phát triển, Nhà ở và Cộng đồng kế nhiệm phải đối mặt. Họ thường gặp phải sự phản đối gay gắt từ các nghị sĩ lo lắng về phản ứng của địa phương đối với sự phát triển mới khi Hạ viện thay đổi.
Tuy nhiên, Công đảng sẽ được trao quyền nhờ ưu thế đa số lớn trong Hạ viện và thực tế là đảng này được bầu dựa trên cương lĩnh xây dựng nước Anh.
Điều phối quan hệ với các quốc gia và khu vực
Ngay sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Anh đã bắt đầu chuyến công du tới Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland để tìm cách tái thiết mối quan hệ với các Thủ hiến của những nơi này.
Thảo luận về chuyến công du tại cuộc họp báo ngày 6/7, ông Starmer cho biết ông không chỉ muốn gặp các Thủ hiến để thảo luận về những thách thức cần giải quyết, mà còn để thiết lập một cách làm việc khác biệt và hiệu quả hơn trên khắp Vương quốc Anh.
Tại Scotland, ông phải đối mặt với nhiệm vụ thiết lập mối quan hệ mang tính xây dựng với chính quyền đảng Dân tộc Scotland có xu thế đối lập, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra giữa hai đảng về thuế đối với nhiên liệu hóa thạch và quyền của người chuyển giới.
Tại xứ Wales, ông Starmer có thể vui mừng trước việc toàn bộ nghị sĩ của đảng Bảo thủ xứ Wales đã bị loại bỏ sau cuộc bầu cử, song vẫn phải chịu áp lực gay gắt trong việc giải quyết những khó khăn của NHS ở đây.
Tại Bắc Ireland, ông Starmer nhấn mạnh ý định của Công đảng là hủy bỏ đạo luật gây tranh cãi của đảng Bảo thủ về cấp quyền miễn trừ cho các chiến binh liên quan đến bạo lực giáo phái kéo dài hàng thập kỷ ở Bắc Ireland (1968-1998).
Bên cạnh đó, “Biên giới biển Ireland” (rào cản thương mại giữa Anh và Bắc Ireland được tạo ra bởi thỏa thuận Brexit năm 2019) có thể cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự do Công đảng cam kết sẽ giảm bớt rào cản biên giới cho các doanh nghiệp.
Ông Starmer dự kiến gặp các thị trưởng trên khắp nước Anh nhằm triển khai kế hoạch về việc phân quyền khu vực lớn hơn, song ông sẽ phải đối mặt với những câu hỏi về tài chính của chính quyền địa phương trong bối cảnh có tới 200 chính quyền địa phương hiện đang trên bờ vực phá sản.
Cải tổ quan hệ với EU hậu Brexit
Sau nhiều năm căng thẳng và bất đồng giữa Anh và các nước láng giềng châu Âu về các điều khoản và di sản của Brexit, ông Starmer bày tỏ ý định mở ra một chương mới trong quan hệ với Liên minh châu Âu (EU).
Tân Thủ tướng Anh đã nói với người đồng cấp Đức Olaf Scholz trong cuộc điện đàm sau khi nhậm chức rằng ông mong muốn hợp tác kinh tế hơn nữa. Trao đổi với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron qua điện thoại, ông Starmer đề cập “các ưu tiên chung, bao gồm cả di cư và kinh tế”.
Ngoại trưởng Anh David Lammy đã có chuyến thăm nước ngoài đầu tiên tới Berlin chỉ 24 giờ sau khi nhậm chức và đưa ra tuyên bố rằng “đã đến lúc thiết lập lại mối quan hệ của chúng ta với những người bạn và đồng minh châu Âu”.
Phát biểu của ông Lammy đã được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhắc lại, khi nói với ông Starmer rằng bà mong muốn được gặp trực tiếp để thảo luận về các cách “tăng cường hợp tác và thiết lập lại mối quan hệ” giữa Anh và EU.
Nổi bật trong chương trình nghị sự là tham vọng đã nêu của Công đảng trong việc đàm phán một thỏa thuận mới với EU nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và giảm bớt xung đột biên giới cho các doanh nghiệp.
Nguồn: https://baoquocte.vn/sau-chong-gai-truoc-mat-ma-tan-thu-tuong-anh-keir-starmer-can-vuot-qua-278135.html