Truyền thông và câu chuyện ứng xử văn minh trên không gian mạng Ứng xử văn minh trên không gian mạng có lẽ không còn là chuyện mới nhưng bài toán đặt ra đối với công tác truyền thông báo chí trong sứ mệnh của “những người đáng tin nhất trong những người đáng tin” như cách Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nói thì bất cứ thời điểm nào cũng là vấn đề quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, trước làn sóng “kém văn minh” trong lối hành xử trên không gian mạng của một bộ phận netizen ngày càng đáng quan ngại thì trách nhiệm lành mạnh hóa, định hướng, dẫn dắt thông tin của những người làm báo lại càng phải tốt hơn nữa. Họ không chỉ biết giữ chuẩn mực trong ứng xử khi tham gia mạng xã hội mà còn phải có một “trái tim nóng và một cái đầu lạnh” để cân bằng, công bằng và sàng lọc tin tức hiệu quả. Từ đó, chung tay đóng góp, thúc đẩy văn minh, văn hóa trên không gian mạng xã hội… Câu chuyện ấy được Báo Nhà báo & Công luận đặt ra trong chuyên đề này. |
Vẫn tưởng là thế giới ảo sẽ bớt đau nhưng với những người từng bị chỉ trích, từng bị thóa mạ, từng bị vùi dập thì những “vết thương” ấy đã găm vào tim, tạo thành sẹo mãi mãi không thể lành… Mọi sự vượt quá giới hạn đều cần phải trả giá – dù rằng đó là “giới hạn” trên không gian mạng. Thực trạng ấy cần có nhiều giải pháp “cộng hưởng” nhưng trách nhiệm thuộc về truyền thông báo chí là không thể phủ nhận.
1.Tham gia mạng xã hội như một thói quen không thể thiếu và dần dần thế giới người thực cũng đang hình thành nhu cầu “sống trên thế giới ảo”, song song với cuộc sống thường nhật. Tại Việt Nam, các nền tảng mạng xã hội phổ biến như facebook, tiktok, zalo… thu hút số lượng người dùng cực lớn. Làn sóng “di cư lên mạng” với mục đích để trao đổi thông tin, giải trí và tự do thể hiện mình trong khuôn khổ pháp luật quy định… là điều phù hợp. Nhưng sử dụng “không gian mạng” là nơi để… buôn chuyện, trút giận, chửi bới, bóc phốt, xúc phạm, thậm chí thóa mạ, vùi dập người khác như hiện nay… thì không thể bào chữa được.
Báo chí và các phương tiện truyền thông đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, phê phán nhưng hiện tượng này không có dấu hiệu giảm bớt, thậm chí còn có xu hướng xuất hiện ngày một nhiều hơn. Ðáng nói là rất nhiều người tham gia vào các hội nhóm với lối hành xử chợ búa, chạy theo tâm lý đám đông, không cần tìm hiểu rõ ràng, kỹ lưỡng nguồn gốc vấn đề, chỉ là thấy người khác chửi thì mình cũng a dua. Có giai đoạn mà “tâm lý đám đông” trở thành một nỗi ám ảnh với người dùng mạng văn minh.
Cách đây không lâu, một trọng tài quốc tế bị người hâm mộ Việt Nam chỉ trích nặng nề trên trang cá nhân vì bỏ qua một số lỗi cầu thủ Indonesia mắc phải trong trận đấu gặp đội tuyển Việt Nam. Hay mới đây, do không hài lòng về việc trọng tài từ chối quả phạt đền của đội tuyển Việt Nam trong trận đấu với UAE, không ít người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã tấn công trang cá nhân của ông bằng những lời miệt thị nặng nề, rất khó chấp nhận…
Những lời lẽ mất kiểm soát của các “anh hùng bàn phím” đã khiến cho người hâm mộ bóng đá quốc tế choáng váng bởi dường như họ không thể tưởng tượng được một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, với sự yêu thích môn thể thao vua, lại có lối hành xử kém văn minh tới vậy. Rồi sự việc liên quan đến cô hoa hậu Ý Nhi vừa qua, mà trước đó cũng nhiều cô hoa hậu, người mẫu khác… vướng những phát ngôn “không vừa lòng số đông”… cũng tạo nên làn sóng đòi “tước vương miện”, không gian mạng trở nên ồn ào, chất đầy “rác văn hóa”…
Thực tế trên đã dẫn đến không ít chuyện đau lòng về hậu quả của nạn tấn công, bắt nạt trên mạng xã hội, đặc biệt là đối với những người nổi tiếng. Có người bị sang chấn tâm lý, trầm cảm, thậm chí tự tử sau khi bị công kích, nói xấu trên mạng. Không ít nhãn hàng, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp phải điêu đứng vì bị kêu gọi tẩy chay của các hội nhóm trên mạng… Một bộ phận cộng đồng mạng còn tự phong mình như “quan tòa mạng” để thực thi công lý… dẫn đến vi phạm đạo đức, vi phạm văn hóa, vi phạm pháp luật… rồi gây hậu quả cho chính mình trên đời thực. Trong thời gian qua, không ít người dùng mạng xã hội đã bị cơ quan điều tra bắt tạm giam, cùng với đó là những vụ án bị khởi tố…
2.Trách nhiệm dọn “rác văn hóa” để tạo nên một không gian mạng lành mạnh, một “cộng đồng mạng” văn minh, báo chí truyền thông không thể đứng ngoài cuộc. Như cách ví của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “Không gian mạng là một môi trường sống mới thì chắc chắn phải có văn hóa số!”.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, một trong những cách thức “làm sạch” mạng xã hội hiệu quả nhất chính là kết hợp chặt chẽ giữa việc xóa bỏ nội dung xấu, độc, sai sự thật, kém văn hóa… với việc phổ biến, lan truyền các thông tin và nội dung có nguồn bảo đảm chính xác, khách quan, tích cực, lành mạnh, đề cao và tôn vinh các giá trị nhân văn trong cuộc sống, giúp xã hội và con người ngày càng hoàn thiện hơn.
Thật vậy, thời gian qua các cơ quan chức năng và các nhà cung cấp nền tảng xuyên biên giới đã hành động quyết liệt nhằm giảm thiểu các nội dung xấu độc trên mạng xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Facebook đã gỡ bỏ 2.549 bài viết, gỡ 12 tài khoản, 54 trang quảng cáo, nền tảng YouTube gỡ 6.101 video, 7 kênh, TikTok gỡ 415 liên kết và 149 tài khoản vi phạm.
Bên cạnh đó, ở góc độ quản lý, ông Lê Quang Tự Do – Cục Trưởng Cục phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử chia sẻ rằng, trong 5 năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Giải pháp đầu tiên quan trọng nhất là muốn quản lý được phải thấy được. Vì thế, phải phát triển hệ thống giám sát. Đến nay, Bộ đã phát triển được trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia, rà quét xử lý, kết hợp giữa tự động, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và con người để phát hiện được những thông tin xấu độc, tin giả trên mạng, truy vết để tìm được danh tính.
Thứ hai là, nhìn thấy được thì phải xử lý được. Muốn xử lý được phải hoàn thiện các công cụ, các quy định pháp luật đầy đủ để xử lý. Vừa rồi, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Nghị định 15 và sau đó là Nghị định 14 cập nhật rất nhanh những hành vi vi phạm mới để xử phạt. Bộ Công an ban hành Nghị định 53, hướng dẫn Luật An ninh mạng chi tiết hơn. Mới đây có Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng. Cập nhật để có các quy định bổ sung chặt chẽ hơn, đầy đủ hơn và xử lý được.
Thứ ba là phải cảnh báo được. Nhìn thấy và xử lý chỉ là phần ngọn, phần gốc là ý thức của người dân. Nếu cả 100 triệu dân không có ý thức thì không có cách gì xử lý được. Chính vì thế, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức và xử lý một số trường hợp điểm để răn đe.
Gần đây, quy định “định danh” đăng ký đối với người sử dụng mạng xã hội, để xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam khi đăng ký thiết lập tài khoản mạng xã hội cũng là một giải pháp được quan tâm. Tuy nhiên, việc thu thập, lưu trữ và sử dụng thông tin cá nhân của người dùng phải tuân thủ đúng quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân để đảm bảo quyền riêng tư và an toàn thông tin cho người sử dụng. Và đó vẫn tiếp tục là nhiệm vụ cần làm tốt hơn nữa của các nhà quản lý. Trong nỗ lực chung, Bộ Thông tin và Truyền thông muốn đưa ra cảnh báo: không gian mạng không phải là không gian ảo!
3.Người làm báo ở đâu trong câu chuyện này, làm gì để hoàn thành trách nhiệm của “nguồn tin đáng tin cậy”, của một lực lượng được giao phó sứ mệnh “dẫn đường” về tin tức? Trong bối cảnh, báo chí không còn “độc quyền” tin tức, người đọc có nhiều con đường, cách thức để tiếp cận thông tin, nhưng cần khẳng định rằng, thông tin trên hệ thống báo chí truyền thông chính thống không hề mất đi vai trò của mình, thậm chí còn trở nên quan trọng hơn. Và sự “đáng tin” ấy chính là chiếc chìa khóa để báo chí tồn tại và khẳng định mình trên môi trường số… “Nơi nào có bạn đọc, nơi đó có chúng tôi” – tuyên ngôn này được nhiều cơ quan báo chí đưa ra như minh chứng cho trách nhiệm phụng sự công chúng của mình.
Trên thực tế, trong một môi trường đa nền tảng với tin tức nhiễu loạn hiện nay, đưa nội dung gì, phản biện thông tin như thế nào để luôn là “dòng thông tin chủ lưu” là bài toán mà người làm báo không ngừng tìm lời giải. Vừa làm tốt việc dẫn dắt thông tin, vừa giành và giữ được sự quan tâm của bạn đọc, trong khi phần lớn các cơ quan báo chí hiện nay phải tự chủ về kinh tế… đòi hỏi báo chí càng phải nỗ lực rèn giũa về tư tưởng, tri thức và đạo đức. Và đương nhiên, hướng đến mục tiêu xây dựng không gian mạng lành mạnh, văn minh thì mỗi người làm báo cũng cần tiếp tục rèn mình, răn mình, trở thành điểm sáng trong hành xử văn hóa, văn minh trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng, cùng với quá trình “chống”, chúng ta phải tích cực “xây”… Các chuyên gia cho rằng, việc “chiếm lĩnh” và làm chủ thông tin trong “không gian Internet” thông qua việc lan tỏa nhiều hơn tin tức tích cực, sự tử tế, lòng nhân ái… cũng là điều mà báo chí truyền thông cần quan tâm thúc đẩy hơn nữa để trở thành người định hướng dư luận xã hội có tâm, có tầm. Người làm báo ngoài nỗ lực phản biện lại các thông tin xấu độc trên mạng, ngoài việc đóng góp vào công tác phòng chống tin giả, tin tiêu cực thì việc “thổi lên” ngọn lửa văn hóa, trách nhiệm, lòng tự hào dân tộc để dần dần loại bỏ những đánh giá tiêu cực của các tổ chức quốc tế về ứng xử thiếu văn minh trên mạng của người Việt Nam… cũng là điều khả thi.
Có thể nói, không khí ô nhiễm gây độc cho phổi, thông tin xấu độc sẽ gây hại cho bộ não. Sự “thiếu văn minh” trên không gian mạng cũng chính là “mây mù” cần dẹp bỏ để trả lại “bầu trời nhiều nắng ấm”. Khi báo chí gánh vác trọng trách định hướng, dẫn dắt công chúng thì người làm báo hơn bao giờ hết cần tiếp tục nỗ lực vì điều ấy. Cuộc chiến này cần lắm sự quyết tâm, kiên trì và chung sức!
Hà Vân