Điều này khiến bất kỳ ai quan tâm đến đời sống sân khấu Việt Nam không khỏi hụt hẫng, trăn trở…
Quay lại thời… ảm đạm
Tại Lễ trao Giải thưởng Sân khấu năm 2023 vừa qua, TS. Nguyễn Đăng Chương – Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết, Giải thưởng sân khấu 2023 không có giải A cho cả vở diễn và kịch bản văn học là một điều rất đáng tiếc. Hội đồng nghệ thuật phải “gạn đục khơi trong” để lựa chọn ra một số giải B. Điều này phần nào khắc họa được diện mạo của nghệ thuật sân khấu năm qua, khiến chúng ta có một cảm giác chống chếnh, nản lòng.
Cho rằng đời sống sân khấu năm 2023 lại trở về sự ảm đạm và bế tắc của nhiều năm trước, TS. Nguyễn Đăng Chương nhấn mạnh thêm, những “điểm nghẽn” tồn tại từ nhiều năm vẫn chưa được khơi thông. Trong đó, “điểm nghẽn” lớn nhất, cũng là điều khó khăn nhất hiện nay là sân khấu đang bị khủng hoảng về đội ngũ sáng tạo. Nhiều năm qua và cả năm 2023, sân khấu luôn thiếu vắng kịch bản về đề tài đương đại, về những vấn đề nóng bỏng đang tác động nhiều mặt, làm đổi thay con người và xã hội trong thời kỳ hội nhập. Tác giả sân khấu dường như đang né tránh, đứng bên ngoài thực tiễn sinh động diễn ra sôi động hằng ngày, tác động mọi mặt đến con người, xã hội và làm mới hơn các hệ giá trị. Điều ấy khẳng định đội ngũ tác giả vẫn “khoanh tay bó gối” trước hiện thực đời sống có vô vàn chất liệu đang cuồn cuộn trôi đi từng ngày.
“Đội ngũ tác giả đang bế tắc về phương hướng sáng tạo, cách thức tiếp nhận và lý giải những mâu thuẫn xung đột của xã hội và con người hôm nay. Có lẽ vì bế tắc nên phần lớn tác giả lựa chọn sáng tác về đề tài lịch sử, dân gian mà không dám dấn thân phản ánh mọi mặt của đời sống đương đại. Thế nhưng đa số tác phẩm mới chỉ đạt ở mức minh họa lịch sử” – Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nêu.
Ông Chương cũng cho rằng, lý luận phê bình sân khấu trong nhiều năm qua còn yếu. Hiện nay, lực lượng phê bình chỉ còn vài cây viết già, không có thế hệ kế cận. “Nghệ thuật sân khấu khi không chịu sự tác động của những người làm công tác lý luận phê bình sân khấu thì sẽ giống như một cỗ xe không có phanh, kể cả lúc lên dốc và khi xuống dốc” – ông Chương ví von.
Ở một góc nhìn khác, đánh giá về đời sống sân khấu năm 2023, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa có một cái nhìn tích cực hơn nhiều. Ông cho rằng, sau hơn 2 thập kỷ khủng hoảng (kể từ năm 1990), thì trong khoảng 5 năm trở lại đây, sân khấu đã có sự trở lại mạnh mẽ. Năm 2022, sân khấu chứng kiến sự bùng nổ sau 2 năm bị dồn nén do dịch COVID-19. Đến năm 2023, sân khấu vẫn tiếp tục xu hướng phát triển và quan trọng hơn đó là “sự phát triển đúng hướng”.
Theo ông Khoa, năm 2023, khối sân khấu Nhà nước có sự trỗi dậy mạnh mẽ, các nhà hát sáng đèn thường xuyên hơn. Ngay cả loại hình sân khấu kén khách là tuồng thì cũng chứng kiến Nhà hát tuồng Việt Nam “có chuyển động” và bán được vé. “Số show diễn của năm 2023 nhiều hơn, ví dụ Nhà hát kịch Hà Nội năm 2022 mới bắt đầu mở thì năm 2023 đã diễn nhiều đêm hơn. Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đỏ đèn thường xuyên hơn và còn có hiện tượng cháy vé” – ông Khoa dẫn chứng.
Ông Khoa nhấn mạnh thêm rằng, sự chuyển động đó còn có thể thấy rõ hơn ở khối các đơn vị sân khấu ngoài công lập. Ở Hà Nội, ngoài sân khấu Lệ Ngọc đã có tiếng từ nhiều năm thì sân khấu LucTeam cũng là một sự thú vị. Vở diễn “Búp bê” của LucTeam dù không được diễn thường xuyên có những tìm tòi rất đáng chú ý và ăn khách. Đối với sân khấu Lệ Ngọc, nhiều vở diễn của năm 2022-2023 như “Vua Lear”, “Lá đơn thứ 72” dù đã diễn cả trăm đêm nhưng vẫn xảy ra hiện tượng “cháy vé”. Ở TP.HCM, nhiều tụ điểm sân khấu đã có sự phục hồi rất rõ trong năm 2023, đồng thời hình thành thêm nhiều đơn vị sân khấu ngoài công lập, hoạt động cũng khởi sắc hơn những năm trước.
Đồng lòng tháo gỡ những “điểm nghẽn”
Tuy nhiên, nói gì thì nói, nhiều người trong nghề đều có chung nhận định, nghệ thuật sân khấu vẫn “nhiều vở yếu, thiếu vở hay”. Theo PGS.TS. Trần Trí Trắc, dù đã có nhiều liên hoan, hội diễn cùng nhiều huy chương được trao mà chúng ta vẫn chưa có tác phẩm đỉnh cao; nghệ sĩ được phong nhiều danh hiệu mà sân khấu vẫn không có khán giả; Nhà nước tích cực đầu tư cho sân khấu thử nghiệm mà nghệ thuật sân khấu vẫn cũ kỹ, lạc hậu…
Theo các chuyên gia, để có một vở diễn hấp dẫn trước tiên cần phải có kịch bản hay. Tuy nhiên thực tế lâu nay, số lượng những kịch bản tốt không nhiều. Khắc phục tình trạng thiếu thốn kịch bản, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thường tổ chức các trại sáng tác. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Khoa cho rằng, do “thiếu sự quan tâm” nên phần lớn các kịch bản viết ra không được sử dụng, “thường 20 kịch bản viết ra chỉ sử dụng dàn dựng được 1 vở”.
Để giải quyết vấn đề này, ông Khoa cho rằng, Hội Nghệ sĩ sân khấu nên tận dụng sự phong phú của nền văn học Việt Nam, bởi nguồn chất liệu hay cho sân khấu thì trong văn học có rất nhiều; việc chuyển thể chỉ là những biện pháp kỹ thuật không quá khó. “Tôi đã đề xuất với Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu về việc thành lập Ban Văn học kịch của Hội, mời các nhà văn vào tham gia, đặt hàng sáng tác với họ để làm giàu nội dung cho sân khấu” – ông Khoa cho hay.
Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, để sân khấu Việt Nam tiếp tục phát triển, cần nhận rõ và giải quyết cản trở lớn nhất hiện nay, đó là nhiều đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động văn hóa nghệ thuật bị sáp nhập một cách cơ học, máy móc. Điều này dẫn tới việc nghệ sĩ ca múa nhạc phải đi biểu diễn nghệ thuật sân khấu, diễn viên chèo diễn kịch nói, tuồng sang diễn chèo, chèo sang diễn cải lương… trong khi biên chế, kinh phí không giảm được bao nhiêu. Có địa phương còn đưa tất cả các đơn vị nghệ thuật về Trung tâm văn hóa – một đơn vị văn nghệ quần chúng. Cách làm “hầm bà làng” này đã “nghiệp dư hóa sân khấu” một cách thô bạo.
“Chúng ta hoàn toàn có thể có một hướng đi khác là đưa sân khấu ra ngoài công lập. Nhưng muốn làm được phải có chính sách về việc này, ví dụ khi ra khỏi công lập thì chính sách về thuế, về nhà đất thế nào, về đấu thầu tác phẩm ra sao…” – ông Khoa nói.
Nhiều chuyên gia cũng thống nhất, để nghệ thuật sân khấu xuất hiện nhiều tác phẩm xứng tầm, cần sự đồng lòng tháo gỡ những “điểm nghẽn”, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và đội ngũ nghệ sĩ trực tiếp tham gia sáng tạo.
Các nhà hát cần chủ động tạo nguồn, không thể thụ động chờ đợi tác giả gửi kịch bản đến, nếu phù hợp thì mới dàn dựng. Bên cạnh vấn đề đào tạo, khuyến khích… thì các đơn vị cần hiện đại hóa, áp dụng công nghệ vào âm thanh, ánh sáng, thiết kế, tạo hình… làm sao để vừa giữ được bản sắc của từng loại hình sân khấu, vừa phù hợp với nhu cầu tiếp nhận của công chúng, nhất là trong thời kỳ bùng nổ công nghệ hiện nay. Sân khấu cần thích ứng để tồn tại, mà việc hút được khán giả, “sáng đèn” thường xuyên là những điều kiện tiên quyết để thực hiện mục tiêu này.
Khánh Ngọc