Sắc đỏ được khai thác trên trang phục các dân tộc thiểu số như sự bảo hiểm cho tinh thần cuộc sống, như tín hiệu sống vĩnh hằng.
Trên trang phục của người miền núi, hoa văn thêu thùa hoặc ghép vải hầu như không thể thiếu sắc đỏ. Hãy nhìn lại xem, từ Pà Thẻn, Dao, H’Mông, Xá Phó, Lô Lô, Pu Péo ở Việt Bắc và Đông Bắc, đến Thái, Khơ Mú, Lự ở Tây Bắc và cả dải đất Tây Nguyên như Xơ-đăng, Ba-na, Ê-đê, sắc đỏ chỗ nào cũng có. Nơi thì ào ạt như thác đổ, nơi thì điểm xuyết tinh tế giữa trắng, xanh, vàng, tím. Sắc đỏ luôn là màu chủ đạo. Nó như cơm tẻ trong bữa ăn của người trồng lúa nước.
Rực rỡ nhất vẫn là sắc đỏ tươi trên bộ trang phục của người Pà Thẻn. Nếu như các dân tộc khác, màu chàm đen là chủ đạo trên thân áo, thân quần, thân váy, thì trên trang phục Pà Thẻn, chủ đạo là đỏ. Màu đỏ áp sát người Pà Thẻn từ váy áo đến khăn. Chỉ duy nhất có thắt lưng màu trắng làm phân đoạn trên cơ thể, nhưng cũng là xúc tác cho màu đỏ thêm tăng cường.
Trên chục nhóm sắc tộc Dao, thì Dao Đỏ, Dao Đại Bản, Dao Tiểu Bản cũng rực rỡ trong sắc đỏ. Hai hàng cục bông đỏ thắm trên ngực người Dao Đỏ ở Cao Bằng thách thức thị giác. Hai ống quần bát quái chia ra từng ô màu đỏ cũng khống chế sắc độ này. Người H’Mông có ngành H’Mông Hoa với trang phục có màu đỏ nhiều và phong phú nhất.
Váy áo người H’Mông và Dao, người Xá Phó, người Lô Lô Hoa cũng có đường thêu thuộc loại tinh xảo nhất và dùng sắc đỏ cũng tinh tế nhất. Khi xen giữa trắng, xanh, vàng, tím, thì màu đỏ vẫn luôn giữ vai trò chủ đạo. Ở Tây Nguyên, trang phục của đàn ông Xơ-đăng có hai vạt chéo trước ngực cũng nổi bật màu đỏ.
Màu đỏ như lửa giữa núi rừng, nhuyễn trong màu xanh cây lá. Sắc đỏ nóng trên trang phục, như muốn cân bằng lại với màu xanh lạnh từ thiên nhiên. Nó như lời nhắc rằng, dù con người nhỏ bé, nhưng không hề bị thiên nhiên lấn át, mà vẫn hòa cùng một tổng thể thống nhất. Nhìn những vạt thêu trên váy áo người H’Mông, đường thêu trên khăn, trên áo phụ nữ Dao và một số dân tộc khác, người ta như thấy một bản đồ thiên nhiên thu nhỏ, trong đó những sắc trắng, xanh, vàng, đỏ, tím chính là hoa, là lá, là hơi thở của thiên nhiên phả lên trên đó. Tấm áo, thắt lưng, khăn đội đầu được hình thành từ quan sát thiên nhiên, làm cho con người hòa giữa thiên nhiên bình yên và cũng chính thiên nhiên đã chia sẻ lại cho con người trên những đường thêu, sắc chỉ đó.
Ngày cưới, bộ trang phục cưới của cô dâu người Dao mới thật cầu kỳ. Chưa kể bộ áo váy cưới, chỉ cái khăn trùm đầu đã là tín hiệu trang trọng của hạnh phúc. Các ngành Dao đều thế, chiếc khăn trùm đầu của cô dâu trước buổi đón dâu và động phòng hoa chúc, bao giờ cũng được khẳng định bằng màu đỏ rực, mạnh mẽ, tự tin và kiêu hãnh.
Đỏ là màu của lửa, màu của sự sống. Trong quan niệm của nhiều sắc tộc, màu đỏ là màu xua đuổi ma quỷ, đem lại may mắn và hạnh phúc.
Tại sao thế?
Người Kinh trong các lễ tiết, bên cạnh bát nước cúng, thì luôn có ngọn đèn, cây nến, thẻ hương. Đèn, nến, hương màu đỏ. Lửa là dương, nước là âm. Có hai thứ đó là âm dương cân bằng, vạn vật quy thuận, là có bình hòa trong cuộc sống. Ở
thế giới thần linh hay thế giới con người, thì lửa nước luôn song hành thành cặp phạm trù thống nhất giữa hai mặt đối lập. Đó là chỉ dấu của sự tồn sinh. Đó là mấu chốt để xác lập giá trị của màu đỏ, mặc định đó là màu xua đuổi tà ma. Màu đỏ đó chính là lửa. Có nước, có lửa, là có sự sống. Màu đỏ nhạy cảm với thị giác.
Giữa rừng sâu hoang lạnh, chỉ cần một hòn than, một ánh lửa dù xa nhưng đều dễ nhận ra và khẳng định vị trí của nó. Màu đỏ cho cảm nhận sự ấm áp như ngồi bên bếp trong mỗi nhà. Với miền núi, lửa được lưu giữ quanh năm trong nhà, không bao giờ để bếp tắt. Người miền núi thắp hương lấy lửa từ bếp. Lửa lấy từ bếp là ngọn lửa nguồn. Người Kinh để cây đèn dầu vặn nhỏ trên bàn thờ cũng là thắp từ lửa bếp. Người Kinh không có rừng để có củi gộc giữ lửa trong bếp ngày này qua tháng khác, thì lại biết giữ lửa bằng nùn rơm, không khác gì người miền núi giữ lửa trong đống giấm củi gộc.
Lửa ấy là lửa nguồn. Liên hệ rộng ra, các cuộc rước đuốc thế vận hội Olympic nào cũng lấy lửa từ Olympia, chuyền qua các nước rồi mới châm vào ngọn đuốc thế vận hội nước sở tại. Vậy thông lệ thế giới có khác gì với phong tục Việt và các sắc tộc rẻo cao, về vai trò của lửa. Màu đỏ chính là lửa, màu của cội nguồn sự sống. Sắc phục người Pà Thẻn mạnh nhất là màu đỏ, thì họ cũng có tết nhảy lửa chơi với sắc đỏ thật tưng bừng. Trong các tết nhảy lửa của nhóm Dao – Pà Thẻn, thì tết nhảy lửa của người Pà Thẻn vẫn rực rỡ hơn cả.
Có nước thì có sự sống. Song hành với nước có lửa bảo vệ con người. Lửa không những cho con người đồ ăn, thức uống an toàn, mà lửa còn giữ ấm cho con người trong ngày đông giá rét giữa rừng hoang lạnh và cả trong hang tối thâm u. Nơi ấy lửa đỏ sẽ đuổi đi sự giá rét. Hoang lạnh và giá rét chính là ma quỷ chết chóc. Có lẽ vì thế mà sắc đỏ được khai thác trên váy áo như sự bảo hiểm cho tinh thần cuộc sống, trên khăn, trên thắt lưng, sắc đỏ như tín hiệu sống vĩnh hằng. Sắc đỏ giống như thứ bùa chú giải trừ tà và đuổi đi tất cả những gì không may mắn áp vào con người. Có phải vì thế mà màu đỏ được dùng như muối ăn trong bữa, không thể thiếu trên trang phục của mỗi sắc tộc trên núi, vì nó mang lại may mắn và hạnh phúc!
Tạp chí Heritage