Giao dịch trên thị trường diễn ra thận trọng, giằng co và ghi nhận sự phân hóa ở nhiều nhóm ngành cổ phiếu. Thanh khoản thị trường vẫn chỉ ở mức thấp.
Sắc đỏ áp đảo, VN-Index quay đầu điều chỉnh sau chuỗi 3 phiên tăng
Giao dịch trên thị trường diễn ra thận trọng, giằng co và ghi nhận sự phân hóa ở nhiều nhóm ngành cổ phiếu. Thanh khoản thị trường vẫn chỉ ở mức thấp.
Cổ phiếu VCB tác động tiêu cực đến VN-Index |
Chứng khoán Việt đồng loạt quay đầu giảm, “tội đồ” Vietcombank kéo VN-Index đi lùi
Sau ba phiên tăng điểm, bước sang phiên giao dịch ngày 10/12, áp lực phân hóa ngày càng gia tăng dù dòng tiền có xu hướng tích cực hơn. Thị trường thiếu vắng các nhóm cổ phiếu dẫn dắt đã khiến VN-Index giao dịch giằng co, dao động quanh mức tham chiếu với biên độ hẹp sau giờ mở cửa đầu tiên. Dù bên bán không muốn đẩy mạnh ra “hàng” nhưng áp lực có phần dâng cao mỗi khi chỉ số hưng phấn. Trong khi đó, lực cầu yếu khiến sự phân hóa diễn ra mạnh hơn.
Giao dịch trong phiên chiều vẫn diễn ra giằng co nhưng thiên về chiều đi xuống hơn. Áp lực bán có phần mạnh hơn vào cuối phiên đã khiến sắc đỏ chiếm ưu thế. VN-Index chốt phiên trong sắc đỏ và một phần tiếp tục có áp lực từ khối ngoại.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 1,77 điểm (-0,14%) xuống 1.272,07 điểm. HNX-Index tăng 0,03 điểm (0,01%) lên 229,24 điểm. UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,18%) xuống 92,74điểm. Toàn thị trường ghi nhận số mã tăng giảm cân bằng. Cụ thể, có 361 mã tăng trong khi có 359 mã giảm và 853 mã đứng giá. Số mã tăng trần ở phiên hôm nay là 27, trong khi có 9 mã giảm sàn.
Thị trường vẫn thiếu đi nhóm ngành dẫn dắt. Trong khi đó, các cổ phiếu lớn biến động phân hóa với sắc đỏ chiếm ưu thế hơn. Trong nhóm VN30 phiên hôm nay ghi nhận đến 17 mã giảm trong khi chỉ có 11 mã tăng giá. Các cổ phiếu giảm trên 1% ở nhóm này có VIC, STB, VHM và GVR. VIC giảm mạnh nhất nhóm với 1,55%, STB giảm 1,47%, VHM và GVR giảm lần lượt 1,2% và 1,09%.
VCB đứng đầu danh sách các cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index khi lấy đi 1,08 điểm. Chốt phiên, VCB giảm 0,84%. Bên cạnh đó, VIC lấy đi 0,6 điểm. VHM cũng lấy đi 0,5 điểm.
Trong khi đó, HDB tăng mạnh 3,7% lên 28.000 đồng/cổ phiếu và là mã có tác động tích cực thứ hai đến VN-Index khi đóng góp 0,7 điểm. Mã đứng đầu danh sách tác động tích cực đến chỉ số này là FPT với 0,89 điểm. Chốt phiên, FPT tăng 1,7% lên 149.500 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh đó, HPG cũng gây chú ý khi tăng 0,9% ở phiên hôm nay. Được biết, ngày 5/12/2024, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất – công ty thành viên của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã chính thức khai lò thổi 300 tấn tại Khu Liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 nằm trong Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Buổi lễ có sự tham gia của các đối tác quốc tế hàng đầu như SMS Group, WISDRI và MINMETALS, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình vận hành thử nghiệm hệ thống sản xuất của dự án.
Sắc đỏ cũng có phần chiếm ưu thế hơn ở một số nhóm ngành như bất động sản, chứng khoán, phân bón… Ở nhóm bất động sản, LDG không còn giữ được sự tích cực khi giảm trở lại 3%. Các mã như TIG, SCR, HDG, QCG, DXG… đều chìm trong sắc đỏ.
Nhóm bảo hiểm và thép giao dịch có phần tích cực hơn so với thị trường chung. Ở nhóm bảo hiểm, BVH vẫn là cổ phiếu dẫn dắt nhóm ngành này. Chốt phiên, BVH tăng 1,74%. Các mã bảo hiểm khác như BLI, BIC, ABI… cũng đều tăng giá.
Khối ngoại mua ròng, chủ yếu ở Dược Hà Tây
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp. Tổng khối lượng giao dịch đạt đạt hơn 631 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch là 14.447 tỷ đồng (giảm 14%), trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 2.900 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.151 tỷ đồng và 621 tỷ đồng.
HPG là cổ phiếu giao dịch lớn nhất phiên hôm nay với giá trị 913 tỷ đồng. HDB và FPT đứng sau với giá trị giao dịch lần lượt 545 tỷ đồng và 534 tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng mạnh cổ phiếu Dược Hà Tây |
Khối ngoại mua ròng nhẹ khoảng 28 tỷ đồng trên cả 3 sàn giao dịch. Dù vậy, dòng vốn này bán ròng 132 tỷ đồng ở sàn HoSE. DHT đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với 198 tỷ đồng. FPT đứng sau với giá trị mua ròng 124 tỷ đồng. Trong khi đó, MWG bị bán ròng mạnh nhất với 80 tỷ đồng. KDC và VNM bị bán ròng lần lượt 48 tỷ đồng và 34 tỷ đồng.
Nguồn: https://baodautu.vn/sac-do-ap-dao-vn-index-quay-dau-dieu-chinh-sau-chuoi-3-phien-tang-d232126.html