Cánh rừng sau sau được Nguyễn Đức Hiếu, quê ở Quảng Trị, sinh viên ngành công nghệ thông tin vừa ghi lại trong dịp nghỉ Tết Dương lịch trong chuyến khám phá vùng núi H.Hướng Hóa.
Từ trung tâm TT.Khe Sanh (H.Hướng Hóa), dọc theo QL14 đi vào xã Hướng Phùng, khi bắt đầu đến hồ thủy điện Quảng Trị, các cánh rừng sau sau đang thay lá sẽ dần hiện ra với màu lá cam, đỏ, vàng… xen kẽ những cánh rừng xanh thẳm của dãy Trường Sơn.
“Khi ngang qua đây, mình ấn tượng với vẻ đẹp của cánh rừng này quá. Cứ tưởng như đang ở một nơi nào đó của châu Âu, liền dừng lại ngắm nhìn và ghi lại khoảnh khắc đó”, Hiếu chia sẻ.
Những ngày qua, không chỉ Hiếu mà nhiều bạn trẻ khác cũng tìm đến cánh rừng sau sau. Các bạn trẻ dùng sup, thuyền men theo các khe nước đổ về hồ thủy điện để có thể đi sâu vào trong khu rừng, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên chỉ xuất hiện 1 lần trong năm. Rất nhiều người cứ ngỡ mình đang “lạc” vào rừng phong mùa thay lá ở châu Âu, dù lá nhỏ hơn và không “góc cạnh” như cây phong.
Thời điểm cây sau sau thay lá thường diễn ra từ tháng 9 – 11 âm lịch. Tại H.Hướng Hóa, loài cây này xuất hiện rất nhiều dọc QL14. Bên cạnh rừng sau sau, ở đây còn có nhiều cảnh đẹp khác được người trẻ tìm đến săn đón quảng bá vẻ đẹp của quê hương Quảng Trị.
Cây sau sau (tên gọi khác là cây phong hương, cây bạch giao…) thường phân bố tập trung tại các tỉnh vùng cao phía Bắc, đây là loài cây phát triển tốt trong trong môi trường ẩm ướt. Bên cạnh việc mang lại những khoảng khắc đẹp trong mùa thay lá, cây sau sau còn được người dân biết đến như một cây thuốc quý để trị các bệnh như đau răng, hen suyễn…
Loài cây này thường bị nhầm lẫn với cây phong đỏ vì hình dạng lá và cách thay màu lá khi giao mùa tương tự nhau. Cách phân biệt hai loại cây này là cây sau sau có quả còn cây phong đỏ thì không.