Thời còn đi học cấp THCS, tôi rất muốn được học tiếp bậc THPT như bao bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên tôi đành phải bỏ học sau khi hoàn thành lớp 9 để bước vào đời mưu sinh với nhiều công việc khác nhau.
Ở tuổi 19, tôi xung phong vào bộ đội. Sau 2 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi tiếp tục đi làm để kiếm tiền mưu sinh.
Mãi đến năm 23 tuổi, tôi mới trở lại học lớp 10 tại một trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện. Vì thế, đa phần học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 mất 3 năm nhưng tôi mất một thập niên.
Không tự ti khi học ở trung tâm giáo dục thường xuyên
Những ngày đầu tiên bước vào lớp 10, tôi chỉ có một điều ngại ngùng là khoảng cách về tuổi tác với học sinh trong lớp. Bởi lẽ, đa phần bạn học đều thua tôi 7-8 tuổi. Tuy nhiên, khoảng cách này cũng nhanh chóng bị xóa vì điều tôi quan tâm nhất là mình học được gì để phục vụ cho tương lai của chính mình.
Cái lợi duy nhất của tôi lúc đó là người lớn tuổi nhất trong lớp và đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự nên thầy giáo chủ nhiệm phân công làm lớp trưởng. Có lẽ, thầy nghĩ việc phân công cho tôi làm lớp trưởng sẽ dễ dàng trong việc quản lý lớp được tốt hơn và tôi đã làm được. Lớp của tôi thường được nhà trường khen về nền nếp tốt.
Suốt những năm học ở trung tâm giáo dục thường xuyên, tôi âm thầm học tập và thường xuyên có dịp trao đổi với thầy cô về những vấn đề bản thân còn băn khoăn. Giáo viên luôn nhiệt tình giúp đỡ tôi, nhất là thầy giáo dạy ngữ văn – cũng là thầy chủ nhiệm lớp suốt 3 năm học.
Thầy chủ nhiệm lo lắng một học sinh lớn tuổi nhất lớp sẽ khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức vì tôi đã bỏ học lâu năm. Vì thế, ngay từ những ngày đầu lớp 10, thầy nhắn gửi các bạn học hỗ trợ lớp trưởng và tôi đã vươn lên trở thành học sinh giỏi môn ngữ văn cùng một số môn học khác.
Suốt những năm học tại trung tâm giáo dục thường xuyên, điểm ngữ văn của tôi luôn dẫn đầu lớp. Khi tham gia thi học sinh giỏi của cụm, điểm văn cũng cao nhất và lọt vào đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Sau đó, tôi thi đậu vào khoa ngữ văn của một trường đại học rồi ra trường trở thành giáo viên dạy môn ngữ văn gần 20 năm qua tại một trường phổ thông. Nhìn con đường học tập của mình – dù trải qua nhiều khó khăn, lâu dài nhưng chưa một lần tôi cảm thấy ân hận về quyết định của mình.
Chọn hướng đi khác phù hợp
Những năm học gần đây, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở các địa phương thường gây áp lực rất lớn cho học sinh do chính sách phân luồng. Đa số địa phương chỉ tuyển sinh lớp 10 trường công lập khoảng trên dưới 70% thí sinh dự thi. Do đó, số lượng học sinh không đậu vào lớp 10 công lập thường rất cao và những em này có thể vào học ở các trường tư thục; trường nghề hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, tỉnh.
Về cơ bản, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 chỉ tiêu tuyển vào các trường công lập không tăng so với những năm trước. Các thành phố lớn như Hà Nội năm nay cũng chỉ tuyển 61% số học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập. Còn TP.HCM tuyển 71.020 chỉ tiêu vào lớp 10 công lập – giảm 6.274 chỉ tiêu so với năm học 2023-2024.
Vì thế, khoảng trên dưới 30% học sinh đã tốt nghiệp THCS phải chọn cho mình một hướng đi khác phù hợp với thực tế sau khi biết kết quả thi tuyển sinh 10. Nhiều học sinh phải vào học tại trung tâm giáo dục thường xuyên thường mang tâm trạng mặc cảm vì nghĩ rằng thầy cô dạy không tốt, bạn bè học ở đó thường yếu kém so với trường công lập.
Thực tế cho thấy, phần lớn học sinh học ở trung tâm giáo dục thường xuyên vì rớt tuyển sinh lớp 10 công lập nhưng không phải vì thế mà tất cả học sinh buông xuôi, thờ ơ với việc học. Vẫn có rất nhiều học sinh có ý chí học tập tốt, khát khao phấn đấu; vẫn có nhiều học sinh vì các hoàn cảnh khác nhau mà họ đăng ký vào đây để học.
Môi trường học tập nào cũng có người giỏi, cầu tiến để hướng đến tương lai. Vậy nên, nếu không đậu lớp 10 công lập, học sinh vẫn có thể mạnh dạn học ở trung tâm giáo dục thường xuyên. Đây vẫn là một hướng đi tốt, phù hợp với thực tế, chứ không phải bước đường cùng trong quá trình học tập.
Học ở trường nào không quan trọng bởi nơi nào cũng có những thầy cô giỏi với nhiều kênh hỗ trợ khác nhau cho việc học. Điều cốt lõi nhất là mỗi học sinh cần vượt qua được chính mình, gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực để phấn đấu, học tập thật tốt thì sẽ đạt được ước mơ cho tương lai của mình.