Tại chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, nhiều vấn đề nóng liên quan đến việc áp dụng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) ở các hạng mục công trình trong mạng lưới giao thông quốc gia đã được các Đại biểu Quốc hội đề cập trên nghị trường.
Phát biểu tại phiên chất vấn, Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay, có một số dự án đã phê duyệt chủ trương theo hình thức PPP, tuy nhiên, sau đó lại chuyển qua hình thức đầu tư công. Dự án chưa triển khai thực hiện mà phải điều chỉnh chủ trương đầu tư làm thời gian chuẩn bị dự án kéo dài và có thể ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai dự án về sau. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp khắc phục vấn đề này trong thời gian tới.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho biết, nhiều vấn đề xung quanh các dự án BOT chưa đưa ra thời hạn giải quyết cụ thể, trong khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có thông báo kết luận về nội dung này. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng phải có cam kết cụ thể để cho các nhà đầu tư, người dân, doanh nghiệp yên tâm.
Về vấn đề huy động nguồn lực cho giao thông, Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, không thể việc gì cũng dùng ngân sách Nhà nước. Trước thực trạng vừa qua, rất nhiều dự án từ đầu tư PPP sang đầu tư công, Đại biểu nêu rõ, nếu không có một biện pháp thật sự căn cơ để huy động được nguồn lực trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thì rất khó khăn để phát triển đất nước.
Theo Đại biểu Trịnh Xuân An, bên cạnh những giải pháp xúc tiến đầu tư, truyền thông vận động, cần giải quyết những điểm vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách, nhất là việc quy định các tỷ lệ về vốn nhà nước trong Luật PPP, quy định của Luật Ngân sách, Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ liên quan đến chi ngân sách ở trung ương và ngân sách địa phương.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng có tổng kết, đánh giá và tham mưu cho Chính phủ báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền, nhất là những vấn đề liên quan đến thể chế để khơi dậy được nguồn lực thật sự cần thiết cho phát triển giao thông trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc chuyển từ dự án PPP sang đầu tư công là vấn đề ngành giao thông vận tải rất trăn trở. Từ khi ban hành Luật PPP đến nay, chúng ta cũng chưa kêu gọi được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu chuẩn bị đề xuất một số giải pháp để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư PPP.
Theo Bộ trưởng, nhu cầu đầu tư hạ tầng của chúng ta chỉ tính riêng trong giai đoạn 2021-2025 là 462.000 tỷ, thực tế mới bố trí được 66% và rất cần những nguồn vốn xã hội hóa để tham gia vào kết cấu hạ tầng giao thông. Bộ trưởng nhấn mạnh, cần có một hệ thống các giải pháp đồng bộ trong vấn đề này, điều chỉnh phù hợp thể chế để tạo được lòng tin, sự bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Cụ thể, tuy luật quy định rằng là doanh thu mà tăng lên trên 125% so với dự tính thì doanh nghiệp phải chia sẻ với Nhà nước, hay doanh thu giảm xuống dưới 75% thì Nhà nước phải bù, nhưng bù như thế nào, bù ở đâu, nguồn nào thì chưa rõ. Luật cũng nêu, khi doanh nghiệp ký hợp đồng rồi thì trong hợp đồng đã quy định rất rõ là thời điểm nào người ta được tăng phí. Nhưng từ năm 2019 đến nay, do những vấn đề liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô, chúng ta cũng không thực hiện việc cho các doanh nghiệp tăng phí theo hợp đồng dẫn đến doanh thu không đảm bảo, gây hệ lụy với ngân hàng, nợ quá hạn…
Bộ trưởng cho biết, Bộ Giao thông vận tải ghi nhận ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, sẽ triển khai phối hợp với các địa phương để tổ chức hội nghị xúc tiến, mời gọi đầu tư các doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế. Cùng với đó, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề huy động các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
Để tháo gỡ một cách triệt để những rào cản, vướng mắc với các công trình BOT, Bộ trưởng cho biết, Bộ Giao thông vận tải rất quyết tâm, quyết liệt để có thể trình Quốc hội nội dung đó trong kỳ họp lần này. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị xin ý kiến, Quốc hội có chỉ đạo cần phải rà soát, đánh giá không chỉ có 8 dự án BOT mà phải phối hợp với địa phương đánh giá toàn bộ các dự án BOT trên toàn quốc, bao gồm cả những BOT của trung ương và những BOT của địa phương để có bức tranh toàn cảnh và từ đó đề ra các biện pháp, các giải pháp.
Hiện nay, Bộ đã tổng hợp hết ý kiến của các địa phương, nhận diện các vấn đề và trình lại đối với 8 dự án BOT cần phải xử lý trước. Toàn bộ hồ sơ đã được trình Chính phủ, đang lấy ý kiến của các bộ, ngành để tiếp tục xử lý và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục bám sát vấn đề này.