“Tiểu luận về nghệ thuật An Nam’ của học giả Louis Bezacier tập hợp bảy bài nói chuyện vào một tập sách kèm hình ảnh được thực hiện ở bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ của Hội Những người bạn của Viện Viễn Đông Bác Cổ.
Louis Bezacier theo học tại Trường Mỹ thuật Paris từ năm 1926 và tham gia các tiết học về kiến trúc tại xưởng Defrasse-Madeline từ 1931-1932.
Ông đến Hà Nội ngày 3/10/1935, đảm nhiệm vai trò bảo tồn các công trình ở Bắc Kỳ, rồi ở miền Trung Việt Nam, khu vực địa lý rộn hơn Bắc Kỳ tính thêm cả phần lớn lãnh thổ vương quốc Champa cũ.
Ngay khi đến Việt Nam, Louis Bezacier đã tiến hành công tác tu bổ một trong những công trình đẹp nhất Bắc Kỳ là chùa Ninh Phúc (hay còn gọi là chùa Bút Tháp), ở tỉnh Bắc Ninh.
Ông cũng thực hiện các cuộc khai quật nhằm tìm ra dấu vết của các công trình trước đó. Đến năm 1945, ông dành phần lớn thời gian và tâm huyết cho kiến trúc dân sự và tôn giáo cổ như chùa, lăng mộ, di tích cung điện triều Lê, cầu có mái che… ở châu thổ sông Hồng và tỉnh Thanh Hóa.
Louis Bezacier cũng tu bổ một phù đồ gạch ở Bình Sơn, tỉnh Vĩnh Yên, có từ thế kỷ XI. Ông chính là người xác định được một phong cách mới: nghệ thuật Đại La (thế kỷ XI-XII). Ngoài ra, Louis Bezacier còn chịu trách nhiệm tu bổ nhiều công trình Champa ở khu di tích Lý Sơn.
Một số tác phẩm tiêu biểu của Louis Bezacier: L’Architecture religieuse au Tonkin (Kiến trúc tôn giáo ở Bắc Kỳ, 1938), L’art et les constructions militaires annamites (Nghệ thuật và các công trình quân sự An Nam, 1941), Le panthéon bouddhique des pagodes du Tonkin (Điện thờ Phật giáo trong các chùa ở Bắc Kỳ, 1943), Essais sur l’art annamite (Tiểu luận về nghệ thuật An Nam, 1943), L’art vietnamien (Nghệ thuật Việt Nam, 1955).