Thời điểm này được xem là giai đoạn cao điểm của tàu giã cào đánh bắt sai vùng biển quy định ở Hà Tĩnh nên lực lượng Bộ đội Biên phòng đang vào cuộc quyết liệt, liên tục để đấu tranh, ngăn chặn.
Vấn nạn tàu giã cào ở mùa cao điểm
Video: Ngư dân Nguyễn Chí Bảo ở xã Xuân Liên (Nghi Xuân) nói về vấn nạn tàu giã cào.
Theo quy định, tàu giã cào chỉ được hoạt động cách bờ ngoài 24 hải lý, thế nhưng, tình trạng đội tàu giã cào tranh giành ngư trường, đánh bắt gần bờ, khai thác hải sản tận diệt diễn ra thường xuyên ở Hà Tĩnh. Đặc biệt, từ tháng 6-10 dương lịch hằng năm được xem là mùa cao điểm của giã cào “lộng hành” vì có nhiều ruốc (tép biển) vào bờ, kéo theo các loại cá, tôm, ghẹ theo vào nên ngư trường khá dồi dào.
Ngư dân Nguyễn Chí Bảo ở thôn Lâm Vượng, xã Xuân Liên (Nghi Xuân) phản ánh: “Thời điểm đầu tháng 6/2023, trên vùng biển Nghi Xuân, tàu giã cào hoạt động khá dày đặc, liên tục cả ngày lẫn đêm. Có những thời điểm lợi dụng đêm tối, đội tàu này vào cách bờ chỉ 1 km để đánh bắt, tiếng máy thuyền vang khắp mặt biển, lan vào tận thôn khiến ngư dân chúng tôi đứng ngồi không yên. Tình hình chỉ tạm lắng khi chúng tôi phản ánh và BĐBP Lạch Kèn tích cực vào cuộc đẩy đuổi, ngăn chặn”.
BĐBP Lạch Kèn cùng các lực lượng chức năng xuống địa bàn để nắm thông tin về tình hình hoạt động của tàu giã cào.
Đại úy Trần Văn Mạnh – Phó đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Lạch Kèn chia sẻ: “Vốn xuất thân từ con em ngư dân Nghi Xuân nên những lúc đi thu hồi tang vật trên tàu giã cào, tôi cảm thấy rất buồn, xót xa. Họ sẵn sàng dùng kích điện, thuốc nổ, đánh bắt tận đáy, sát bờ. Những mẻ hải sản kéo lên chỉ có số ít đạt kích cỡ bán được tại chợ, còn lại là loại rất bé, nằm xen lẫn với bùn đất, được nhét vào bao tải bán làm thức ăn chăn nuôi”.
Anh Võ Văn Thịnh ở thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc (Lộc Hà) cho biết: “Tàu của chúng tôi dưới 24 CV, khai thác cách bờ từ 4-10 hải lý, trên tàu chỉ có 1-2 người. Trong khi đó, tàu giã cào có khoảng 10 người, công suất tàu trên 400 CV nên họ coi thường ngư dân bản địa. Họ sẵn sàng kéo hỏng ngư cụ, cắt đứt lưới; thậm chí nếu xảy ra xích mích thì có thể làm lật thuyền, đánh ngư dân địa phương. Vì vậy, khi thấy tàu giã cào đánh bắt gần bờ, chúng tôi phải hết sức dè chừng”.
Tàu cá mang biển kiểm soát TH-92002 bị lực lượng BĐBP phát hiện khai thác hải sản bằng lưới kéo giã cào sai vùng biển quy định.
Theo ông Nguyễn Văn Diện ở thôn Tân Hải, xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên): Việc tàu giã cào đánh bắt sai vùng biển quy định là “chuyện như cơm bữa” và khoảng 70% số đó là có sử dụng kích điện. Đội tàu này tàn phá ngư trường, làm hỏng ngư cụ, gây ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân sản xuất vùng gần bờ… nên chúng tôi rất bức xúc”.
Không chỉ hung hăng, manh động trên biển, một số chủ tàu giã cào còn tỏ ra bất hợp tác, chống đối khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý.
Vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn
Để chấn chỉnh tàu giã cào hoành hành trên vùng bờ biển dài gần 33 km được giao quản lý, bảo vệ, thời gian này, Đồn Biên phòng Lạch Kèn đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện, trang bị vũ khí để tuần tra, kiểm soát, đẩy đuổi, xử phạt. Chỉ tính riêng trong tháng 7 này, đơn vị đã bắt 8 tàu giã cào ngoại tỉnh đánh bắt gần bờ, xử lý vi phạm hành chính trên 200 triệu đồng và áp dụng nhiều hình phạt bổ sung khác.
Video: Trung tá Đoàn Đức Long – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lạch Kèn nói về công tác đấu tranh ngăn chặn tàu giã cào.
Trung tá Đoàn Đức Long – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lạch Kèn cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã vào cuộc rất quyết liệt, hiệu quả ngăn chặn tàu giã cào đánh bắt sai vùng biển quy định, được cấp ủy, chính quyền các cấp và ngư dân đánh giá cao. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục quán triệt nghiêm các mệnh lệnh, chỉ đạo của trên, chủ động trong mọi việc để đấu tranh ngăn chặn vấn nạn tàu giã cào hiệu quả hơn”.
“Cùng với việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên biển, cửa sông, cửa lạch, chúng tôi sẽ bám địa bàn để tuyên truyền, nhắc nhở bà con ngư dân chấp hành nghiêm các quy định khi đánh bắt, nghe ngóng tình hình, chủ động cung cấp thông tin và hỗ trợ lực lượng chức năng khi cần. Đặc biệt, đơn vị đã cung cấp rộng rãi số điện thoại cá nhân để bà con có thể gọi điện báo tin bất cứ lúc nào và chúng tôi đều sẵn sàng hành động ngay” – Trung tá Đoàn Đức Long thông tin thêm.
BĐBP Lạch Kèn bắt tàu giã cào dùng kích điện đánh bắt gần bờ vào ngày 4/7.
Hiện nay, 7 đơn vị biên phòng tuyến biển đang tập trung vào cuộc quyết liệt, tăng cường khả năng kiểm soát trên tuyến bờ biển dài 137 km từ giáp Nghệ An đến giáp Quảng Bình. Cùng với bảo vệ chủ quyền biển đảo, bộ đội biên phòng cũng tập trung lực lượng thực thi pháp luật trên khu vực biên giới biển, nhất là đẩy đuổi, xử lý tàu giã cào đánh bắt sai quy định. Qua đó, đã tạo được những chuyển biến tích cực, liên tiếp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, từng bước kiềm chế tình trạng đánh bắt nguy hiểm này.
Thiếu tá Hồ Văn Hạ – Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa Sót cho biết: “Thời gian này, chúng tôi đang tăng cường mật độ tuần tra trên biển, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ra vào cửa lạch, mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng khác để đấu tranh, ngăn chặn tàu giã cào đánh bắt sai quy định. Quá trình đẩy đuổi, vây bắt luôn chú trọng đảm bảo an toàn, xử lý đúng quy định, xử phạt đủ sức răn đe và mang tính tuyên truyền, giáo dục cao”.
BĐBP tăng cường tuần tra, kiểm soát cửa sông, cửa lạch, trên biển để ngăn chặn tàu giã cào hoạt động sai tuyến.
Từ cuối tháng 6/2023 đến nay, các đơn vị biên phòng tuyến biển Hà Tĩnh đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ, xử lý 9 vụ/17 tàu giã cào vi phạm quy định khi đánh bắt; xử phạt hành chính gần 420 triệu đồng. Trong đó, Đồn Biên phòng Lạch Kèn 4 vụ/8 tàu, Đồn Biên phòng Cửa Sót 2 vụ/4 tàu, Đồn Biên phòng Thiên Cầm 2 vụ/3 tàu, Hải đội 2 bắt 1 vụ/2 tàu. Các tàu vi phạm chủ yếu là của ngư dân Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi…
Nhờ phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm, có “tai mắt” là ngư dân nên hoạt động đánh bắt trái phép của tàu giã cào trong mùa cao điểm năm nay đang có dấu hiệu giảm dần. Lực lượng BĐBP Hà Tĩnh tiếp tục chủ động vào cuộc, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, huy động tối đa nhân lực và phương tiện để kiềm chế, tiến tới chấm dứt vấn nạn đánh bắt nguy hiểm này.
Tiến Dũng – Thăng Long