XEM VIDEO:
Chiều 7/11, nêu câu hỏi chất vấn nhóm vấn đề văn hóa – xã hội, nhiều đại biểu quan tâm đến lĩnh vực của ngành Thông tin và Truyền thông.
Phủ sóng 4G, 5G có nhiều thuận lợi
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (đoàn Bạc Liêu) cho biết, Bộ TT&TT đặt ra mục tiêu vào năm 2025, 100% dân số sẽ được phủ sóng mạng 4G và đến năm 2030, 100% dân số được phủ sóng 5G.
Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh đề nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT nói rõ về kế hoạch trên sẽ thực hiện như thế nào, lộ trình cụ thể trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc phủ sóng 4G và 5G có nhiều thuận lợi và sẽ nhanh hơn vì đã có hạ tầng của sóng 2G, 3G.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, thuê bao 4G đến thời điểm này đã đạt 99,8% dân số, dự kiến năm 2025 sẽ đạt được mục tiêu.
Về sóng 5G, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, dự kiến cuối năm nay sẽ đấu giá tần số. Sau đó, các nhà mạng sẽ triển khai diện rộng trên toàn quốc 5G.
Người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng, điều thuận lợi trong việc phát triển sóng 5G là các nhà mạng sẽ lắp đặt trên hạ tầng cũ – cột ăng-ten của 2G, 3G. Do vậy, thời gian đầu tư phủ sóng 5G sẽ rất nhanh.
“Năm 2030, chúng ta sẽ đạt mục tiêu phủ sóng 5G, nhưng tôi nghĩ là sẽ sớm hơn”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.
Phủ sóng điện thoại 4G đạt 99,8%
Tại hội trường, đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) cho biết, trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT từng nêu tinh thần sẽ phủ sóng triệt để các thôn, bản vùng miền núi. Phấn đấu năm 2023 hoàn thành việc cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại các thôn bản, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới, hải đảo.
Theo đại biểu đoàn Cao Bằng, giai đoạn 2021-2023, Bộ TT&TT đã tích cực đầu tư hạ tầng số, phủ sóng toàn quốc với 99,73% thôn bản, hoàn thành 1.071/1.760 thôn bản có sóng di động.
“Hiện còn 689 thôn, trong đó có 562 thôn thuộc khu vực đặc biệt khó khăn chưa có sóng di động. Xin Bộ trưởng cho biết, hết năm 2023 có hoàn thành mục tiêu hay không?”, đại biểu đoàn Cao Bằng nêu câu hỏi.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, từ năm 2021 khi xảy ra đại dịch Covid-19, ngành giáo dục phải tổ chức dạy học trực tuyến và Chính phủ đã có Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Cùng với đó, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các nhà mạng, các Sở TT&TT rà soát từng vùng lõm sóng.
“Thậm chí có những vùng miền núi chỉ vài chục nóc nhà nhưng chúng ta đã tiến hành phủ sóng từng vùng lõm sóng này. Hiện nay, có 2.100 vùng lõm sóng được phủ sóng. Có một thông tin rất vui là tỷ lệ phủ sóng điện thoại 4G của Việt Nam hiện nay là 99,8% xét trên dân số. Những nước thu nhập cao trung bình chỉ đạt 99,4%”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Người đứng đầu ngành TT&TT cho biết, năm 2023, sau khi rà soát, các địa phương phát hiện thêm 420 điểm lõm sóng. Bộ TT&TT đã đưa vào kế hoạch sử dụng Quỹ viễn thông công ích để trước tháng 6/2024 phủ sóng các điểm lõm này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong các điểm lõm sóng được phát hiện thêm, có 50 điểm chưa có điện. Do vậy, Bộ TT&TT đã làm việc với Tập đoàn Điện lực để bàn giải pháp đưa điện đến những vùng này. Trong trường hợp khó khăn thì sẽ có giải pháp dùng điện mặt trời.
“Có lẽ về phủ sóng vùng sâu, vùng xa thì Việt Nam làm rất tốt vì chúng ta có Quỹ Viễn thông công ích do các nhà mạng đóng góp”, Bộ trưởng Bộ TT&TT nhìn nhận.
Đột phá trong làm việc với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh (đoàn Nghệ An) đánh giá rất cao nỗ lực của ngành TT&TT trong thời gian qua. Đặc biệt, đại biểu rất tâm đắc với kết quả có thể nói là đột phá trong việc làm việc với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google hay Tiktok, để yêu cầu họ là tuân thủ pháp luật Việt Nam và Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội về cẩm nang nhận diện và xử lý thông tin giả cho người sử dụng.
“Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị đã có trang fanpage trên Facebook và có danh tính xác thực, rất có hiệu quả trong công tác tuyên truyền, tương tác với người dân nhưng chưa được cấp tài khoản có tính chính thống”, đại biểu đoàn Nghệ An nói.
Với thực tế trên, đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị Bộ TT&TT cho biết giải pháp để hỗ trợ định hướng và chính thống hóa các trang này nhằm đảm bảo an toàn, tránh rủi ro, mất kiểm soát điều hành hoặc trong khi hoạt động trang cũng như là tính chịu trách nhiệm của các trang này đối với xã hội?
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời, hiện nay rất nhiều tổ chức có một trang trên mạng xã hội và mong muốn trang đó có tính chính thức. Thông qua sự chính thức đó để truyền tải thông tin đến xã hội và thể hiện uy tín của trang đó.
Theo Bộ trưởng, hiện nay, một số nền tảng mạng xã hội đã có sẵn chức năng đó, hỗ trợ chức năng đó. Ví dụ như Facebook có ‘tích xanh’. Khi cung cấp đầy đủ thông tin, được xác thực là tổ chức đó thì họ sẽ cấp cho ‘tích xanh’. Khi người dùng nhìn thấy ‘tích xanh’ đó thì sẽ thấy được uy tín của tổ chức đó.
Tuy nhiên, chưa phải tất cả các mạng xã hội đã có chức năng xác thực như Facebook. Do vậy, Bộ TT&TT đã làm việc với mạng xã hội chưa có chức năng đó để phát triển chức năng xác thực.
“Cơ bản đến hết năm nay, các mạng xã hội lớn sẽ có chức năng này và Bộ TT&TT sẽ thể chế hóa trong một nghị định dự kiến sẽ ký trong quý 4/2023 về nội dung trên Internet”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.