Là địa phương có hoạt động sân khấu sôi nổi, năm 2024, cùng với đầu tư nâng cao chất lượng các chương trình, vở diễn, thành phố quan tâm đưa sân khấu sống động trực tiếp đến với người nghe, người xem, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, hải đảo nhằm nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Đoàn Ca múa Hải Phòng lưu diễn tại xã Việt Hải (huyện Cát Hải). Ảnh: Đỗ Hiền
Xung kích đưa nghệ thuật đến đảo xa
Tối 19-3, sân khấu ngoài trời của Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bạch Long Vĩ) rộn ràng vang lên những giai điệu dân ca, cùng những màn rối sinh động, hấp dẫn do các nghệ sĩ, diễn viên trẻ Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng thực hiện. Không khí ngày mùa ở những miền quê Bắc bộ trong "Cây trúc xinh", mùa xuân về với bản vùng cao ở "Xuân về trên bản" hay lời hát ngọt ngào ca ngợi vẻ đẹp quê hương đất nước trong "Xin chào Việt Nam" qua sự thể hiện của các nghệ sĩ và con rối càng sôi động trong sự cổ vũ của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đơn vị và bà con huyện đảo.
Hồ hởi cổ vũ các nghệ sĩ, chiến sĩ Mai Văn Thọ, Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ bộc bạch: Người dân, anh em chiến sĩ trên đảo vốn chỉ được thưởng thức nghệ thuật qua các chương trình truyền hình. Dịp này, được xem trực tiếp các nghệ sĩ biểu diễn múa rối giúp tôi cảm nhận rõ nét hơn vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống, cũng như thêm yêu miền đất giàu đẹp, con người tài hoa của thành phố và đất nước, qua đó càng mong muốn được đóng góp sức mình xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh…
Đầu tháng 4-2024, Đội văn nghệ xung kích thành phố cũng theo Đoàn công tác của Quân chủng Hải quân và thành phố Hải Phòng đi lưu diễn phục vụ các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. Theo Phó trưởng Đoàn Chèo Hải Phòng Trần Quốc Kiên, cán bộ, chiến sĩ và người dân ở quần đảo Trường Sa không chỉ đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, nắng nóng, bão giông và đời sống vật chất thiếu nước ngọt, rau xanh, mà còn thiếu vắng đời sống tinh thần- không phim ảnh, không sân khấu chuyên nghiệp; 3 tháng, thậm chí 6 tháng mới có báo chí từ đất liền ra. Nhằm mang "món ăn tinh thần" ra đảo góp phần bổ khuyết phần vắng thiếu ấy, Đội văn nghệ xung kích gồm các nghệ sĩ, diễn viên đến từ các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của thành phố lên đường làm nhiệm vụ biểu diễn nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Trường Sa. Trong đó, Đoàn Chèo Hải Phòng có 4 nghệ sĩ; các Đoàn Ca múa Hải Phòng, Đoàn Cải lương Hải Phòng, Đoàn Nghệ thuật Múa rối có từ 1 đến 3 nghệ sĩ tham gia, mang lời ca, tiếng hát đến với vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Từ đầu năm 2024 đến nay, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của thành phố tổ chức lưu diễn được 10 chương trình, vở diễn thuộc Đề án Sân khấu truyền hình, trong đó có nhiều cuộc lưu diễn tại vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Cùng với đó, các địa phương tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn dịp lễ, Tết đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của nhân dân, bảo đảm đồng đều từ khu vực nội thành với các vùng còn khó khăn.
Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân
Nghệ sĩ Lương Hải Phượng, Bí thư Chi Đoàn Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng cho hay, văn công ra đảo là những đội văn nghệ xung kích gọn nhẹ với khoảng chục người trở lại và chủ yếu là… hát. Các nghệ sĩ ra đảo phải "đa-zinăng", có nghĩa là vừa hát đơn ca, tốp ca, lại vừa múa được thì quá tốt, đàn ghi ta được mà còn biết chơi trống thì càng hay. Nhạc công chơi được nhiều nhạc cụ, diễn viên vừa hát được dân ca, hát được nhạc nhẹ, thậm chí tùy hứng cất lên được một đoạn nhạc thính phòng… sẽ như "con dao pha", phục vụ chiến sĩ và bà con trên đảo hiệu quả hơn. Những ngày mang nghệ thuật múa rối đến với các chiến sĩ và bà con trên đảo thanh niên Bạch Long Vĩ, mặc dù vô cùng khó khăn khi vượt trùng khơi ra đảo, mang vác theo đạo cụ, con rối lỉnh kỉnh, nhưng với những tràng vỗ tay nhiệt tình cổ vũ làm các nghệ sĩ vơi bớt mệt nhọc, nhiệt tình biểu diễn. Tháng 5 tới đây, Chi đoàn tiếp tục lập kế hoạch xung kích lưu diễn tại quần đảo Trường Sa…
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Hoàng Mai, thực hiện Đề án Sân khấu truyền hình, các đoàn nghệ thuật thành phố chú trọng lưu diễn phục vụ nhân dân tại các quận, huyện, trong đó ưu tiên vùng sâu, vùng xa, hải đảo như huyện đảo Bạch Long Vĩ, xã đảo Việt Hải... Việc tổ chức lưu diễn ngoại thành, hải đảo còn gặp khó, như cơ sở vật chất phục vụ lưu diễn khó khăn; kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động văn hóa nói chung, các hoạt động sản xuất, đưa sản phẩm văn hóa tiếp cận người dân được quan tâm, nâng lên so với trước, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Vượt qua mọi khó khăn, các đoàn nghệ thuật vẫn nhiệt tình, duy trì "phong độ" cao nhất khi tổ chức các hoạt động lưu diễn. Những cố gắng, nỗ lực của các nghệ sĩ, diễn viên, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa thành phố hướng tới mục tiêu chung là đưa các sản phẩm văn hóa nghệ thuật đến gần hơn với người dân, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân tương xứng với sự phát triển kinh tế của thành phố./.
Bình luận (0)